Hạn chế doanh nghiệp bán cà phê theo mô hình trừ lùi

Thực hiện đồng bộ các chính sách thu mua, tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Nguyễn Thành Biên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu.


Ông. Nguyễn Thành Biên

Thứ trưởng có thể cho biết những khó khăn chủ yếu mà DN xuất khẩu đã, đang và sẽ gặp phải trong năm nay?

Xuất khẩu trong năm 2010 vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, do kinh tế thế giới chưa phục hồi một cách bền vững. Trước hết là khó khăn về thị trường, hiện trên thế giới, quan hệ cung – cầu chưa được xác định một cách rõ ràng. Điều này dẫn tới đầu ra cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu như gạo, cà phê… đang gặp khó khăn (xuất khẩu gạo giảm 25% về lượng và 6,8% về giá trị, cà phê giảm 21% về lượng và 26,8% về giá trị so với hai tháng đầu năm 2009).

Khó khăn thứ hai mà các DN xuất khẩu sẽ gặp phải trong năm nay là, giá cả đầu vào đối với nhiều loại nguyên vật liệu như xăng dầu, điện… đang có xu hướng tăng; chi phí sản xuất, chi phí tiền lương, mặt bằng và đặc biệt là lãi suất ngân hàng tăng cao, gây áp lực lớn lên chi phí sản xuất, làm giảm sức cạnh tranh của nhiều mặt hàng xuất khẩu.

Nhiều DN xuất khẩu gạo, cà phê… đang gặp khó khăn về đầu ra, Bộ Công thương đã có những giải pháp gì hỗ trợ DN?

Đối với những mặt hàng xuất khẩu hiện đang gặp khó khăn nhất thời về giá như gạo, cà phê…, chúng tôi đã chủ trương làm việc với hiệp hội ngành hàng và các địa phương điều tiết xuất khẩu, để làm sao không phá vỡ quan hệ cung – cầu trên thị trường thế giới, không tạo cơ hội cho các nhà nhập khẩu, các tổ chức đầu cơ tài chính tung ra quá nhiều lượng hàng để ép giá và gây thua thiệt cho DN xuất khẩu.

Chúng tôi đã phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo triển khai thu mua 1 triệu tấn gạo trong vụ Đông – Xuân, nhằm giữ không cho giá gạo xuống mức quá thấp. Đồng thời, chúng tôi cũng đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ cho các DN trong việc ký kết các hợp đồng tập trung với các nước nhập khẩu gạo cũng như ký các hợp đồng mới ở các thị trường châu Phi, Nam Mỹ để có thể đẩy mạnh xuất khẩu gạo.

Đối với mặt hàng cà phê, chúng tôi đã bàn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính để giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam về cách thức thu mua dự trữ 200.000 tấn cà phê, để giữ cho giá cà phê không giảm dưới mức 23 triệu đồng/tấn cà phê nhân. Đồng thời, thông qua đó cải thiện giá cà phê trên thị trường khu vực, thế giới và hạn chế DN bán cà phê theo mô hình trừ lùi (giao trước chốt giá sau), tránh tạo điều kiện cho DN nhập khẩu thao túng thị trường, gây thiệt hại cho DN xuất khẩu và người trồng cà phê.

Trên đây chỉ là những biện pháp tạm thời. Về lâu dài, chúng ta sẽ thực hiện đồng bộ các chính sách thu mua, tiêu thụ sản phẩm cũng như hỗ trợ nông dân về vốn, máy móc trang thiết bị…, đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu trong dài hạn.

Thứ trưởng dự báo xuất khẩu trong quý I sẽ như thế nào?

Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu chỉ tăng trưởng 0,1%, nhưng thực chất là tăng trưởng hơn thế nhiều, vì chúng ta đã bù đắp được mức thiếu hụt của dầu thô. Tiếp đến, chúng ta không có lượng xuất khẩu vàng, bạc, đá quý như hai tháng đầu năm 2009 (thiếu hụt 2 tỷ USD). Có một thực tế là cuối năm ngoái, đơn hàng xuất khẩu nhiều, chúng ta phải tạm ngưng một số đơn hàng xuất khẩu, nhưng trong 2 tháng đầu năm nay, đơn hàng lại thiếu, đầu ra cho một số mặt hàng như gạo, cà phê… gặp khó khăn. Song xuất khẩu một số mặt hàng như cao su, khoáng sản đang có xu hướng tăng mạnh. Trên cơ sở đó, chúng tôi hy vọng trong tháng 3, xuất khẩu sẽ cải thiện hơn và sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn so với hai tháng đầu năm. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 3 sẽ đạt trên 4 tỷ USD.

Theo báo Đầu Tư

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

77