Sức mua thanh lý ngay đầu tháng đã hỗ trợ giá tăng trên cả hai sàn giao dịch cà phê kỳ hạn
Kết thúc phiên giao dịch ngày đầu tháng Ba, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta đảo chiều tăng trở lại. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 44 USD, lên 1.768 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 40 USD, lên 1.794 USD/tấn, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 1,95 cent, lên 123,95 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 1,9 cent, lên 126 cent/lb, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 800 – 900 đồng, lên dao động trong khung 36.700 – 37.400 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.673 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 90 – 95 USD theo giá kỳ hạn tháng 5 tại London.
Ngày giao hàng đầu tiên của kỳ hạn tháng 3 đã chứng kiến giá trên cả hai sàn tăng vọt như đã dự kiến (xin xem lại bản tin ngày 27/02). Việc khẳng định sẽ tăng lãi suất USD của tân Chủ tịch Fed đã buộc các nhà đầu tư phải xem xét, cân đối lại dòng vốn của mình và thanh lý bớt vị thế bán ròng đã bán quá tay.
Trrong khi đó, dựa trên các dự báo lạc quan về sản lượng vụ mùa sắp tới ở các nước sản xuất chính nên các đầu cơ và Quỹ đã đẩy lượng bán ròng lên mức cao hiếm thấy, nhưng lãi suất vốn vay buộc họ phải tính toán, điêu chỉnh lại khối lượng bán một cách hợp lý hơn. Theo các nhà quan sát, dù sao các con số sản lượng đã đưa ra cũng chỉ mới là dự báo, mọi chuyện còn ở phía trước. Nhất là trong khi thời tiết hiện đang biến đổi bất thường nên cũng chưa thể khẳng định được một cách chắc chắn điều gì.
Báo cáo từ Sumatra, đảo xuất khẩu cà phê chính của Indonesia cho thấy xuất khẩu cà phê Robusta tháng Hai đã giảm tới 71,77% so với cùng kỳ, chỉ đạt 67.368 bao. Lũy kế xuất khẩu 5 tháng đầu niên vụ cà phê 2017/2018 cũng giảm tới 67,61% so với cùng kỳ niên vụ trước đó. Trong khi dự báo vụ sắp thu hoạch sẽ mất mùa vì thời tiết bất lợi, rất có khả năng năm nay Indonesia để tuột khỏi tay vị trí nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn thứ ba thế giới.
Theo các thương nhân, phiên giao dịch cuối tuần thường có xu hướng điều chỉnh nhưng yếu tố tích cực trên cả hai sàn vẫn còn nên nhà nông vẫn kỳ vọng chờ giá tăng thêm mà không vội bán hàng ra.
Anh Văn (giacaphe.com)