Tổng hợp thị trường cà phê tuần 9 (26/02 – 03/03/2018)

Thị trường hàng hóa nói chung tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ chính sách lãi suất sắp tới của Fed đã đẩy USDX bật tăng trở lại.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T5/2018 tuần 9 (26/02 – 03/03/2018)

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 17 USD xuống ở mức 1.751 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm 16 USD còn 1.778 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch giảm xuống dưới mức trung bình.

Tương tự, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 1,75 cent, xuống 122,2 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm 1,6 cent, còn 124,4 cent/lb, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 300 đồng, xuống dao động trong khung 36.400 – 37.000 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.683 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 90 – 95 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 giảm 1 USD/tấn và giá cà phê nhân xô trong nước không thay đổi, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 1,25 cent/lb.

Nổi bật trong tuần là báo cáo thống kê thương mại tháng 1/2018 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), với xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng đã tăng tới 20,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung các dữ liệu cho thấy xuất khẩu xuất khẩu cà phê toàn cầu bắt đầu gia tăng, chấm dứt ba năm liên tiếp thiếu hụt và chuyển sang dư thừa khi sản lượng của các quốc gia sản xuất chính đều tăng trưởng đáng kể.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu (Cecafe) Brasil dự kiến sản lượng cà phê Conilon Robusta năm nay, sau khi đáp ứng đủ khoảng 12 triệu bao cho ngành công nghiệp rang xay và cà phê hòa tan trong nước, sẽ có khoảng 3 – 4 triệu bao tham gia cạnh tranh thị trường cà phê Robusta toàn cầu. Theo Cecafe, con số này thừa sức bù đắp cho sản lượng Robusta Indonesia năm nay sụt giảm do khô hạn từ đầu vụ.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Thương mại Brasil cho biết xuất khẩu tháng Hai chỉ đạt 2.250.202 bao cà phê các loại, giảm 2,51% so với cùng kỳ năm trước. Giới thương mại cho rằng nguyên nhân sụt giảm không do nguồn cung mà là do tháng Hai có nhiều lễ hội và cũng là tháng có ít ngày.

Báo cáo thương mại tháng Hai của Indonesia cho thấy xuất khẩu cà phê, chủ yếu là cà phê Robusta từ Sumatra, chỉ đạt 67.368 bao, giảm 71,77% so với cùng kỳ năm trước, đã dẫn tới xuất khẩu 5 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2017/2018 giảm tới 67,61% so với cùng kỳ niên vụ trước. Tuy nhiên, con số này cũng không làm thị trường quá ngạc nhiên vì sản lượng cà phê Indonesia giảm sút liên tục nhiều năm qua do thời tiết bất lợi trong khi nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa tăng trưởng đáng kể nhất trong các quốc gia trồng cà phê.

Tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và deo dõi cấp phát, tính đến thứ Hai ngày 26/02 đã giảm thêm 1.710 tấn, tức giảm 1,89 % so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký ở 88.960 tấn (tương đương 1.482.667 bao, bao 60 kg).

Rõ ràng tồn kho sàn London sụt giảm liên tiếp trong khi nông dân tại các nguồn cung chủ chốt tiếp tục kháng giá là điều không khỏi làm cho các nhà kinh doanh xuất khẩu cà phê Robusta bận tâm, ít nhất cho tới khi cà phê Conilon Robusta Brasil vụ mới có thể xuất hiện kể từ tháng Năm.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Phan Bich Nga

    Thưa các chuyên gia dự báo giá cà phê. Hiện tại giá cà phê rẻ quá, tính chi phí phân tro, công cán xong thì không còn được đồng nào. Bán giá này thì nhà nông cực quá, không biết thời gian tới giá cả cá triển vọng hơn không ạ

Tin đã đăng

Tin mới nhất

77