Giá cà phê Robusta tiếp tục gia tăng (16/11/2017)

Olam International cho rằng giá cà phê Robusta đối mặt với “tiềm năng bùng phát”.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T1/2018 ngày 15/11/2017

 Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta tăng liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 11 tăng thêm 16 USD, lên 1.894 USD/tấn, trong khi kỳ hạn giao tháng 1/2018 tăng thêm 11 USD, lên 1.847 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3/2018 tăng thêm 13 USD,lên 1.826 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình. Cấu trúc giá đảo được nới rộng khoảng cách trở lại.

Trái lại, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica tiếp nối xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm thêm 0,3 cent, xuống 126,75 cent/lb, kỳ hạn giao tháng 3/2018 giảm thêm 0,35 cent, còn 130,1 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5/2018 cũng giảm thêm 0,35 cent còn 132,35 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức rất cao trên trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 100 đồng/kg, lên dao động ở mức 39.600 – 40.300 đồng/kg.

Giá cà phê  Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, đứng ở mức 1.716 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi dãn ra 100 – 110 USD theo giá kỳ hạn tháng 3/2018 tại London.

Theo công ty thương mại Olam International có trụ sở ở Singapore, giá cà phê Robusta “tiềm năng” bùng phát sau khi Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đã ước tính toàn cầu sẽ thiếu hụt khoảng 4 triệu bao trong niên vụ trước lẫn niên vụ 2017/2018.  Giám đốc điều hành Sunny Verghese cho rằng sự thiếu hụt bắt đầu từ khi các nhà công nghiệp Brasil muốn nhập cà phê Robusta châu Á và khối lượng đầu cơ bán ròng trên sàn London tăng tên mức kỷ lục. Đồng thời, cấu trúc giá đảo trên sàn cũng xuất hiện kể từ đầu tháng 7 khi nguồn cung Việt Nam bước vào giai đoạn cuối vụ và nhất là Indonesia tuy đã thu hoạch vụ mùa mới nhưng mức giá cộng cho cà phê Lampung vẫn được đẩy lên cao.

Theo các nhà quan sát, những gì Olam International đưa ra là rất thực tế như cấu trúc giá đảo trên sàn London vẫn được duy trì gần 5 tháng nay là điều chỉ rõ hàng thực hiện đang khan hiếm. Lượng hàng của Indonesia cũng góp phần hỗ trợ nguồn cung cho toàn cầu khi Việt Nam vào giai đoạn “giáp hạt” nhưng phải ưu tiên dành cho ngành công nghiệp trong nước, cũng tương tự như cà phê Conilon Robusta ưu tiên dành cho ngành công nghiệp Brasil…

Tuy vậy, lượng bán ròng của giới đầu cơ trên sàn London đã được thanh lý “gần như sạch sẽ” khi vào đầu niên vụ mới 2017/2018. Theo báo cáo CFTC, tính đến thứ Ba ngày 07/11, lượng bán ròng trên sàn London là 15.057 lô, tương đương 2.509.500 bao và có khả năng giảm nhẹ trong vài ngày qua thì không phải là một con số đã quá lớn. Trong khi đó, áp lực bán phòng hộ trong những ngày sắp tới của hàng Việt Nam cũng không hề nhỏ khi thời tiết hiện đang hỗ trợ tốt cho thu hoạch và lượng hàng về kho cũng đang tăng dần.

Điều thực sự cần quan tâm lúc này tại thị trường nội địa Việt Nam là nhu cầu nhân công và khả tài chính cần có để chi trả cho công hái mới là áp lực buộc nhà nông phải bán ra mà không thể giữ hàng chờ mức giá khả quan hơn.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. tran anh dung

    Gía cà phê tham khảo thời gian gần đây của Giacaphe.com thường cao hơn thực tế nhiều ( vd : ngày 16/11/2017 tại Gia lai cà phê nhân xô 39.100- 39.200 đ/kg ; R2 tại TPHCM 39.400 Đ/kg ), BQT nên khảo sát lại để Bà con nông dân khi chào bán sẽ thấy mình không bị ép giá .

Tin đã đăng

Tin mới nhất

78