Các thị trường cà phê có một tuần biến động mạnh trái chiều khi đáo hạn quyền chọn.
Chốt phiên cuối tuần, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta bật tăng mạnh mẽ. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng thêm 54 USD, lên 2.116 USD/tấn. Kỳ hạn giao tháng 11 tăng 47 USD, lên 2.101 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2018 tăng 33 USD, lên 2.066 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. Cấu trúc giá đảo vẫn được duy trì.
Trái lại, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica kéo dài chuỗi giảm lên phiên thứ năm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 0,4 cent, xuống 128,05 cent/lb. Kỳ hạn giao tháng 12 giảm thêm 0,35 cent, còn 131,7 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2018 giảm thêm 0,3 cent, còn 135,3 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 1.000 đồng/kg, lên dao động ở mức 44.300 – 45.100 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, lên ở mức 2.011 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch trừ lùi 80 – 90 USD theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9 giảm 23 USD/tấn, giá cà phê nhân xô trong nước giảm 600 đồng/kg trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9 giảm mạnh tới 12,25 cent/lb.
Trải qua một tuần biến động đầy tiêu cực khi thị trường New York có 5 phiên liên tiếp sụt giảm, đánh mất tới 8,73% giá trị. Bên cạnh nguyên nhân đáo hạn quyền chọn kỳ hạn tháng 9, giá cà phê Arabica còn tiêu cực hơn do ICO cập nhật dự báo sản lượng tăng ở các nước sản xuất chính và báo cáo tồn kho tại các khu vực tiêu thụ chính cũng ở mức cao ít thấy. Nhìn lượng cà phê dồn dập về các kho cảng, một nhà kinh doanh cà phê Nam Mỹ ở Miami – Florida đã phải thốt lên “không thể nói thế giới thiếu cà phê”.
Theo báo cáo của ICE – New York, tồn kho cà phê tại các kho cảng được cấp chứng nhận đã tăng lên 1,62 triệu bao, đạt mức cao 1 năm rưỡi. Tuy con số này chỉ đủ cung ứng cho khu vực Bắc Mỹ trong 3 tuần hay cho khu vực châu Âu chỉ hơn 1 tuần rưỡi nhưng tồn kho của Hiệp hội Cà phê Hạt Mỹ (GCA) cũng đã tăng lên 7,41 triệu bao, đủ để rang xay 16 – 17 tuần. Hay như hãng kinh doanh cà phê Starbucks cho biết họ đã mua tới 80% cà phê nguyên liệu cho nhu cầu sản xuất năm 2018. Trong khi nguồn hàng từ các nước sản xuất lớn vẫn đều đặn ra thị trường, rõ ràng rất khó để nói thiếu hụt cà phê Arabica trong ngắn hạn.
Trong khi đó, giá cà phê Robusta chỉ để mất 1,08% giá trị, có những phiên đã thoát khỏi lực kéo giảm của Arabica để đi ngang. Theo các nhà quan sát, mặc dù vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực của việc đáo hạn quyền chọn nhưng nhà đầu tư trên London đã sớm thanh lý vị thế, chuyển đổi kỳ hạn trước đó nên sức ép cũng giảm đi nhiều.
Như nhiều bản tin trên giacaphe.com cho biết, giá cà phê Robusta có được sự hỗ trợ đáng kể. Trước hết là từ thông tin Brasil cần nhập khẩu cà phê Robusta cho ngành công nghiệp rang xay và cà phê hòa tan do năm trước vụ mùa Conilon Robusta của họ bị thất thu nghiêm trọng và đáng chú ý là Chính phủ đã “vét sạch kho cà phê dự trữ”. Bên cạnh đó là thông tin nhà sản xuất Robusta hàng đầu Việt Nam sẽ xuất khẩu giảm từ nay cho đến cuối tháng 11 do nguồn cung cạn kiệt, trong khi nhu cầu tiêu dùng toàn cầu cho cà phê Robusta tăng trưởng tốt hơn Arabica, nhất là tại thị trường châu Á và các thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, ICO vẫn cho rằng thế giới tiếp tục thiếu cà phê liên tiếp năm thứ ba. Nguồn cung cà phê nói chung vẫn bị thắt chặt ít nhất tới giữa năm sau.
Anh Văn (giacaphe.com)