“Xông đất” đầu năm buôn làng Tây Nguyên

Những ngày đầu năm Canh Dần, chúng tôi về “xông đất” buôn Ea Mâp – Buôn văn hóa vùng sâu của huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk). Ngay từ đầu buôn, cờ Tổ quốc, băng rôn chúc mừng năm mới tung bay trong nắng Xuân, nhà nhà vang lên tiếng nhạc.

Tại nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong men say của rượu cần, giàn cồng chiêng đang diễn tấu các bài chiêng đón, đãi khách. Các chàng trai, cô gái da nâu, mắt sáng tay trong tay nhảy theo nhịp chiêng chào đón khách phương xa về vui Xuân cùng với buôn làng.

Anh Y Thiêng Ryă cho biết, năm nay càphê mất mùa, rớt giá, nhưng đồng bào trong buôn vẫn ăn Tết khá “hoành tráng” đó là nhờ có trận mưa vào giữa tháng tháng 1. Tuy mưa không lớn, nhưng kéo dài nhiều giờ liền.

Nhờ có mưa, đồng bào trồng càphê không phải tưới nước đợt 1 – đợt tưới nước quyết định về năng suất, sản lượng càphê trong niên vụ. Vì vậy các gia đình không những tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng mà còn đỡ mất sức lao động.

Chúc Tết nhà già làng Ama Ne, bên chén rượu, khay bánh mứt, già làng hồ hởi khoe: “Buôn mình giờ ai cũng có cuộc sống khấm khá hết, đều có của ăn, của để, nhà đẹp. Tết này, gia đình mình chung với anh em trong buôn thịt một con lợn, giết mổ thêm 4 con gà nữa mừng cho con cháu ăn Tết đầm ấm, vui vẻ để ra Giêng hăng say lao động làm giàu cho gia đình, cho buôn làng.”

Ông bộc bạch, nhà có 2ha càphê mỗi năm thu trên 6 tấn, nhưng vật tư xăng dầu và nhân công cao, trong khi đó giá càphê hiện nay lại xuống chỉ còn 23.700 đồng/ kg càphê nhân nên lãi không đáng kể.

Bước sang năm mới, ông mong Nhà nước sớm có chính sách, hạ thấp vật tư phân bón, xăng dầu… để bà con nông dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, có tích luỹ, tăng thu nhập hơn.

Buôn Mâp có 364 hộ, với 2.058 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Êđê. Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây chủ yếu là trồng càphê, lúa nước hai vụ. Trong mấy năm qua, Nhà nước đã đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, tổ chức hướng dẫn các quy trình kỹ thuật thâm canh, đưa các loại giống mới vào sản xuất.

Đến nay đồng bào nay đã áp dụng thành thạo các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh càphê, lúa nước, năng suất đạt khá cao gần 3 tấn càphê nhân/ha. Đặc biệt, đồng bào đã đầu tư cơ giới vào phục vụ sản xuất hầu hết các công đoạn trong sản xuất cây càphê, gieo sạ lúa nước, chỉ trừ các khâu thu hoạch, trồng càphê.

Nhờ vậy, buôn Ea Mâp có tới gần 50% số hộ khá, giàu, không còn hộ đói. Nhà nào cũng có máy cày, xe máy, tivi, nhà xây…

Hiện nay, buôn Ea Mâp 100% gia đình đã sử dụng mạng điện lưới quốc gia, hệ thống giao thông nội bộ buôn được nâng cấp nhựa hóa hoặc cấp phối, trên 90% gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, các cháu trong độ tuổi đều được đến trường. Buôn có sân bóng đá, bóng chuyền, có đội cồng chiêng, trên 90% số hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa.

Bản sắc văn hóa dân tộc được bà con ý thức giữ gìn, phát huy, các ngày lễ, Tết đều có tổ chức biểu diễn cồng chiêng, cùng các trò chơi dân gian, các hoạt động thể thao. Các phong trào như giúp nhau làm kinh tế, không sinh con thứ 3, giúp đỡ các gia đình neo đơn chính sách, bảo vệ môi trường… được mọi người đồng tình thực hiện, an ninh trật tự buôn làng được đảm bảo.

Già làng Y Ruối tâm sự, sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, nhất là từ năm 1985 trở lại đây, được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho đồng bào định canh định cư, đầu tư khai hoang xây dựng cánh đồng, cấp đất sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây trồng… nên đồng bào dần có của ăn của để.

Mùa Xuân mới nữa lại về, ấm no, hạnh phúc, thanh bình đang tràn đầy không khí trên buôn làng Ea Mâp đang tạo nên bức tranh đầy sinh động và ấm áp tình người trên đại ngàn Tây Nguyên hôm nay.

Theo VN+

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80