Lực mua mạnh đột ngột đã thúc đẩy giá bật tăng trở lại
Trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao tháng 7 tăng 29 USD, lên 1.934 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 26 USD, lên 1.950 USD/tấn, các mức tăng khá đáng kể. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Tương tự, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao tháng 7 tăng 0,75 cent, lên 129,3 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 0,7 cent, lên 131,65 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch được ghi nhận ở mức “khủng”.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 500 – 600 đồng, lên dao động ở 41.900 – 42.500 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, lên ở mức 1.884 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch trừ lùi ở 40 – 50 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.
Mặc dù OPEC và các nước đồng minh đã gia tăng thời gian cắt giảm sản lượng để ngăn khủng hoảng dư thừa dự trữ nhưng xem ra không như kỳ vọng của thị trường nên giá dầu thô vẫn tiếp tục lao đốc. Có vẻ như thị trường cà phê được hưởng lợi do nhà đầu tư chuyển hướng. Khối lượng giao dịch phiên vừa qua trên cả hai thị trường cà phê kỳ hạn tăng vọt so với những phiên trước đó còn giúp cho giá cà phê bật tăng trở lại trong khi các nhà sản xuất chính như Brasil, Indonesia, Ấn Độ… đã đưa hàng vụ mới ra thị trường.
Thị trường cũng dấy lên mối lo khi có các thông tin thời tiết bất lợi từ Brasil, mưa quá nhiều không chỉ làm trì hoãn việc thu hoạch, phơi sấy, mà còn giảm chất lượng thử nếm.
Tuy nhiên, nhà tư vấn – phân tích Safras & Mercado ở Sao Paulo cho biết thu hoạch vụ Conilon Robusta đang tiến hành, và thu hoạch vụ Arabica vừa bắt đầu, tính đến ngày 16/5 đã thu hoạch được 11% tổng diện tích so với chỉ 10% của năm ngoái.
Safras & Mercado cũng đưa ra ước tính cà phê Brasil vụ mới khoảng 51,1 triệu bao, gồm 39,6 triệu bao cà phê Arabica và 11,5 triệu bao cà phê Conilon Robusta. Trong khi USDA dự báo Brasil sẽ đạt 52,10 triệu bao, gồm 40,5 triệu bao cà phê Arabica và 11,60 triệu bao cà phê Robusta.
Nên nhớ, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), Ngân hàng Hà Lan Rabobank… và nhiều tổ chức uy tín trên thế giới vẫn dự báo toàn cầu đang thiếu hụt cà phê.
Anh Văn (giacaphe.com)