Giá cà phê tăng vọt nhờ đồng bạc xanh suy yếu trong rổ tiền tệ
Trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta bật tăng trở lại. Kỳ hạn giao tháng 7 tăng 38 USD, lên 1.997 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 37 USD, lên 2.017 USD/tấn, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Tương tự, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao tháng 7 tăng 2,95 cent, lên 134,4 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 2,9 cent, lên 136,75 cent/lb, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 700 – 800 đồng, lên dao động ở 43.200 – 43.800 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, lên ở mức 1.912 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch trừ lùi ở 70 – 85 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.
Theo các nhà quan sát, đầu cơ dài hạn trên các thị trường cà phê kỳ hạn đã tăng mua trở lại. Chỉ số USDX liên tục suy yếu sau khi đạt mức cao 14 năm trong rổ tiền tệ ở 103,82 thì nay giảm tới 7%, xuống 97,5 là mức thấp nhất kể từ khi D.Trump trở thành tổng thống Mỹ. Đồng bạc xanh yếu sẽ giúp cho giá cả các hàng hóa giao dịch bằng USD có sức hấp dẫn hơn.
Báo cáo chính thức từ Conab về triển vọng cà phê của Brasil năm nay chỉ trong khoảng 48,2 – 48,7 triệu bao tổng thể, là năm thứ tư liên tiếp bị mất mùa. Tuy báo cáo của Conab thường bị đánh giá là thổi phồng so với thực tế nhưng vẫn góp phần hỗ trợ trong ngắn hạn, nhất là với thị trường cà phê Arabica kỳ hạn.
Trong khi đó, nhà phân tích kỳ cựu Judith Ganes-Chase ở Chicago cho rằng thị trường cà phê “cần phải suy xét lại” khi phát hiện thực tế vụ mitaca của Colombia quá thấp sẽ để lại hậu quả trong dài hạn. Cho dù năm nay Colombia đặt sản lượng mục tiêu là 15 triệu bao, mức cao nhất sau chương trình tái canh cây cà phê suốt mấy năm qua.
Cũng nên nhắc lại, nhà môi giới hàng đầu Marex Spectron nhận định thế giới đang đối diện với “sự thiếu hụt đáng sợ” khi nâng dự báo niên vụ cà phê 2017/2018 sẽ thiếu hụt từ 3 triệu bao lên 4,25 triệu bao và nhất là kho dự trữ cà phê của Brasil đã trống rỗng lần đầu tiên sau 11 năm.
Mới hôm qua, thị trường cà phê tỏ rõ không còn sức hấp dẫn đầu cơ, nhưng hôm nay giá lại tăng vọt (xin xem biểu đồ).
Thị trường cà phê nội địa có đôi chút xôn xao, nhưng chỉ hỏi nhau về tình hình giá cả mà không ghi nhận có các giao dịch.
Anh Văn (giacaphe.com)
Hàng trong dân đã cạn rồi đâu có mua được hàng mà giao dịch, không có hàng đâu mà bán.
Dân méo mặt khi giá cà phê như bây giờ. Một số đại lý mua Cà phê giá 47,5k giờ giá xuống thấp đang sắp phá sản chạy trốn nợ rồi. Không biết giá sẽ đi đâu và về đâu.
Cứ thế này thì cây Cà phê Tây nguyên sẽ nhường chỗ cho Mácca và bơ ghép thôi.
Tây nguyên đã bỏ cà phê trồng măcca, chanh, bơ, tiêu trong nhiều năm rồi. Giờ cà phê giảm thì mãi cà phê Tây nguyên ko còn, cuối năm giá cà sẽ lên.
Giá cà phê tại Việt Nam biến động theo giá thị trường thế giới chứ không phải bị thao túng bởi thương lái trong nước. Vì thế các bạn comment nói rằng: giá thấp như này thì dân phá cà phê trồng cây khác, cà phê Việt sẽ dần bị thu hẹp lại trên thị trường quốc tế,…. thì cần xem lại Việt Nam đã sản xuất cafe như thế nào (về cơ cấu, tổ chức sản xuất) mà ko có lãi? trong khi nông dân Indonesia hay Braxin họ cũng làm như mình mà họ ko kêu ca? Thực tế tôi đi nước ngoài nhiều rồi tôi thấy dân nhà mình là lười hơn dân các nước phát triển rất nhiều, chưa kể ý thức lao động thì thua họ 1 trời 1 vực. Việt Nam mà ko trồng cafe thì sao ?
Bạn Hoàng Linh chẳng hiểu gì. Mình ko trách Dân trồng cà phê mà phải nói cà phê mình phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới. Nên mình chỉ nói dân VN trồng cà phê giống như Chuyện Chị Dậu vậy đó bạn Hoàng Linh ạ.