Tôi quan niệm khi muốn làm đạo sĩ thì người ta uống trà, muốn làm võ sĩ thì người ta uống rượu, còn muốn mơ màng như thi sĩ thì phải uống cà phê.
Quan niệm trên giờ đã trở nên lạc hậu vì ngay cả những thành phần xã hội khác, từ thương gia chính khách cho đến thập loại chúng sinh đều sẵn sàng “chiêu” một tách cà phê nóng hổi hoặc một ly cà phê sữa đá “cối” trước khi tiến hành công việc làm ăn hoặc phi vụ. Cà phê rõ ràng ở trên đầu môi chót lưỡi mọi người, nó như là một thứ “slogan” giữa cuộc sống bề bộn bởi tệ nạn kẹt xe và kẹt tiền đều diễn ra hối hả…Nào, tạm quên đi những lo toan thường nhật, bạn hãy bước ra đường cùng tôi và cùng trang bị một nỗi nhớ nào đó về một người. Thực vậy, khi nhớ về một người nào đó, bất kể nam hay nữ, người ta thường nghĩ ngay đến một cái quán, và đặc biệt điểm hẹn ấy đương nhiên phải là quán cà phê.
Ở trên núi Đại Lào, tôi đã từng uống cà phê “cứt chồn” với thi sĩ ở ẩn Nguyễn Đức Sơn. Trong khí vị hoàng hôn nhập nhoạng của sương mù Bảo Lộc, thi sĩ “đại du côn” Nguyễn Đức Sơn thao thao bất tuyệt về cách pha chế cà phê thủ công với “cứt chồn” tinh túy. Tôi chẳng biết công thức gia truyền của ông có hợp vệ sinh hay không nhưng qua lời kể của một gã trồng thông trên Phương Bối Am đầy cô độc, tôi hiểu những giọt mồ hôi lao động pha trộn nước mắt đìu hiu của ông còn hơn cả… cứt chồn. Nó không còn là “cứt” mà như hoa cỏ ngát hương vùng cao nguyên một mùi cà phê không lẫn vào đâu được. Tôi còn nhớ buổi chiều ảm đạm khó quên kỳ dị đó, tôi đã tặng ông bốn câu thơ :
Mới hiểu được “cứt chồn”
Xưa nay bao hiền sĩ
Uống đời mình trên non
Trở lại Sài Gòn, trở lại chốn thị thành hào nhoáng. Khuôn mặt người thi sĩ ở ẩn biến mất thay vào đó khuôn mặt bầu bĩnh ngây thơ của một thiếu nữ dậy thì. Em nhớ không L. Lần đầu mình quen nhau ở quán cà phê, tìm hiểu nhau ở quán cà phê, yêu thương nhau ở quán cà phê và gây gổ nhau tưng bừng cũng ở quán cà phê. Thuở chúng ta yêu nhau làm gì có cà phê bar, cà phê máy lạnh, cà phê nhạc sống nhạc chết, cà phê vũ trường… Ôi, thuở chúng ta yêu nhau là thuở cà phê quán cóc, cà phê “nhà mồ”, cà phê vỉa hè, cà phê ngồi chưa nóng chỗ đã bưng tách bưng ly chạy tán loạn vì tiếng còi tu huýt của lực lượng trật tự trị an dọn dẹp vệ sinh đường phố. Anh còn nhớ anh vừa “ngồi đồng” vừa nốc liên tục ba bốn tách cà phê không đường cho lưỡi đắng nghét xứng đáng với sự chờ đợi tuyệt vọng. Anh còn nhớ hậu quả thảm hại đến mức anh phải làm bài thơ nguyền rủa :
Đích thân anh chờ em
Như ly cà phê đen
Chờ người sành điệu uốngNếu em mà đến sớm
Hẳn anh sẽ vụng về
Gom hết lòng can đảm
Đọc bài thơ đam mêVà anh sẽ chửi thề
Nếu mà em đến muộn
Khi trái tim nổi giận
Em thừa biết chuyện gìKhông ai trồng cây si
Khi bị “viêm màng túi”
Tội nghiệp ly cà phê
Cùng anh ngồi thui thủi…
Tôi đã từng ngồi thui thủi như vậy suốt từ tuổi mới lớn đến tuổi trung niên để hoàn tất hàng ngàn bài thơ tình đời đủ loại, dĩ nhiên trong đó có thơ về cà phê.
Còn nhớ hồi đọc thơ trước đám đông tại các Nhà Văn hóa, các trường đại học tôi thường bị yêu cầu bài thơ Thiếu nữ, bài thơ trong đó có câu: “Cô gái ơi, anh nhớ em – Như con nít nhớ cà rem vậy mà…”. Ồ, lạy Chúa, con nít nhớ cà rem đâu bằng thi sĩ nhớ cà phê ngồi đồng bị em cho “leo cây” thê thảm.
Vậy đó, thơ mộng và ác mộng đối với tôi dính liền với hai chữ cà phê. Và để kết thúc sự nghiệp của một tín đồ ghiền cà phê hơn ba mươi năm, tôi xin “nhái” chính hai câu thơ của mình như sau:
Xét ra thì nó chính là… cà phê!
Y5cafe: Sưu tầm