Nạn trộm cà phê bao giờ mới kết thúc?

Đã gần một tháng nay, gia đình ông Lê Văn Tạo ở Ia Sao, huyện Chư Pãh, Gia Lai mặc dù đã thuê thêm hai lao động, ngày hái cà phê, đêm tăng cường công tác canh giữ, thế mà cách đây ba ngày kẻ gian đã đột nhập vào sân phơi trộm của ông gần ba tạ cà phê sau hai ngày hái, bắt đầu khô.

Vườn cà phê bị trộm phá hoại - Ảnh minh họa
Vườn cà phê bị trộm phá hoại – Ảnh minh họa

Ông Tạo cho biết: “Để có được cây cà phê hoàn chỉnh, người lao động phải lập mặt bằng để tích nước, đào hố, chọn giống, đến kỹ thuật trồng, chăm sóc, rồi ép xanh, tỉa cành, tạo dáng, chọn thời điểm tưới nước cho bung hoa và nuôi hoa cho kết trái, bón phân… Một gốc cà phê thấm đẫm bao mồ hôi, công sức và tiền bạc. Thế mà cứ đến mùa thu hoạch là kẻ gian tìm cách ăn trộm, xót của lắm nhưng biết làm sao được!”.

Theo ông Tạo, vụ trước, vườn cà phê nhà ông cũng bị những kẻ bất lương dùng rựa và liềm chặt những cành sai quả của gần 100 cây để tuốt, năm nay số cây này gần như mất trắng, mặc dù gia đình ông đã tập trung rất nhiều công sức chăm bón.

Cũng như ông Tạo, chị Lương Thị Ngọc cho chúng tôi biết thêm, năm năm nay ba mẹ con chị nhận của công ty hai héc-ta cà phê với mức khoán từ 10 đến 14 tấn quả tươi/héc-ta/năm. Trong lúc đó, gia đình chị chỉ được hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí từ chăm sóc đến thu hoạch.

Để có được sản lượng đủ nộp cho công ty và mong dôi ra một ít để hưởng lợi nhuận, chị đã tập trung đầu tư rất nhiều công sức và tiền bạc. Thế nhưng từ đầu mùa kẻ trộm đã lẻn vào vườn và trong một đêm tuốt gọn hơn trăm cây, số còn lại thì gãy cành, rụng trái.

Sản lượng may ra chỉ đủ nộp cho công ty, còn khoản tiền và công sức của gia đình bỏ ra chăm sóc coi như mất trắng. Vậy thì lấy đâu ra tiền để đầu tư cho vụ mùa tiếp theo, cho con đi học và trang trải cuộc sống thường nhật.

Tại vùng biên giới tỉnh Kon Tum, miền quê vừa bước ra sau cơn bão số 9, gặp chúng tôi, anh Nguyễn Phước Đông (ở Đăk Can) tâm sự: “Vài năm trở lại đây, tình trạng trộm cắp cà phê thường xuyên xảy ra trên địa bàn huyện trong mùa thu hoạch. Ở đây đã có công nhân của Công ty 732 (Binh đoàn 15) tích cực tuần tra, canh gác và làm tốt công tác bảo vệ tài sản của người dân nói chung, cà phê nói riêng, nhưng do địa bàn rộng, vườn cà phê thường nằm sát các con sông, suối nên bọn trộm cũng lén vào được. Vườn tôi chỉ cách nhà chừng bảy trăm mét, có cây rào hẳn hoi, thắp điện sáng cả đêm, vậy mà tuần trước bọn trộm đã hái gần 50 cây cà phê. Thay vì tuốt quả trên cây, chúng bẻ và dùng kéo cắt những cành có quả, nhét vào bao tải rồi đem đến những nơi hoang vắng, ít người qua lại mới tuốt đem về…”.

Nạn trộm cắp cà phê trong mùa thu hoạch trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên năm nào cũng xảy ra và tỉnh nào cũng có. Hai năm trở lại đây, bọn trộm cắp thường đi xe máy rồi vào vườn chặt, bẻ những cành cà phê sai quả cho vào bao tải đem đến chỗ vắng vẻ mới tuốt. Nhiều vườn cà phê chăm sóc tốt cũng phải 2 – 3 năm sau mới hồi phục, cành lá mới bắt đầu ra hoa, cho quả.

Để ngăn chặn tình trạng trộm cắp cà phê, cùng với việc các hộ gia đình thuê người trông coi, dựng trại trong vườn, kéo điện thắp sáng và thức đêm để canh gác, chính quyền các địa phương, các công ty cà phê, đội sản xuất cũng đã thành lập các tổ an ninh tại các thôn, làng phối hợp với công an và dân quân xã tổ chức tuần tra ban đêm ở những khu vực hay xảy ra trộm cắp.

Những biện pháp ngăn chặn nạn trộm cắp cà phê nói riêng, nông sản nói chung trong mùa thu hoạch đều đã được triển khai và thực hiện nhưng chưa đem lại kết quả mong muốn. Tình trạng trộm cắp vẫn xảy ra khiến nhiều chủ vườn mất ăn mất ngủ khi mùa thu hoạch đến. Nỗi lo mất cắp và giá cả leo thang kéo theo nhiều mặt hàng phục vụ cho việc trồng, chăm bón cà phê như xăng dầu, vật tư phân bón và hàng tiêu dùng ngày một lên cao. Người trồng cà phê ở Tây Nguyên chỉ còn biết cắn răng chịu đựng và hy vọng chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức lực lượng tuần tra canh gác… để mọi người yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Nên xem: Biện pháp hạn chế nạn ăn cắp cà phê vào vụ thu hoạch

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. baibang

    Ông cha ta nói rồi “đâu có mật là đó có ruồi”đó là kẻ trộm đang còn sợ .Chứ có nơi ban đêm chúng nó trói chủ nhà chất cà phê lên xe chở đi đàng hoàng,nếu trong rẫy chúng nó trói vào gốc cà phê lấy cà phê đã đóng bao rồi Đang chở sản phẩm về nhà khống chế người lái và đi theo trói bỏ vào vườn cà phê cướp cả xe luôn.Việc gì phải bòn từng cành một -lâu lắm.Việc này không thể 1 cá nhân ,một nhóm người có thể làm được.Là sự liên kết có trách nhiệm về tinh thần ,vật chất của một vùng ,Có sự tham gia của chính quyền .Đa số các vụ mất lớn là do kẻ trong người ngoài.(chính tui và bạn bè đã bị mất nhiều lần).Hái cà xanh vừa ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm (thiệt hại cho cá nhân và cộng đồng).chi phí thu hoạch tăng Trọng lượng nhân sẽ nhẹ hơn cà chín,cây sẽ ảnh hưởng hơn(vì khi hái nhựa sẽ tiết ra nhiều ở cuống,tước cả chùm ) Nên để cà chín cả về hình thái và sinh lí thì hạt cà khi đó mới đạt nhất cả vế hình thức,chất lượng,trọng lượng và ít hao hụt nếu trữ lại thời gian dài. Ai cũng muốn như vậy nhất là những cơ quan quản lí ngành cà phê .Nhưng các vị chỉ họp hành và hô hào thôi còn chỉ đạo ,phối kết hợp từng ngành,từng bộ phận . . . phù hợp với đặc điểm xã hội , địa lí từng vùng thì không.Chúng ta là người thiệt thòi nhiều nhất –Chỉ có liên minh lại mới trở thành “ nhiều tai,nhiều mắt …) mới bảo vệ được thành quả lao động của chúng ta.(Nhớ đừng đi báo mất thêm công ,thêm của ,thêm phiền nảo –Tổn thọ )

  2. hoàng long

    Chúng ta chỉ hô hào miệng không à nói mà không làm cứ hô hào nhân dân không hái cà phê xanh để đảm bảo chất lượng nhưng các nghành liên quan không tích cực vào cuộc bắt được ăn trộm cà phê mang ra uỷ ban xã thì xử phạt rất nhẹ cho về không có một hình thức răn đe gì cả.

    Nếu như hái trộm cà phê tuy là chỉ vài chục ký hay vài trăm ký quy ra tiền tuy vài triệu hay vài trăm gì đó nhưng đêm nào cũng ăn trộm cộng lại cà mùa cà phê sẽ lên tới con số hàng chục triệu đồng thử hỏi các nghành chức năng không mạnh tay với kẻ trộm cà phê thì bao giờ đất nước ta mới hết kẻ ăn trộm cà phê.

    Chắc trên thế giới này chỉ có Việt nam chúng ta là có tệ nạn trộm cắp cà phê thôi, tất cả là do hệ thống pháp luật của ta quá lỏng lẻo, khắt khe với tội phạm về ý thức hệ trong khi đó buông lỏng hoặch quá khoan dung với tệ nạn trộm cắp.

    Nếu như luật pháp chặt và nghiêm minh chỉ cần người dân tố cáo hay biết rõ các đối tượng trộm cắp cà phê là có quyền bắt đi cải tạo vài tháng khi hái xong cà phê mới thả các đối tượng đó về lại địa phương năm nào cũng thực thi luật đó thì người dân đỡ khổ vì ban ngày phải hái cà phê tối đến lại phải thức đêm canh gác vườn cà phê mà các đối tượng đó thì ban ngày họ ngủ tối đến khoảng 1 hay 2 giờ sáng mới đi ăn trộm thử hỏi có ai đêm nào cũng thức tới giờ đó mà canh gác vườn cà phê nhà minh nổi không khi ban ngày họ vất vả cho thu hoạch cà phê. Xin cảm ơn

  3. Hoàng Long

    Ở chỗ tôi tệ nạn trộm cắp cà phê xẩy ra như cơm bữa ngay tại vườn cà phê nhà tôi bọn trộm sau một đêm đã chặt cành gần trăm cây cà phê, ước chừng khoảng 2 tấn quả tươi. chúng còn làm rơi lại một cái lưỡi xà gạc chứng tỏ chúng là dân tộc cờ ho theo quan sát cách thức lấy trộm thì đúng là dân tộc vì rất ư là tàn bạo chặt phá không thương tiếc thử hỏi các cấp chính quyền bảo vệ được gì cho tài sản nhân dân, trong khi năm nào cũng đóng góp tiền an ninh.

  4. hai cà phê

    Theo tôi, chính quyền địa phương nên nắm lấy số người có tiền sự về trộm cắp hoa màu – cà phê nói chung và có những biện pháp thiết thực, cụ thể để ngăn ngừa từ đầu vụ.
    Phải phạt thật nặng những kẻ mua hàng trộm cắp.

  5. k duông

    Tôi là giáo viên nghỉ dạy học làm 2 ha cà phê, năm ngoái bọn nó hái trộm của tôi 90 cây cà phê, vị chi khoảng 1.5 tấn quả tươi quy ra tiền khoảng 15 triệu. Tức ở chỗ là bọn nó chặt cành rồi mang đi nơi khác suốt quả, mấy cây đó tời giờ vẫn chưa hồi phục. Tôi đã tổ chức phục kích để bắt nhưng mãi chưa tóm được chúng, vì gia đình ăn trộm ở gần núi, nhà có cả thảy gần 10 người to khỏe nhưng lười biếng lao động không chịu đi làm thuê cuốc mướn mà chỉ chuyên đi ăn trộm. Bọn nó phân công nhau chia ra thành nhiều nhóm đi rình những ai hái cà phê sơ hở là bọn chúng vác mất. Còn về đêm chúng phân công nhau đi các ngả cứ theo tập quán là 1h45 sáng chúng đi xe máy mang bạt tới vườn hái trộm, và rút gọn lúc 5 giờ sáng, chính quyền cũng không làm gì được cả. Xã An Hiệp, Huyện Đức trọng nơi tôi ở năm nào cũng đóng thuế cho gia đình đó khoảng vài trăm tấn cà phê tươi, thật là kinh khủng. Đây là chuyện hoàn toàn có thật.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83