Hằng năm, cứ vào độ tháng 11 và 12 là thời điểm người trồng cà phê Đắk Lắk vào vụ thu hái chính. Ngành cà phê Đắk Lắk đang nỗ lực xây dựng thương hiệu và cải thiện chất lượng cà phê xuất khẩu.
Chúng tôi đến thị trấn Ea Pốc, huyện Chư M’gar, đây là vùng đất chuyên canh cà phê, năm nào cà phê được mùa, được giá, thì đời sống hơn 3.000 hộ dân sẽ khấm khá. Trao đổi với các anh Phan Huy Cường, Bí thư Đảng ủy và Y Than Mlô, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị trấn, chúng tôi được biết hiện Ea Pốc có 2.200ha cà phê, trong đó 600ha do doanh nghiệp quản lý, còn lại là cà phê của hộ gia đình. Niên vụ cà phê 2009-2010 này, do ảnh hưởng của các trận bão số 9 và số 11 cà phê bị rụng quả, nên năng suất giảm hơn vụ trước, ước đạt 2,5 tấn/ha.
Chị H’Din Ađrơng và buôn trưởng Y Thiêng Byă ở buôn Ea Mấp tâm sự: “Năm nay giá các mặt hàng đầu tư vào sản xuất cà phê như phân bón, xăng dầu và công lao động tăng cao. Bình quân một hộ ở buôn Ea Mấp có 1ha cà phê với năng suất 2,5 tấn, giá bán 24 nghìn đồng/kg, thì tổng thu nhập sẽ đạt khoảng 60 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư còn lãi 20 đến 25 triệu đồng”. Được biết, thời điểm cà phê cho thu hoạch, từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2009 này có khoảng hơn 9.000 lao động thời vụ từ các địa phương khác tới Đắk Lắk bổ sung vào lực lượng thu hái cà phê với công lao động từ 70 đến 90.000 đồng/ngày.
Có thể nói, cà phê Đắk Lắk tăng trưởng nhanh cả về diện tích và sản lượng. Sau năm 1975, Đắk Lắk chỉ có 7.000ha cà phê với sản lượng 5 nghìn tấn/năm. Đến nay, diện tích đã tăng lên 182.000ha, trong đó niên vụ 2009-2010 có 173.233ha cà phê kinh doanh, năng suất từ 22 đến 23 tạ/ha, ước sản lượng đạt 400 nghìn tấn. Hơn 90% sản lượng cà phê ở Đắk Lắk dành cho xuất khẩu tới 56 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 600 triệu USD/năm, chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp hơn 40% GDP của tỉnh, tạo việc làm ổn định cho 400.000 lao động.
Sản xuất cà phê bền vững, cho chất lượng cao đang là mục tiêu các doanh nghiệp và nhóm hộ nông dân ở Đắk Lắk hướng tới. Trong tổng số 30 doanh nghiệp sản xuất cà phê trên địa bàn Đắk Lắk, hiện có 5 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ “Sản xuất cà phê bền vững và có trách nhiệm” theo bộ tiêu chuẩn UTZ, gồm các công ty cà phê: Ea Pốc, Thắng Lợi, Phước An, Tháng Mười và Krông Ana. Các anh Trần Cư, Phó giám đốc; Phạm Xuân Hiếu, Trưởng phòng kế hoạch Công ty Ea Pốc cho biết: Tính đến năm 2009, công ty chúng tôi đã có 5 năm liên tục đạt tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững và có trách nhiệm. Để đạt được tiêu chuẩn này, công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống tưới nước hiện đại, xây dựng nhà máy phân vi sinh công suất 1.000 tấn/năm và trang bị dây chuyền chế biến cà phê ướt”.
Riêng năm 2009, công ty đầu tư 3,5 tỉ đồng nâng cấp dây chuyền chế biến cà phê ướt hiện đại công suất chế biến 20 tấn/giờ và trang bị máy tách màu của Nhật Bản, bảo đảm tỉ lệ 100% hạt cà phê qua dây chuyền đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, để đạt tiêu chuẩn “Sản xuất cà phê bền vững và có trách nhiệm”, Công ty Ea Pốc còn hướng dẫn 500 hộ nhận khoán (trong đó hộ đồng bào dân tộc Ê Đê chiếm 60%) thực hiện tốt chế độ chăm sóc, thu hái theo những quy định nghiêm ngặt, nhất là khâu thu hái phải bảo đảm tỷ lệ quả chín trên 90%. Niên vụ cà phê 2009-2010, với 420ha cà phê kinh doanh, năng suất gần 3 tấn/ha, sản lượng cà phê của Công ty Ea Pốc ước đạt 1.100 tấn. Và theo đánh giá của Ban giám đốc công ty, mặc dù giá cà phê hiện đang ở mức thấp, nhưng trồng cà phê vẫn có lãi, ổn định cuộc sống cho 650 công nhân.
Trong toàn tỉnh Đắk Lắk hiện 85% diện tích cà phê do hộ nông dân quản lý. Trước tình trạng trộm cắp cà phê chưa được ngăn chặn, thậm chí bọn trộm cắp còn bẻ cành, chặt cây gây thiệt hại lớn, nên nhiều nơi bà con vẫn phải thu hái theo phương pháp tuốt cành dẫn tới tỉ lệ quả chín chỉ đạt 60-70%, ảnh hưởng tới chất lượng cà phê.
Đề án sản xuất cà phê bền vững của tỉnh Đắk Lắk được thông qua tháng 11-2008 đưa ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ chuyển đổi hơn 30.000ha cà phê trên đất bấp bênh về nguồn nước sang cây trồng khác, duy trì diện tích ổn định 150.000ha, sản lượng 400.000 tấn; 60% sản lượng cà phê xuất khẩu áp dụng TCVN 4193:2005, với kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt 700 triệu USD; 100% diện tích cà phê chủ động nước tưới, ngành cà phê giải quyết việc làm cho hơn 500.000 lao động. Những tiêu chí này được thực hiện tiếp tục khẳng định vị thế của cây cà phê trong phát triển kinh tế ở Đắk Lắk, cũng như trong sản xuất mặt hàng xuất khẩu chiến lược của cả nước.
Cà phê Việt Nam làm gì có hương vị mà bay xa, bởi chúng ta xuất khẩu cà phê nhân, chứ đâu phải cà phê bột hay cà phê hòa tan.
ca phe viet nam xuat khau nhieu vay nhung that ra thi doanh thu cho nganh ca phe viet nam duoc bao nhieu so voi the gioi? viet nam hien tai noi nhieu nhung chi dung o muc do xuat tho voi muc doanh thu/nam chi dat khoang 2ty USD so voi 70ty USD, mot con so qua nho va chenh lech qua lon vay ma luc nao cugn tu hao ve xuat khau ca phe