Làm ra hạt cà phê là bao nỗi nhọc nhằn của người nông dân, nhưng đến khi bán lại không bù đắp nổi chi phí. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn “lao” vào trồng cà phê ngay cả khi ngành nông nghiệp, chính quyền đã khuyến cáo.
Chưa hết, thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đang bị ảnh hưởng bởi việc sản xuất, xuất khẩu ồ ạt, còn các cơ quan chức năng thì đang lúng túng…
Quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung
Vụ cà phê 2008 – 2009, Đắk Lắk có 173.233 ha cà phê kinh doanh, sản lượng thu được 415.494 tấn, cao nhất trong 5 năm trở lại đây, nhưng lại là vụ cà phê giá bán thấp nhất, chỉ trên dưới 25.000 đồng/kg, thấp hơn niên vụ trước 22%. Sản lượng xuất khẩu đạt 326.738 tấn, tăng 6%, nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt gần 500 triệu USD, giảm hơn 21% so với niên vụ trước.
Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới khiến sức mua nhiều mặt hàng giảm mạnh, trong đó có cà phê. Song giá cà phê giảm còn do cách làm thiếu khoa học, phân tán, không chuyên nghiệp của không ít người sản xuất và doanh nghiệp (DN) xuất khẩu.
Ðối với người sản xuất, việc thu hái, chế biến không khoa học đã làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cà phê.
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, chế biến cà phê của hơn 100 hộ dân chọn ngẫu nhiên ở thị xã Buôn Hồ, các huyện Krông Pách, Chư M’gar và Krông Ana do Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên tiến hành mới đây cho thấy, trong lượng quả thu hái của nông dân, có gần 52% quả chín, hơn 32% quả xanh, khoảng 9% quả chín nẫu và 4,5% là quả khô.
Việc thu hái lẫn nhiều quả xanh cộng với việc sử dụng sân đất phơi hoặc ủ lại thành đống sau khi thu hái là nguyên nhân làm gia tăng hạt đen, nâu sau này. Do vậy, niên vụ 2008-2009, chất lượng cà phê hạt mới thu hái giảm nghiêm trọng. Nếu không tái chế, cà phê của nông dân ở Đắk Lắk sẽ không đạt chuẩn hạng 1 và 2 theo TCVN 4193-2005 vì vượt quá 150 lỗi/300 gram.
[ Ồ ạt hái cà phê non: Lại “bốc hơi” hàng trăm triệu USD ]
Theo tính toán của người dân thôn 2 và thôn 3 (xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột), nếu một hộ dân tự bảo vệ vườn cà phê của gia đình, dù chỉ là vài sào, vẫn phải mất hai tháng túc trực tại vườn.
Còn nếu 200 hộ liên kết lại với nhau bảo vệ cho hơn 100 ha cà phê thì cả vụ thu hoạch, một hộ dân chỉ mất khoảng năm đêm trực trên rẫy. Cái được hơn cả trong liên kết này là chất lượng cà phê được nâng lên.
Trên thực tế, một số địa phương ở tỉnh Đắk Lắk đã hình thành mô hình liên kết, song chỉ hoạt động được một thời gian, vì do diện tích cà phê của mỗi hộ dân không đồng đều, có hộ chỉ có vài sào, có hộ có đến vài ha, từ đó nảy sinh tâm lý thiệt hơn. Riêng các hộ dân tại thôn 2 và thôn 3 (xã Cư Êbur) vẫn duy trì được mô hình này gần 10 năm nay.
Chính quyền xã Cư Êbur còn giúp dân xây dựng một quy chế hoạt động theo đúng luật pháp và luôn có đường dây nóng giữa các tổ bảo vệ với lực lượng công an xã để xử lý khi có tình huống xảy ra. Xã có địa giới hành chính giáp với xã Ea Bar (huyện Buôn Ðôn) nên chính quyền xã Cư Êbur cũng đề nghị với chính quyền xã Ea Bar mở một đường dây nóng để các tổ bảo vệ có thể liên lạc 24/24 giờ.
Rõ ràng, khi người dân tự giác liên kết với nhau, khi chính quyền cũng xem việc bảo vệ cà phê của dân là nhiệm vụ của mình thì không những khắc phục được tình trạng thu hoạch cà phê xanh mà an ninh trật tự tại các địa phương trong mùa cao điểm thu hoạch cà phê cũng được bảo đảm.
Trong xuất khẩu, vẫn còn tình trạng làm ăn thiếu chuyên nghiệp, thiếu liên kết của các doanh nghiệp xuất khẩu. Phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu tự cập nhật thông tin thị trường nhưng không phải đơn vị nào cũng biết sàng lọc thông tin, nhận định đúng thông tin…
Ðây là nhược điểm mà giới đầu cơ nước ngoài khai thác để chi phối, đưa DN nước ta “vào tròng”. Chẳng hạn, trong suốt tháng 5-2009, giới đầu cơ nước ngoài tung tin, giá cà phê sẽ tăng đột biến khiến nhiều DN Việt Nam đua nhau tích trữ, thậm chí có DN vay nóng tiền để mua cà phê.
Ðến tháng 6-2009, các quỹ đầu cơ trên sàn London ngừng mua để dìm giá xuống thấp và lại tung tin giá cà phê trong những tháng kế tiếp sẽ giảm mạnh, các DN nước ta lại “bán tháo bán đổ”, chịu lỗ vài ba triệu đồng/tấn… Một thực trạng nữa là có quá nhiều DN xuất khẩu bán hàng giao xa (nhà nhập khẩu ứng trước một tỷ lệ lớn tiền theo hợp đồng cho nhà xuất khẩu, phần còn lại được tính toán khi giao hàng và chốt giá dựa vào giá cà phê giao dịch trên thị trường kỳ hạn Luân Ðôn), DN Việt Nam chấp nhận mua sản phẩm trong nước với giá cao, chờ cơ hội chốt giá trên thị trường Luân Ðôn cao hơn để kiếm lời, nhưng giá này bị dìm liên tục, đến hạn giao hàng phải chấp nhận “mua đắt bán rẻ” hoặc phải thương thảo, điều chỉnh lùi kỳ hạn giao hàng, chịu mất phí vài chục USD/tấn. Ngoài ra, ngay từ đầu vụ, nhiều DN đua nhau xuất khẩu khiến giá bị dìm xuống thấp, đến cuối vụ, hàng khan hiếm, các doanh nghiệp lại phải mua cà phê với giá cao để hoàn thành hợp đồng, nên “thiệt đơn, thiệt kép”…
Thật ra, cả người trồng và doanh nghiệp xuất khẩu đều nhận thức được hạn chế của mình nhưng chưa biết khắc phục bằng cách nào. Bởi, người trồng phải thu hái sớm vì sợ bị mất trộm, cứ “xanh nhà hơn già vườn” cho chắc ăn, vả lại, giá bán giữa xanh và chín chưa có sự khác biệt đáng kể nào. Ðiều đáng quan tâm nữa là do thiếu vốn đầu tư, một số nông dân đã “bán non” cà phê cho tư thương, việc thu hái cà phê xanh, chín thế nào, do tư thương quyết định. Có nông dân thì do đến kỳ hạn trả nợ ngân hàng, phải thu hái sớm. Các doanh nghiệp xuất khẩu, vì “đói” vốn, nên đua nhau ký hợp đồng giao xa vào đầu vụ để bổ sung vào hồ sơ vay vốn ngân hàng hoặc ứng trước vốn của nhà nhập khẩu…
Theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng cà phê cần bắt đầu từ khâu sản xuất, nhất thiết phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân tham gia sản xuất cà phê bền vững, đồng thời mạnh tay xử lý kiểu làm “ăn xổi ở thì”, thiếu khoa học, làm giảm chất lượng cà phê; vận động thành lập các mô hình sản xuất tập trung để dễ quản lý. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải liên kết lại để xây dựng kế hoạch bán hàng phù hợp, không để nhà nhập khẩu thao túng. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn để doanh nghiệp thu mua, tạm trữ hàng hóa và nếu cần, phải can thiệp, điều hành xuất khẩu cà phê như điều hành xuất khẩu gạo.
Hạt cà phê long đong đến thế, nhưng theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Đắk Lắk, trong 5 năm qua (2005 – 2009), diện tích cà phê toàn tỉnh tăng hơn 14.000 ha, bình quân mỗi năm tăng 2.800 ha. Năm 2009, mặc dù chính quyền địa phương các cấp đã khuyến cáo không nên mở rộng diện tích cà phê, nhưng người dân vẫn “bỏ ngoài tai”, và diện tích cà phê trồng mới vẫn tăng hơn 2.000 ha. Diện tích cà phê trồng mới chủ yếu vẫn được trồng theo kinh nghiệm, tự phát trên những diện tích đất không phù hợp, thiếu nguồn nước tưới…và không thể tránh khỏi tình trạng phá rừng để trồng cà phê.
Ðiều đáng nói là diện tích cà phê tăng nhanh tự phát trong những năm qua đã ảnh hưởng đến đề án phát triển cà phê bền vững của tỉnh Đắk Lắk và so với đề án này, diện tích cà phê của Đắk Lắk thừa khoảng 34.500 ha.
Xây dựng và bảo vệ thương hiệu cà phê Đắk Lắk
Một nghịch lý mà những ai biết đến đều thấy khó hiểu, đó là xác lập bảo hộ Tên gọi xuất xứ hàng hóa cà phê Buôn Ma Thuột, nay gọi là chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột được Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk triển khai từ tháng 9-2004, đến tháng 10-2005 thì được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận, cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ cà phê Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân Robusta và chính thức công bố trong dịp Đắk Lắk tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2005. Song, từ đó đến nay, thương hiệu này vẫn còn nằm im trên giấy, chưa mang lại một hiệu quả thiết thực nào trong khi các ngành chức năng của Đắk Lắk đang loay hoay vận động thành lập Hiệp hội Cà – phê Buôn Ma Thuột để quản lý và phát triển thương hiệu này.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk, vai trò của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột quyết định sự thành bại của thương hiệu, do đó, các ngành chức năng của Đắk Lắk đang tích cực vận động các doanh nghiệp và người dân trong vùng thành lập hiệp hội. Tuy nhiên, việc thành lập Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đang gặp nhiều khó khăn do chưa nhận được sự đồng thuận của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cà phê trong vùng. Vì vậy, sau nhiều lần thương lượng, Ban vận động của tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa mời đủ số lượng hội viên chính thức để tổ chức đại hội thành lập. Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột chưa được thành lập, nghĩa là thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vẫn tiếp tục còn nằm trên giấy, trong khi đó trên thị trường, việc lạm dụng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột diễn ra tràn lan, nhất là trong lĩnh vực rang xay cà phê.
Mong rằng trong thời gian tới, UBND tỉnh Đắk Lắk kiểm tra, chỉ đạo hiệu quả việc bảo vệ thương hiệu để cà phê Buôn Ma Thuột mang đúng giá trị của nó.