Đề xuất thành lập Quỹ Phát triển Cà phê Việt Nam

Bộ Tài chính đang đề xuất thành lập Quỹ Phát triển Cà phê Việt Nam trên cơ sở thay thế Quỹ bảo hiểm xuất khẩu ngành hàng cà phê Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 110/2002/QĐ-TTg ngày 21/8/2002 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo dự thảo Quyết định về việc thành lập Quỹ Phát triển cà phê Việt Nam, Quỹ phát triển cà phê Việt Nam là tổ chức tài chính ngoài ngân sách nhà nước được thành lập để thực hiện chính sách hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu và ủy thác xuất khẩu cà phê trên phạm vi cả nước.

Quỹ hoạt động theo nguyên tắc không vì mục tiêu lợi nhuận. Quỹ huy động nguồn đóng góp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ tài chính phát triển sản xuất, chế biến tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu cà phê; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh bền vững của ngành hàng; hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà xuất khẩu trong các tranh chấp thương mại; góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi có biến động bất lợi trên thị trường.

Thu, chi của Quỹ

Theo dự thảo, nguồn thu của Quỹ gồm nguồn đóng góp của tất cả các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp xuất khẩu và ủy thác xuất khẩu cà phê. Mức thu cụ thể do đại hội Hiệp hội quyết định thông qua sau khi có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính. Năm 2017 tạm xác định là 2USD/tấn cà phê xuất khẩu. Bên cạnh đó, nguồn thu của Quỹ là tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác.

Việc đóng góp tài chính của Quỹ sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: Các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu và ủy thác xuất khẩu cà phê phải đóng góp vào Quỹ; trường hợp giá bán cà phê thấp hơn giá thành tiêu thụ bình quân của ngành hàng cà phê thì không thực hiện thu về Quỹ. Mức đóng góp vào Quỹ do hải quan cửa khẩu thực hiện ngay khi làm thủ tục xuất khẩu; khoản đóng góp vào Quỹ được hạch toán vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

Quỹ sẽ dùng để hỗ trợ kinh phí cung cấp giống, ứng dụng quy trình kỹ thuật phục vụ cho tái canh cây cà phê (đào tạo, kỹ thuật, công nghệ chuyển giao cây giống…); hỗ trợ một phần lãi suất vay vốn để tạm trữ cà phê xuất khẩu; hỗ trợ cho xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, nâng cao chất lượng và phát triển cà phê bền vững; xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu; phát triển thị trường trong nước; xây dựng thương hiệu cà phê. Đồng thời, chi cho hoạt động của bộ máy Quản lý Quỹ; hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động của Hiệp hội.

Về phương thức hỗ trợ, theo dự thảo, việc hỗ trợ kinh phí tạo nguồn giống, quy trình kỹ thuật phục vụ cho tái canh cây cà phê được thực hiện theo các đề án, dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trên cơ sở đó Hội đồng quản lý Quỹ sẽ cấp phát kinh phí về cho các địa phương thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Việc hỗ trợ các kinh phí khác được thực hiện chi từ Quỹ đến các đối tượng hưởng lợi khi có đầy đủ thủ tục, hồ sơ theo quy định.

Xem thêm:

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Đồng Quân

    Cho em hỏi phí cho quỹ này có phải là phí xuất khẩu cà phê như Y5 đã đề cập không, hay nó là một khoản thu khác khi xuất khẩu?

    1. Cafe Bơ

      Theo mình biết thì nó riêng đó bạn à
      – Phí xuất khẩu: 2$/tấn
      – Thu lập quỹ phát triển 2$/tấn
      = 4$/tấn rồi.

      Trước đây có đọc bài về việc Vicofa đề nghị thu mỗi tấn 10$ (các bạn có thể tìm lại trên trang y5) như vậy khả năng hết 2017 tổng phí lúc xuất khẩu có thể tiệm cận 10$ đó các bạn :D

  2. Mạnh Tuấn

    Cà phê là mặt hàng xuất khẩu thu ngoại tệ nhiều nên thành lập quỹ để hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên cũng Nhà nước cũng cần cân nhắc thu trên đầu tấn cho phù hợp không giá mua của dân thấp quá vì hiện nay giá đã thấp lại thêm thấp. Đặc biệt, cần quản lý tốt để tránh thất thoát.

  3. Y Kaden

    Trích: Quỹ phát triển cà phê Việt Nam là tổ chức tài chính ngoài ngân sách nhà nước được thành lập để thực hiện chính sách hỗ trợ các…
    Thực hiện chính sách là việc của ngân sách, sao lại lấy cái ngoài ngân sách để thực hiện chính sách…? Khác gì lấy mỡ nó để rán nó !
    Cuối cùng vẫn đổ lên đầu nông dân chứ doanh nghiệp nào lại chịu móc túi bỏ ra.

  4. ngocbmt

    Ô hô…lại phí chồng phí rồi. Ông xăng có “phí môi trường” hay quá? Ông cà phê học theo? Dân chịu trận.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85