(01-02-2016) Thấy gì khi tồn kho robusta đạt chuẩn giảm mạnh?

Giá chào xuất khẩu cà phê vối robusta từ Brazil cao ngất với mức cộng 300 USD/tấn FOB giao hàng qua lan can tàu, so với giá cộng 50/60 USD/tấn từ Việt Nam với cùng điều kiện giao hàng.

Giá robusta Brazil cao khiến rang xay trong nước quay sang sử dụng cà phê arabica cấp thấp để rang xay, chế biến cà phê hòa tan.

Trong khi đó, một số công ty kinh doanh châu Âu định phải rút hàng cà phê đạt chuẩn từ các kho do sàn kỳ hạn London chỉ định để giao hàng cho các hãng rang xay tại Mỹ.

Lãnh đạo của một công ty kinh doanh tại châu Âu ước đến nay cà phê robusta đạt chuẩn từ các kho thuộc sàn kỳ hạn Ice London đã giảm chừng 5000 tấn, từ đây đến khi Brazil có cà phê vụ mới khối lượng rút có thể thêm 10.000-15.000 tấn.

Tồn kho đạt chuẩn thuộc sàn kỳ hạn London đến ngày 27-01 chỉ còn 192.780 tấn so với 200.060 tấn vào ngày 03-12-2015.

Reuters đã đưa tin như thế. Tuy nhiên, một chuyên gia thị trường tại TPHCM nhận định rằng không hẳn do giá robusta tại Brazil cao để phải chở hàng robusta Brazil có sẵn từ châu Âu qua Mỹ, cũng không thể nói chất lượng hàng robusta tốt hơn để các nhà rang xay Mỹ nhất thiết cần hàng Brazil. “Giá cước tàu đang giảm mạnh trong khi chi phí lưu kho tại châu Âu quá cao, hơn nữa từ đây hàng cà phê robusta để càng lâu trong kho càng bị phạt tiền, đó mới chính là lý do để các công ty kinh doanh nhanh chân mạnh tay đưa hàng robusta Brazil qua Mỹ.” Ông còn giải thích thêm khi rang xay Brazil không sử dụng robusta để chế biến cà phê hòa tan hay trộn làm cà phê espresso, đấy cũng là lúc các nhà xuất khẩu cà phê Brazil và quốc tế có hàng robusta đem bán trên thị trường thế giới. “Nên một lúc Mỹ sẽ có 2 nguồn robusta đến giao: từ châu Âu và từ Brazil. Các nhà xuất khẩu Việt Nam cần tích cực thông báo cho nhau sức mua của các hãng kinh doanh quốc tế và sức bán từ công ty mình để có kế hoạch đối phó với tình hình này,” vị chuyên gia nói.

Như vậy, đây là một động tác đảo hàng bình thường, các hãng kinh doanh lưu ký hàng trong kho tránh bị phạt tiền bởi tồn kho để lâu trong kho thuộc sàn kỳ hạn Ice London khi có điều kiện tốt là cước vận tải xuống cực thấp. Cũng theo động thái này, vị chuyên gia cho rằng sẽ có một làn sóng chở hàng vụ mới đã được bán vào kho từ Việt Nam sang các kho thuộc sàn Ice London.

Rabobank ước sản lượng robusta của Brazil niên vụ 2016/17 còn 16 triệu bao, giảm từ 16,5 triệu bao so với niên vụ 2015/16.

Phạm Kỳ Anh

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. thaonguyen

    Xin tác giả có thể cho biết nguyên nhân vì sao hàng Robusta Brazil có mức cộng cao vậy không ạ?
    Tại vì em đọc tới đọc lui mà vẫn chưa hiểu.

    1. Nguyễn Quang Bình

      Có nhiều nguyên nhân:
      -So sánh với giá FOB VN hay Indonesia, giá FOB Brazil cao hơn do cước vận tải từ đó rẻ hơn, người bán thêm phần “rẻ” trong vận tải vào giá mua.
      -Như Indonesia, giá FOB Indonesia hiện nay cũng cao (+150/180 USD/mt), do nước này và Brazil đang trong thời gian cuối mùa. Như tại VN, nhiều năm cuối mùa giá +100/150 USD là chuyện bình thường.
      -Brazil là nước tiêu thụ và xuất khẩu cà phê hòa tan lớn, nhu cầu robusta bình thường cho khu vực này cao. Khi nghe rang xay tại chỗ có nhu cầu, giá đội lên tăng dù rõ hay chưa rõ rang xay sẽ mua mạnh hay không.
      -Giá chào FOB đôi khi chỉ là danh nghĩa vì nó chỉ là giá chào. Thí dụ: Hiện có người đang chào FOB Việt Nam là +80 USD/tấn nhưng bán không được, người mua cũng chưa chịu. Nên đó chỉ là lời chào một bên. Kêu giá, nhưng không mua bán, đó chẳng phải là thị trường thực sự nhưng người ta vẫn ghi nhận là một lời chào.
      -Nói như thế để thấy rằng hiện nay giá trên sàn New York cho cà phê chế biến khô arabica Brazil là trừ 17 USD. Rang xay sẽ chọn hoặc mua arabica cấp thấp hơn với mức trừ 30-40 cts/lb chẳng hạn, họ sẽ thích mua arabica cấp thấp giá rẻ hơn robusta loại thường giá cao.
      -Những người có hàng trong kho tại châu Âu hô giá to để giải phóng hàng từ kho châu Âu như có khi tại VN nói hạn hán mất mùa đẩy giá cộng 150-200 nhưng không mua hàng mà chỉ gây náo loạn thị trường.
      Cho nên, theo cá nhân tôi nhận định, đấy chỉ là đơn chào. Mua bán thực có lẽ không thực hiện được trong hoàn cảnh chung như đã nói trên.
      Ta cứ nói hiện nay giá loại 2, tối đa 5% đen bể VN chào cộng 50/60 FOB nhưng chắc gì đã có giá đó mà đôi khi chỉ cộng 30/40. Thế thì giao dịch không thực hiện, không phải giá thị trường mà là giá chào bán mà thôi.

Tin đã đăng