(16-01-2016) Giá thấp đang thách đố người trồng cà phê

Giá cà phê nguyên liệu trong tuần đã có lúc chạm mức thấp nhất tính từ 26 tháng nay. Vào ngày 12-01, tại nhiều nơi trong nước, giá cà phê chỉ còn quanh mức 31,5 triệu đồng/tấn, là mức thấp được ghi nhận vào tháng 11-2013 nay mới xuất hiện lại.

Sàn kỳ hạn cà phê vối robusta London có đáy mới là 1430 đô la Mỹ/tấn, không chỉ là mức thấp nhất tính từ đầu niên vụ mới 2015-16 mà tính từ tháng 05-2010 đến nay. Tuy nhiên, đóng cửa ngày giao dịch 15-01 giá kỳ hạn cà phê vối London ở mức 1441 đô la/tấn, giảm 89 đô la/tấn so với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu năm ngày 04-01-2016.

Dù giá nội địa đang ở mức thấp, nông dân vẫn bán khá đều. Một lượng cà phê khá lớn đang chuyển vào các kho của các nhà xuất khẩu trong nước và kể cả kho ngoại quan hay phi ngoại quan tại Việt Nam của các nhà nhập khẩu nước ngoài. “Thấy giá thấp, nhiều người tiếc chưa bán nhưng sẵn sàng gởi cà phê vào kho để chờ cơ hội chốt bán về sau khi giá tốt hơn,” giám đốc một công ty xuất khẩu có trụ sở tại TPHCM cho biết.

Trong khi đó, đối diện với giá giảm, nhiều nhà vườn tỏ ra lo lắng. “Làm ra hạt cà phê khó nhọc suốt cả năm. Đến khi thu hoạch xong, giá thấp thế này bán ra không lấy lại vốn để trả nợ vay đầu tư chứ đừng nói làm chuyện gì khác,” ông Tăng, một chủ vườn tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai nói.

Suốt ba năm qua, giá cà phê càng lúc càng giảm, ông Tăng đã có ý định chuyển một phần diện tích cà phê sang trồng các loại nông sản khác, có lợi nhuận và ít rủi ro hơn.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết diện tích cà phê trong niên vụ này chỉ còn chừng 645.600 héc ta, so với trước đây là 670.000 héc ta. “Tôi kiên trì với  cây cà phê từ lâu nhưng rốt cuộc cũng chấp nhận phũ phàng theo đồng nghiệp đã thức thời chuyển sang trồng hồ tiêu, nay giá hồ tiêu cao mà lại thị trường ít biến động,” ông Tăng so sánh.

Đối diện với giá thấp, nông dân một số nơi tại các tỉnh Tây nguyên đang thu hẹp diện tích cây cà phê nhanh chóng một cách tự phát để chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế hơn như hồ tiêu, mắc-ca hay các loại cây ăn trái như sầu riêng hay bơ “booth”…

“Đấy được xem là một chọn lựa tốt hơn tái canh cây cà phê vì qua chương trình này tăng năng suất cà phê làm gì khi giá càng ngày càng xuống nhưng không có biện pháp ngăn chặn trong khi giá thành sản xuất và chi phí còn cao hơn các nước sản xuất khác, làm ngăn trở rất nhiều lượng xuất khẩu cà phê từ Việt Nam,” một chuyên gia ngành hàng nhận định.

Nguyễn Quang Bình, SGTT 15-01-2016

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. HPL

    Các bạn đừng nản lòng, ai đi cũng đi theo 1 chiều hướng rồi cùng ôm nhau mà thất bại, cứ trồng mỗi thứ 1 ít, không nên chặt cái này trồng cái kia tràn lang như hiện nay, chặt cà phê, trồng Tiêu chẳn hạn. Giờ ai trồng mới Tiêu sẽ ôm hận. cà phê, cao su sẽ lên giá trong tương lai gần…theo tôi, nếu có quỹ đất dồi dào nên giữ lại 80-90% cà phê và trồng mới : chuối, Bơ, Bời lời, trồng xen ít Măcca trong cà phê. Giá các mặt hàng này ít biến động lớn, toàn tăng, ít thấy giảm mạnh… làm như vậy giống như tự đóng bảo hiểm cho mình khi có rủi ro…

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82