Xu hướng thị trường cà phê tuần 48 (từ 23-28/11/2015)

Dịu bớt áp lực tâm lý giá thấp

Áp lực tâm lý giá rớt đã giảm phần nhiều ở 2 ngày cuối tuần khi giá hai sàn kỳ hạn cà phê tăng lại. Các sàn chứng khoán cũng được hưởng lây. Theo một số nhà chuyên môn theo dõi kỹ diễn biến liệu khi nào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đồng USD hiện đang quanh mức thấp 0%, họ cho rằng khi FED nói để phiên họp 12-2015 xem kinh tế ra sao rồi mới quyết định, tức tháng 12 vẫn có thể chưa tăng lãi suất, họ đoán thế.

Giá kỳ hạn

Đóng cửa sàn kỳ hạn arabica New York ở mức 124.40 cts/lb, tiếp tục tăng thêm 2.20 cts/lb trong ngày nhưng cao hơn nhiều so với tuần trước là 115.80 cts/lb, sàn robusta đạt 1572 USD/tấn tăng 9 USD trong ngày nhưng tăng 20 USD so với tuần trước. Tuy nhiên, so với 1507 là đáy, giá robusta đảo chiều tăng tốt hai ngày cuối tuần.

Giá nội địa và xuất khẩu

Giá trên thị trường nội địa ở Lâm đồng tuần này có lúc xuống mức 33,1 triệu đồng/tấn, là mức thấp nhất tính từ đầu tháng 1-2014 đến nay. Tuy nhiên, ngày hôm sau lại quay lên lại trên 34 triệu đồng/tấn. Sáng thứ Bảy 21-11 tăng thêm một nấc nữa lên 34,5 triệu đồng/tấn, dù vậy nhiều nơi có thể giao dịch lên mức 35 triệu đồng/tấn.

Giá xuất khẩu cơ sở loại 2 tối đa 5% đen bể được trả trừ 20 USD/tấn FOB khi giá tăng, giảm 10 USD so với vài ngày trước.

Mua bán trên thị trường nội địa chưa tích cực bằng các năm trước vì giá xuống thấp dần.

Vài con số tồn kho bên tiêu thụ

Báo cáo định kỳ tồn kho tại Nhật bản của Hiệp hội Cà phê nước này cho rằng tồn kho cà phê tại các cảng biển Nhật bản đến cuối tháng 10-2015 giảm 3.956 tấn, còn 189.596 tấn, cao hơn cùng kỳ năm 2014 chừng 10%.

Tồn kho GCA đến hết tháng 8-2015 đạt 6.038.503 bao.

Tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn kỳ hạn London đến 10-11 đạt 200.040 tấn, tồn kho đạt chuẩn arabica chung quanh mức 1,85 triệu bao.

Báo cáo vụ mùa cà phê các nước của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA):

Brazil: Sản lượng niên vụ 2015-2016 ước đạt 49,4 triệu bao (chỉnh giảm 9% so với niên vụ 2014-2015 của lần ước báo vừa rồi). Lý do: Tại nhiều nơi, năng suất vườn cây kém và kích cỡ hạt nhỏ hơn. Xuất khẩu cà phê niên vụ 2015-2016 ước đạt đỉnh lịch sử 36,57 triệu bao. Chính USDA bình luận rằng điều này chứng tỏ hạn hán năm 2014 tại Mianas Gerais và Sao Paolo, hai bang trồng arabica nhiều nhất của Brazil “ảnh hưởng không trầm trọng”. Tồn kho từ vụ cũ mang sang vụ mới trước năm 2014 là lớn nên vừa qua Brazil xuất khẩu mới nhiều như thế. Tồn kho mang sang niên vụ mới 2015-2016 ước giảm xuống còn 5,2 triệu bao.

Indonesia: Indonesia chịu ảnh hưởng El Nino khá nặng. Dù khô hạn, sản lượng niên vụ 2014-2015 tăng gần 20% (Lời người viết: Do chương trình tái canh giúp sản lượng nước này tăng). Trong niên vụ 2015-2016, nhờ Indonesia là nước chủ yếu trồng cà phê vối robusta nên tránh được ảnh hưởng của hiện tượng El Nino ở kích bản xấu nhất. Những nơi thiệt hại do El Nino tại Indonesia chủ yếu tại các vùng trồng cà phê chè arabica, vì thời gian canh tác và thu hái đều trong chu kỳ hoạt động của El Nino. USDA cũng ước xuất khẩu cà phê Indonesia niên vụ 2015-2016 của Indonesia tăng gần con số 8,08 triệu bao. Xuất khẩu tăng khối lượng từ nhóm hàng robusta và nhờ phá giá đồng Rupiah so với đồng USD nên dù  giá trên sàn London giảm, nông dân bán vẫn không lỗ trên thị trường nội địa.

Colombia: Trong báo cáo thị trường mới phát hành, Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) chỉnh tăng sản lượng niên vụ 2014-2015 vừa qua của Colombia lên 13,3 triệu bao so với ước báo cũ là 12,5 triệu bao. Ước sản lượng cho niên vụ này của Colombia cũng được chỉnh từ số cũ là 12,7 triệu bao lên 13,4 triệu bao.

Chỉ với 3 nước, ta thấy USDA đưa ra những điểm chính và chung sau đây:

Ảnh hưởng El Nino là có, nhưng không trầm trọng như nhiều người nghĩ.

Tuy không nói đến chương trình tái canh tại 3 nước trên, cà phê xuất khẩu đều tăng mạnh là nhờ cây cà phê cải thiện năng suất.

Xuất khẩu cà phê ước không giảm do hạn hán hay mất mùa (vì dự báo cả 3 nước đều tăng). Riêng robusta, hình như không bị ảnh hưởng mấy. Đáng tiếc khi viết bài này, người viết chưa có trong tay báo cáo về cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, dù có được hay mất mùa, hàng cà phê vối robusta của Việt Nam sẽ ra thị trường ít vì tỷ giá đồng VND quá mạnh so với các nước cạnh tranh phá giá quá dữ, nên cân đối giá hai đầu vào và ra không thể cho phép xuất khẩu mạnh vì càng xuất càng lỗ.

ara1120

Biểu đồ kỹ thuật giá sàn arabica

Về kỹ thuật: Giá arabica ngày thứ năm 19-11 quay đầu tăng và hôm qua thứ Sáu giao dịch chủ yếu ở vùng dương: đó là tín hiệu đảo chiều. Các mức chắn trên phải vượt qua để kích mua là 125.5 và 133. Tuy nhiên cần giá đóng cửa 135 trở lên mới chắc chắn. Mức đóng cửa cuối tuần chưa thỏa điều kiện dù đã có lúc trong phiên vượt 125.50 cts/lb.

Sàn robusta có đáy 1507 USD/tấn và nay đang trong thế đảo chiều. Cần có mức 1700 USD để kích giá tăng cao hơn.

Dự kiến giá mở cửa thứ Hai 23-11 giảm nhẹ đến giảm khá.

Nguyễn Quang Bình

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. ĐUC KT

    Theo tôi tuần tới giá sẽ tăng cho đến đầu tháng 12.
    -Mất mùa, giá thấp, công hái cao năm nay thực sự khó khăn cho bà con nông dân. Giá thấp buộc phải bán để trả tiền công, nợ nần, con cái ăn học.
    -Người có điều kiện là cơ hội làm giàu lúc này đây được mua cà giá rẻ.
    -Mình bây giờ thì lên cũng tốt mà xuống cũng chẳng sao vì đang nắm cà cũ và thu mua cà mới. Nhưng dù sao cũng rất muốn cà lên để người làm ra hạt cà đỡ vất vả.
    -Năm tới sau khi tưới đợt 2 mới thấy hạn hán khắc nghiệt đến cỡ nào, ai giữ cà chắc sẽ thắng.

  2. Huỳnh Bảo Ngọc

    Chúc thành viên diễn đàn cuối tuần vui khỏe để chuẩn bị cho tuần mới với giá cà phê tăng vững!
    Tuần qua giá cà phê A tăng mạnh 8,6 cent tương đương 7.4% trong khi R chỉ tăng 20 USD tương đương 1,3%. Ngoài yếu tố kỹ thuật các nhà đầu tư mua bù, nguyên nhân rõ thấy nhất là đồng BRL của Brasil phục hồi nên nông dân không bán hàng ra làm giá A tăng mạnh. Như vậy yếu tố cung cầu ảnh hưởng rất lớn tới giá trên thị trường kỳ hạn. Nếu giá xấu dân ta bán nhỏ giọt đủ để trang trải chi phí thật cần thiết thì nhất định giá sẽ lên.
    Rút kinh nghiệm đừng đem hàng gửi kho ứng tiền trước 70% như vụ vừa rồi để bây giờ “ngậm đắng nuốt cay”. Làm giá xuống để cho nông dân lãnh hậu quả.

  3. ĐUC KT

    Năm nay Dakha Kon Tum thiếu nhân công trầm trọng, người dân ở đây họ chỉ hái một lần duy nhất không như những nơi khác phải hái bói. Người hái cà đa số là dân đến từ Quảng Bình, Nghệ An năm nay lớp trẻ đi Công ty hết nên khó kiếm người. Nhiều nhà có nhân công đã hái xong , có nhà thì chưa hái tí nào. Đa số chỉ đạt từ 8-12 tấn tươi/ha. Giá hái khoán từ: 70.000-100.000 đ/tạ.
    .
    ………..KHÓ KHĂN…….
    Mất mùa khốn khó lắm người ơi !
    Cà chín khô cây đứng chờ người.
    Năm này dân làm đi Vũng Áng …vv….
    Chủ cà lo lắng đứng ngậm ngùi.

    1. Dương Thị Oanh

      Không Cà cũng thấy chơi vơi
      Có Cà ta lại ngậm ngùi…thiếu công !
      Khó khăn chồng chất khó khăn
      Giá Cà rẻ mạt…Giá công cao vời…!!!

  4. Sáng_tiêutơ

    Thật đáng buồn thay cho người nông dân. Người nghèo thì càng nghèo thêm, người giàu lại càng giàu thêm. Giá cả thế này đáng buồn thật!

  5. ngocbmt

    @Bảo ngọc. Cái vụ gửi hàng ứng tiền đâu phải do bà con nông dân. Do mấy ông trung gian muốn mượn đầu heo nấu cháo. Cộng thêm tham mấy trăm đồng “cà phê bền vững” đến lúc tỉnh ra thì thấy “tiền của tây” đâu dễ kiếm!!!

    1. manh tuan

      Theo mình thì bà con nên hạn chế ký gửi hàng tại kho đại lý cà phê . Để tránh rủi ro cho bà con nông dân .

  6. thaonguyen

    Thực ra thì cơ hội cho giá cà phê lên năm nay là rất tốt. Nhưng để điều này thành hiện thực thì đòi hỏi người dân chúng ta phải vượt qua được ngưỡng tâm lý. Vì nếu còn tâm trạng giá lên một vài phiên đã bị tác động sợ giá quay đầu xuống nên bán chạy thì giá sẽ không bao giờ lên cao được cho tới khi giới đầu cơ gom được hàng đẩy giá lên để bán thì lúc đó cũng là lúc dân ta hết hàng. Vì vậy mình vẫn nghĩ nếu vì nhu cầu trong ngắn hạn thì khi giá lên bán một ít, còn bán vì lo giá xuống khi giá đang nằm ở mức này và cho năm nay thì không nên đáng để lo nếu không kẹt trong ngắn hạn.

  7. thaonguyen

    Vụ mùa các nước Brazil, Indonesia thu hoạch từ tháng 3-6 nên vụ mùa 2015/2016 chưa thể bị ảnh hưởng El nino mà phải chờ vụ mùa 2016/2017 mới thấy được hậu quả của nó. Vụ mùa Việt nam chúng ta 2016/2017 tới đây cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi giờ này xem như kết thúc mùa mưa mà các hồ thủy điện vẫn cạn nước thì khi El nino hết mùa xuân năm sau thì mùa khô, mùa ra hoa của cà phê không biết lấy nước đâu để tưới.

  8. thongnuyen

    Xin chào bà con năm nay nhân cà phê nhỏ lắm không đạt như kỳ vọng. Mất mùa nặng là đều không tránh được công thêm hạn thế này thì qua năm chắc gì cà phê đã có nước tưới nên bà con cứ bình tĩnh cần đến đâu bán đến đó không có gì mà vội. Mình làm ra hạt cà phê cực khổ họ ngồi trên giấy cứ để họ bán đi đừng bận tâm làm gì, Chúc cả nhà đoàn kết sẽ thắng lợi

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81