Nhận diện công ty sản xuất phân bón giả

Sau rất nhiều tranh cãi gay gắt kéo dài hơn 5 tháng giữa các bên liên quan, Bộ Khoa học và Công nghệ mới có ý kiến chính thức về nhận diện hành vi sai phạm sản xuất phân bón giả tại Cty Thuận Phong, do Thứ trưởng Trần Việt Thanh vừa ký gửi Văn phòng Chính phủ.

Cán bộ chức năng kiểm tra nhãn mác phân bón do Cty Thuận Phong sản xuất.
Cán bộ chức năng kiểm tra nhãn mác phân bón do Cty Thuận Phong sản xuất.

Cố tình làm trái các quy định!

Tiền Phong đã đăng tải 4 bài về hành vi sản xuất phân bón có dấu hiệu phạm pháp của Công ty CP Sản xuất & Thương mại Thuận Phong (viết tắt là Cty Thuận Phong), tới nay vẫn chưa bị xử lý, ngày 25/9/2015, Tổng giám đốc Cty Thuận Phong là ông Khiếu Mạnh Tường gửi đến báo Tiền Phong văn bản số 83 kèm hồ sơ giải trình, mong báo “xem xét vụ việc một cách thấu đáo”, và “vụ việc sớm được cơ quan chức năng giải quyết”.

Trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại (Ban 389) đã chỉ đạo các Bộ Công Thương, Tài chính, Quốc phòng, Công an, KH&CN, NN&PTNT, Viện KSNDTC phải nhanh chóng kiểm tra các vi phạm tại Cty Thuận Phong để đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo trong tháng 8/2015. Tuy nhiên, đến ngày 18/9/2015, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia mới đủ căn cứ để ký văn bản trình Văn phòng Chính phủ, khẳng định: Cty Thuận Phong có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh trái phép phân bón.

Theo đó, Cty Thuận Phong đã lợi dụng địa điểm thuộc một khu vực quản lý của quân đội để sản xuất, kinh doanh phân bón, nhằm né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Quá trình điều tra cho thấy: Cty Thuận Phong không có hồ sơ chứng nhận hợp quy cho các loại phân bón nhập khẩu, nhưng đã bán hàng ra thị trường từ cuối năm 2013 đến thời điểm liên ngành kiểm tra vào tháng 4/2015 với số lượng lớn. Hoạt động kinh doanh này là trái phép.

Đối với phân bón nhập khẩu, Cục Hóa chất – Bộ Công Thương đã khẳng định Cty Thuận Phong không có bất kỳ một chứng nhận hợp quy nào cho các loại phân bón nhập khẩu từ Mỹ. Thỏa thuận với Cty  Bio Huma Netics do Cty Thuận Phong đưa ra không có giá trị pháp lý với các cơ quan chức năng Việt Nam. Cty Bio Huma Netics chưa đăng ký bảo hộ độc quyền tại Việt Nam, không có quyền cho công ty khác tại Việt Nam sử dụng nhãn hiệu, kiểu dáng, sang chiết, đóng gói.

Mặt khác, tất cả nhãn, mác, bao bì, can, chai xuất bán ra thị trường của Cty Thuận Phong đều được làm tại Việt Nam, không nhập khẩu từ Mỹ, vì vậy các nhãn hàng hóa ghi “Made in USA” đều là nhãn giả mạo.

Đối với phân bón sản xuất trong nước, quá trình kiểm tra 19/29 mẫu phân bón của Cty Thuận Phong đã cho kết quả không đạt chỉ tiêu so với công bố. Một số mẫu là hàng kém chất lượng, một số mẫu là hàng giả về chất lượng, vi phạm các quy định về nhãn hàng hóa theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP.

Có dấu hiệu tội phạm

Để làm rõ như trên, Ban Chỉ đạo  389 đã vào cuộc điều tra. Do mặt bằng sản xuất của Cty Thuận Phong thuê lại phần đất của một đơn vị quân đội nằm ở vị trí rất kín đáo, Ban Chỉ đạo 389 đã phải bí mật tiếp cận mục tiêu, xác định quy luật hoạt động.

Ngày 24/4/2015, đoàn công tác gồm các thành viên văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389,  đã mời đơn vị cho thuê đất đến. Sau khi tất cả đã vào bên trong nhà máy, đoàn công tác mới báo cho Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh cử cán bộ chuyên trách đến cùng làm việc, yêu cầu phía Cty Thuận Phong cung cấp mọi thông tin liên quan. Sự thật mới dần được phơi bày!

Trong cuộc họp liên ngành sau đó do Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh – Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai chủ trì, đại diện cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã có những phát ngôn mang tính bênh vực Cty Thuận Phong, như cho rằng việc Cty này tự in nhãn “Made in USA” để dán lên chai đã sang chiết là đúng bản chất; tuy có tới 19/29 mẫu không đạt nhưng vẫn chưa đủ dấu hiệu xác định tội phạm v.v… Tướng Khánh lập tức yêu cầu CQĐT phải xác minh và báo cáo lại cho giám đốc. Việc 2 năm trước Cty này từng bị UBND tỉnh An Giang xử phạt hành chính về hành vi sản xuất phân bón giả, cùng nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối, mờ ám, nhằm đối phó với đoàn kiểm tra, rõ ràng có dấu hiệu tội phạm – Tướng Khánh khẳng định.

Thế nhưng sau đó, vụ việc lại “chìm” dần, dù một số cơ quan báo đài đã vào cuộc phản ánh. Mãi đến ngày cuối tháng 9/2015, Bộ KH&CN mới thể hiện quan điểm chính thức thông qua văn bản 3645, cho rằng Cty Thuận Phong đã có nhiều sai phạm về quyền sở hữu trí tuệ, về in ấn nhãn mác, và khẳng định “hàng hóa có nhãn vi phạm như trên là hàng giả”.

Văn phòng Chính phủ chỉ đạo xử lý sai phạm của Cty Thuận Phong

Ngày 7/10,  Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký văn bản số 8124 gửi hỏa tốc đến ông Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, yêu cầu tổng hợp tài liệu, trực tiếp trao đổi với các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Đồng Nai về việc xử lý vi phạm tại Cty Thuận Phong; chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Đồng Nai điều tra làm rõ các vi phạm, bảo đảm đúng các quy định của pháp luật, báo cáo Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia trong tháng 10.

>> Phân bón giả: Day dứt những câu hỏi

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Trọng GL

    CQĐT Công an tỉnh Đồng Nai làm chức năng bảo vệ pháp luật mà đứng ra công khai bao che cho tội phạm, thử hỏi làm sao pháp luật được thực thi nghiêm minh. Có bao nhiêu phân bón giả, kém chất lượng được những công ty làm ăn gian dối tuôn ra thị trường để gây hại cho bà con nông dân là nhờ lối “bảo kê” bằng cụm từ mỹ miều “chưa đủ dấu hiệu xác định tội phạm”, khi chỉ có 19/29 mẫu không đạt là vẫn còn may mắn cho nông dân lắm rồi chăng? Chui vào thuê đất sản xuất trong phạm vi quốc phòng quản lý để gây khó khăn cho QLTT là dấu hiệu núp bóng, tạo vỏ bọc để cố tình phạm tội, đó mới là “đúng bản chất”. Không lẽ 4-5 Bộ chức năng của một nhà nước pháp quyền lại thua 1 công ty làm ăn gian dối để kéo dài sự việc hơn 5 tháng nay?
    Bà con nông dân cố chờ xem, “hồi sau sẽ rõ”.

    1. Hoàng Linh

      Chẳng biết dân mình tin vào mấy “nhà chức năng, nhà lãnh đạo, nhà nước,… đủ thứ nhà” đến đâu chứ tôi là tôi k tin. Về chất lượng phán bón hiện nay có thể nói đều như nhau hết, dù có made in ở đâu đó thì cũng là hóa chất của tàu pha ra thôi. Chiếc áo k làm nên thày tu, nhưng cái nhãn “made in ngoại quốc đó” đã góp phần lấp lỗ mồm các “nhà” trên đó. Người dân bây giờ không còn chỗ trú ẩn nào an toàn đâu, ngoại trừ k dùng tất cả các sản phẩm phán bón, thuốc bvtv,…

  2. Nông Cà

    Khi các tổ chức tội phạm được sự bảo kê che chắn của cơ quan công quyền, thì dần dần bọn chúng sẽ thao túng xã hội và hình thành mạng lưới kiểu ‘MAFIA’, hoạt động của chúng sẽ vươn vòi ra trên nhiều lĩnh vực, lúc đó hiểm họa sẽ khôn lường. Do đó, làm trong sạch đội ngũ công quyền là việc làm thường xuyên để bảo đảm an ninh cho đời sống xã hội!

  3. manh tuan

    Muốn kết luận 1 cá nhân có phạm tội hay không không phải chuyện đơn giản đâu bạn . Đừng có nghĩ dễ dàng quá như vậy .

    1. Thanh Hà

      Vật chứng cụ thể sờ sờ ra đó mà sao lại nói là nghĩ ra? Công ty sản xuất phân lớn như vậy mà có tới 19/29 mẫu không đạt là nghĩ ra chăng?

  4. Trường Sơn

    Sản phẩm Made in USD mà vô bao bì, sang chiết, dán nhãn mác, in ấn … tất cả đều ở VN.
    Luật lệ, nguyên tắc nào cho phép như vậy?

  5. Lê Xuân Sáu

    Kính đề nghị các cơ quan chức năng đưa việc sản xuất, tàng trữ, tiêu thụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả (khối lượng lớn; gồm tang vật và cả số lượng đã đưa ra thị trường tiêu thụ, quy định rõ khối lượng cho từng loại) vào khung hình sự, không ngoại trừ mức xử phạt cao nhất; nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

  6. nguyenanhhieu

    Tôi là một nông dân trồng cà phê. Một năm gia đình tôi mua phân khoảng vài chục triệu. Mà thực sự bản thân tôi thấy mỗi lần mua phân là lại phải đắn đo không biêt nên bón phân gì ? Bởi trên thị trường nhiều loại phân quá. Thật, giả, kém chất lượng… Người nông dân làm quanh năm vất vả, rồi lại nhận được quả đắng, mua phải phân giả cây trồng không phát triển được hoặc chết hàng loạt. Tôi đề nghị các cấp chính quyền sử phạt thật nặng hoặc thu hồi giấy phép vĩnh viễn những công ty này.

Tin đã đăng