Vì sao tỷ giá đột ngột tăng mạnh?

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ đã bất ngờ tăng thêm 1%, cùng theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng nới biên độ lên 3%. Như vậy, tiền đồng đã thực sự mất giá rất mạnh chỉ trong vòng một tuần trở lại đây. Vì sao lại có động thái này?

Sau động thái tăng tỷ giá thêm 1%, nới biên độ lên +/-3% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáng nay 19-8, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh tăng tỷ giá niêm yết giữa tiền đồng và đô la Mỹ lên mức 22.400 – 22.480 đồng/đô la Mỹ, tùy từng ngân hàng.

Như vậy so với ngày hôm qua, tỷ giá hôm nay đã tăng thêm từ 295 – 375 đồng/đô la Mỹ.

Tại Vietcombank, Vietinbank, tỷ giá được niêm yết tại quầy ở mức 22.400 đồng/đô la Mỹ (giá ngân hàng bán ra) và 22.300 đồng/đô la Mỹ (giá ngân hàng mua vào). Tại các ngân hàng như SCB, HSBC, giá đô la Mỹ được niêm yết ở mức 22.450 đồng/đô la Mỹ, nhưng tại Techcombank, Eximbank, giá đô la Mỹ được niêm yết lên đến 22.480 đồng/đô la Mỹ, tức chỉ thấp hơn trần tỷ giá mới 67 đồng.

Trên thị trường tự do, ở một điểm thu đổi ngoại tệ tại Quận 1, TPHCM, giá đô la Mỹ được chào mua là 22.350 đồng/đô la Mỹ, và chào bán ở mức 22.500 đồng/đô la Mỹ.

Trước đó, sau khi NHNN nới rộng biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2% từ ngày 12-8, các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh tăng tỷ giá và sau đó niêm yết tỷ giá gần như kịch trần trong cả tuần qua ở mức 22.105 đồng/đô la Mỹ, chỉ cách tỷ giá trần 1 đồng. Khi ấy, theo một ngân hàng tại TPHCM, có hiện tượng doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ.

So với từ đầu năm đến nay, nhìn chung, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thưong mại đã tăng lên hơn 4,64%.

Việc tiền đồng tiếp tục bị phá giá không nằm ngoài tiên liệu của giới ngân hàng. Tuy vậy, sự mạnh dạn của NHNN trong việc điều chỉnh tỷ giá 3% trong năm nay và biên độ được nới rộng lên 3% nằm ngoài dự đoán của những người làm trong lĩnh vực này.

Theo Phó Tổng giám đốc phụ trách ngoại hối của một ngân hàng thương mại thì trong tuần qua, sau khi tỷ giá được điều chỉnh biên độ 1%, lực cầu từ phía doanh nghiệp lại tăng lên. Theo vị này, chính những diễn biến của các đồng tiền khác trên thế giới đã cho thấy sự biến động quá lớn, các doanh nghiệp đã cẩn trọng hơn trong giao dịch ngoại tệ để tránh rủi ro. Vì thế khả năng tăng tỷ giá là khó tránh khỏi.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM cho biết trong thời gian gần đây các ngân hàng thương mại trên địa bàn bán ra rất nhiều ngoại tệ cho doanh nghiệp. Ông Minh cho rằng nhu cầu đã tăng lên đáng kể. Hiện tại các doanh nghiệp nhập khẩu đã đàm phán mua ngoại tệ có kỳ hạn với ngân hàng, cụ thể là chốt giá ngay khi đăng ký mua cho khoản ngoại tệ sẽ về trong tương lai, đồng thời các doanh nghiệp còn dư nợ ngoại tệ với ngân hàng cũng đã trả nợ trước hạn. Còn doanh nghiệp xuất khẩu thì đã bớt bán ngoại tệ cho ngân hàng như trước.

Những động thái này cho thấy doanh nghiệp lo ngại rủi ro tỷ giá có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tỷ giá trong thời gian qua.

Một biểu hiện rất rõ cho thấy sự thận trọng của doanh nghiệp là trong bảy tháng đầu năm, tại TPHCM dư nợ cho vay ngoại tệ chỉ tăng 1,5% so với cuối 2014, trong khi 7 tháng đầu năm ngoái, con số này tăng 10,56% so với cuối năm 2013.

Theo ông Minh, những biến động ngay trong giai đoạn đầu năm đã khiến doanh nghiệp chọn vay tiền đồng thay vì ngoại tệ.

Ngoài lý do cung cầu trong nước, tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng việc nới tỷ giá cũng là một cách bắt buộc khi từ đầu năm đến nay, giá đô la Mỹ đã có thời điểm tăng tới 15% trong tương quan với các đồng tiền mạnh trên thế giới (Dollar Index), hiện nay sự chênh lệch của đô la Mỹ với các đồng tiền mạnh là khoảng 6%.

“Với sự điều chỉnh tỷ giá hôm nay, tiền đồng đã giảm giá tương đương 5% so với đô la Mỹ, và cũng tương đương với mức Trung Quốc đã phá giá đồng tiền của họ, tôi thấy điều này là hợp lý.”, vị này nói thêm.

Theo vị này tâm lý của các người giao dịch trên thị trường tiền tệ đã yên tâm hơn trong ngắn hạn với sự điều chỉnh này, song về trung hạn từ giờ tới cuối năm còn phải theo dõi chặt chẽ tiếp hai yếu tố: đồng nhân dân tệ Trung Quốc có điều chỉnh nữa không, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tăng lãi suất đồng đô la Mỹ vào tháng 9 hay không là hai điều kiện sẽ quyết định các hành động tiếp theo của NHNN.

“Trong một tuần gần đây tôi dự đoán NHNN đã bán ra cho các ngân hàng khoảng 2 tỉ đô la Mỹ và điều này khiến trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng không còn âm nữa”, vị này cho biết.

Giám đốc bộ phận kinh doanh vốn và tiền tệ của một ngân hàng nói: “Các ngân hàng thương mại mấy ngày qua đã khó khăn với lãi suất tiền đồng và đứng trước sức ép tăng lãi suất tiền đồng trên thị trường dân cư mà nguyên nhân là từ việc căng thẳng của tỷ giá”.

Ông cho biết hôm qua 18-8 NHNN đã phải bơm qua thị trường mở OMO khoảng 10.000 tỉ đồng sau nhiều ngày thị trường này không hoạt động. “Động thái của NHNN sáng nay 19-8 là kịp thời và đáng hoan nghênh. NHNN đã chuyển từ chính sách tĩnh sang chính sách động để phù hợp với tình hình rất động của thị trường tiền tệ”.

Với sự điều chỉnh này, tính ra tỷ giá đã tăng tương đương 5% tính từ đầu năm và các ngân hàng tạm thời yên tâm trong ngắn hạn. Việc sắp tới là cần theo dõi sát các hành động của Fed và Trung Quốc để có sự điều chỉnh linh hoạt.

Cũng theo lời vị giám đốc này, NHNN cũng đang phải đối phó với nhiều mặt trận, trong đó rất quan trọng là tiến trình tái cơ cấu ngân hàng nội địa. Vì thế, khi ổn định được mặt trận tỷ giá, thì cơ quan quản lý mới có điều kiện ổn định tiếp các mặt trận khác.

Báo cáo kinh tế vĩ mô của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng “mặc dù việc nới biên độ tỷ giá có vẻ như không đồng thuận với cam kết không điều chỉnh tỷ giá quá 2% nhưng theo chúng tôi, niềm tin được xây dựng dựa trên những biện pháp can thiệp đúng đắn, chính xác theo yếu tố thị trường của nhà điều hành. Điều này sẽ bền vững hơn là chỉ dựa vào các cam kết, đặc biệt là trong bối cảnh có những cú sốc bất ngờ vượt ngoài tầm kiểm soát và khó đoán định.”.

Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài cho biết ông cũng bất ngờ với việc NHNN mạnh tay trong việc tăng tỷ giá. Tuy vậy, ông cho rằng điều này cũng phù hợp với bối cảnh chung của thị trường tiền tệ thế giới. Việc kìm giữ tiền đồng theo nghĩa ổn định sẽ thực sự làm cho nền kinh tế không ổn định. Dù vậy, ông cũng cho rằng việc tiền đồng mất giá sẽ khiến cho khoản lợi nhuận để chuyển về nước của các quỹ đầu tư nói chung chịu thiệt hại.

Vào cuối tuần trước, ông Nguyễn Ân, Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất Thương mại may Sài Gòn (Garmex Saigon) cho TBKTSG Online biết, việc NHNN nới rộng biên độ tỷ giá, giá đô la Mỹ tăng cao, chắc chắn doanh nghiệp nào cũng muốn giữ đô la Mỹ, vì giữ được càng lâu, doanh nghiệp càng có lợi trong tình hình giá đô la Mỹ có xu hướng tiếp tục tăng. Tuy nhiên, theo ông Ân, vấn đề là doanh nghiệp có đủ năng lực để giữ đô la Mỹ được lâu hay không vì có những khoản phải chi như trả lương cho công nhân, trả tiền cho nhà cung cấp nguyên phụ liệu.

Việc tiền đồng tiếp tục mất giá sẽ đem lại lợi ích cho nhà xuất khẩu của Việt Nam, nhưng ông Ân cho biết ông lo ngại với tình hình đồng đô la Mỹ tiếp tục tăng giá và các đồng tiền khác tiếp tục mất giá so với đô la Mỹ sẽ gây hại cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi vì, khi ấy, những nhà mua hàng ở những nước như Nhật Bản, châu Âu,…sẽ giảm bớt lượng đặt hàng, vì lo sợ càng mua càng lỗ. Theo đó, trong thời gian tới, có khả năng khách hàng sẽ giảm đơn hàng cũng như sản lượng đặt hàng.

Theo TBKTSG online ngày 19-8-2015

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. tran hòa

    Hồi đầu năm, NHNN tuyên bố sẽ không phá giá vnd quá 2% trong năm nay, nhưng đến nay coi như đã là 5%. Có thế tin được không

  2. Nông Cà

    Trong ba ngày liên tiếp (11, 12 và 13/8) Trung Quốc đã phá giá ‘sốc’ đồng nhân dân tệ tới 4,6%. Mặc dù ngày 14/8 có tăng lên lại 0,05% nhưng không đảng kể, chỉ mang yếu tố tâm lý.
    Đồng nhân dân tệ giảm giá làm cho hàng hóa xuất khẩu của TQ rẻ hơn, gây nguy hiểm cho nền kinh tế VN vì VN là nước nhập siêu từ TQ lên đến 29 tỷ USD (VN công bố), nhập đường không chính thức thêm 15 tỷ USD nữa, như vậy tổng nhập siêu là 45 tỷ USD (TQ công bố). Nếu tính với cùng hàng hóa nhập siêu như vậy VN phải bỏ ra thêm 2 tỷ USD nữa ( tương đương 44 ngàn tỷ VND, con số khủng)
    Do đó động thái phá giá 5 % VND của Ngân hàng NNVN là kịp thời để giảm thiệt hại trong nhập khẩu .
    Cơ cấu cán cân VN xuất khẩu ngày càng tăng thì việc chính sách ‘Đồng VN yếu’ sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới. Khi vào TPP VN sẽ giảm dần sự lệ thuộc vào kinh tế TQ giúp nền kinh tế VN lành mạnh hơn!

  3. ho nam

    Cuối cùng người dân và nhất là người làm công ăn lương chịu thêm cảnh thiếu thốn bởi tiền đồng mất giá!

Tin đã đăng