(19-08-2015) Giá sàn robusta “vắt”: ai gây chuyện trớ trêu?

Giá trên hai sàn kỳ hạn cà phê hôm qua đều tăng: sàn arabica tăng 0.50 cts/lb để đạt 139.05 cts/lb; sàn robusta tăng 7 USD/tấn để tháng 11-2015, tháng giao dịch chính đạt 1722 USD/tấn. Một điều xảy ra trong dự đoán giá tháng 9-2015 của London chuyển sang cấu trúc “vắt”, cao hơn tháng giao dịch phía sau là tháng 11-2015 đến 9 USD/tấn.

Xét về mặt kỹ thuật, tức về cách làm giá của các quỹ đầu cơ, vắt giá hay giá đảo xảy ra hôm qua, một ngày trước khi kết thúc giao dịch thị trường quyền chọn London tháng 9-2015 (tức ngày hôm nay) được lý giải như sau: hiện có đến gần 2700 lô mở quyền chọn mua ở mức 1750 USD/tấn và gần 2250 lô mở quyền chọn mua ở mức 1800 USD/tấn. Nên việc đẩy giá kỳ hạn tăng 1750/1800 cơ sở tháng 9-2015 để thực hiện có lẽ là chuyện dễ hiểu.

Sàn hàng hóa Đóng cửa +/-
Bắp 377-6 +0-4
Đậu nành 904-2 +0
Lúa mì 500-4 +1-6
Ca cao 3084s +28
Cà phê NY 139.05s +0.50
Cà phê LDN t9 1740s +29
Cà phê LDN t11 1722s +7
Đường ăn 10.73s +0.10
Gia súc (bò) 147.400s -0.300
Thịt heo 66.125s -0.015
Bông vải 66.63s +0.11

Tuy nhiên, về tổng thế, giá các sàn nông sản nói chung đang được các quỹ đầu cơ mở đợt mua bù khống và hầu hết các sàn đều có giá tăng. Nhìn vào bảng giá đóng cửa giao dịch hôm qua trên đây sẽ thấy giá các sàn nông sản tăng đợt này chưa hẳn do yếu tố cung-cầu mà do đầu cơ mua bù khống. Trên 10 sàn kỳ hạn đơn cử trên đây, hết 8 sàn có giá tăng và chỉ hai sàn thịt gia súc là có giá giảm.

Riêng sàn kỳ hạn robusta, giá vắt. Cấu trúc giá bất ngờ thay đổi và khuynh hướng tăng đang chủ đạo. Vì nếu như không tăng, cũng ép nó làm sao phải tăng.

Cái trớ trêu cho hạt cà phê Việt Nam đang còn nằm các tỉnh là ít có cơ hội để bán kịp tranh thủ khi giá tăng. Mặt khác, đây là điều đã được dự đoán nên các quỹ đầu cơ và những tay đầu nậu đã chuẩn bị trước để một mình hưởng lợi về giá, mang tính tài chính hơn là cung-cầu.

Cái trớ trêu là vắt giá nhưng giá nội địa vẫn chưa đủ mạnh để người còn hàng trữ bán với mức hòa vốn. Nên ở mức này, nếu bán cũng chỉ để cắt lỗ.

Cái trớ trêu nữa là bán hay giữ hàng đợi tiếp. Như bạn đọc biết, vắt giá là một cơ hội tốt nhất để bán hàng tồn kho vì người bán sẽ hưởng lợi trên giá cao nếu như giao hàng ngay. Vì với cấu trúc vắt giá kiểu này, rất nhiều người hy vọng giá sẽ còn cao hơn và muốn thi gan với rủi ro. Tuy nhiên phần lợi nhuận chắc chắn sẽ không nhiều vì sẽ vào tay đầu cơ và đầu nậu tài chính, có chăng chỉ là những mảnh rơi vãi của miếng bánh!

Cái trớ trêu nữa là giá tăng trong khi vụ mùa mới gần kề, tin đồn hàng tồn vụ cũ còn nhiều. Đúng sai chưa cần biết nhưng nếu qua đợt vắt giá làm giá tăng, nếu bán mạnh, sẽ lộ ra rằng “hóa ra hàng tồn còn nhiều” và số phận giá robusta sẽ bị quyết định như thế nào thì bạn đọc quá rõ. Nếu trữ hàng lại, nhỡ như kinh nghiệm “đau thương” năm ngoái thì sao?

Trong khi nhiều bản tin cho rằng Brazil mất mùa, sản lượng robusta giảm (nhưng xin lưu ý rằng có giảm gì chăng nữa, sản lượng robusta của họ lớn thứ nhì thế giới, phải môt nửa hay hơn một nữa sản lượng robusta Việt Nam), thì báo cáo lượng tồn kho của Hiệp hội Cà phê nhân của Mỹ (GCA) tăng mạnh trong tháng vừa qua. Chắc chắc trong lượng tồn kho ấy, tuyệt đại bộ phận từ Brazil đi.

Theo báo cáo định kỳ của GCA, tồn kho cà phê vùng Bắc Mỹ đến hết tháng 7-2015 tăng 6,77%, lên mức 5,9 triệu bao (60 kg x bao). Đó là chưa tính chừng 2 triệu bao còn trên đường trung chuyển hay nằm tại các cơ sở chế biến, tương đương với 16 tuần tiêu thụ thoải mái mà không cần nhập khẩu một hạt nào.

Khi đang viết bài này, có tin rằng Ngân hàng nhà nước VN co quyết định nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá VND với USD, từ 2% lên 3%.

Dự kiến sàn robusta Ice robusta London tháng 11-2015 mở cửa chiều 19-8 tăng khá đến nhẹ.

Khuynh hướng: Tốt cho London – Trung tính cho New York

Nguyễn Quang Bình

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

78