Sáng nay (24/7), giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 400 đồng, xuống ở mức 35.500 – 36.000 đồng/kg.
Thị trường London:
Trên sàn kỳ hạn ICE Europe, giá cà phê Robusta đảo chiều sụt giảm. Kỳ hạn giao tháng 9 giảm 20 USD, tương đương giảm 1,2 %, xuống 1.661 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 11 giảm 18 USD, tương đương giảm 1,07 %, còn 1.677 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2016 giảm 17 USD, tương đương giảm 1%, còn 1.694 USD/tấn, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch rất thấp dưới mức trung bình.
Thị trường New York:
Trên sàn kỳ hạn ICE US, giá cà phê Arabica có thêm phiên thứ bảy giảm liên tiếp. Kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 3,5 cent, tức giảm 2,8 %, xuống 121,55 cent/lb, kỳ hạn giao tháng 12 cũng giảm thêm 3,5 cent, tức giảm 2,72 %, còn 125,05 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2016 cũng giảm thêm 3,5 cent, tức giảm 2,72 %, còn 128,7 cent/lb, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Đồng Reais Brasil sụt giảm xuống mức thấp nhất 12 năm trong rổ tiền tệ được cho là nguyên nhân làm cho giá cà phê kỳ hạn thế giới tiếp tục suy yếu phiên vừa qua. Giá cà phê Arabica trên sàn New York đã xuống ở mức thấp một năm rưỡi.
Trong khi giá cà phê Robusta kỳ hạn sụt giảm, theo chuyên gia Jack Scoville của Price Futures ở Chicago, có vẻ như những nhà sản xuất cà phê Đông Nam Á đã chấp nhận một phần mức giá hiện nay nhằm để duy trì thị phần của mình.
Kinh tế vĩ mô thế giới có dấu hiệu chững lại khiến cho sức tiêu thụ cà phê toàn cầu không như kỳ vọng trong bối cảnh nguồn cung vẫn gia tăng đều đặn. Trong một động thái nhằm xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết cần phải nâng cao sức tiêu thụ cà phê không chỉ ở các thị trường truyền thống hay thị trường mới nổi mà ngay cả ở các nước sản xuất cà phê hàng đầu.
Báo cáo của ICO đã dẫn ra 3 nước sản xuất cà phê lớn là Ấn Độ, Indonesia, Mexico có dân số khoảng 1,5 tỷ nhưng tiêu thụ hàng năm chỉ vào khoảng 5 triệu bao. Một quan chức ICO cho rằng chỉ cần 3 quốc gia này tiêu thụ cà phê như người Mỹ hay Brasil thì cả thế giới sẽ phải nhịn vì không còn hạt cà phê nào. Và nếu người Trung Quốc thay đổi truyền thống uống trà thì… điều gì sẽ xảy ra ?!
Một khảo sát mới nhất của Technavios cho biết tiêu thụ cà phê tại Brasil sẽ tăng trưởng hàng năm khoảng 1,19 % trong bốn năm tới, sẽ là mối đe dọa lâu dài nguồn cung từ Brasil cho các thị trường tiêu dùng, mặc dù sản lượng cà phê của quốc gia hàng đầu sẽ đạt khoảng 60 triệu bao mỗi năm.
Dữ liệu báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải Quan Việt Nam cho biết xuất khẩu cà phê 15 ngày đầu tháng 7/2015 đạt 53.532 tấn (khoảng 89.000 bao), xấp xỉ mức trung bình tính từ đầu năm tới nay, cho dù thị trường nội địa vẫn tỏ ra im ắng vì giá thấp.
Sáng nay (24/7) Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 400 đồng, xuống ở mức 35.500 – 36.000 đồng/kg.
Anh Văn (giacaphe.com)
Theo bản tin thì thị trường cà phê nội địa tỏ im ắng vì giá thấp, nhưng xuất khẩu 15 ngày đầu tháng 7 vẫn ở mức trung bình cho thấy cà phê đi từ kho của DN XK hay DN FDI được bà con ký gửi thẳng xuống cảng mà không tham gia giao dịch thị trường. Còn nghe nói mức giá XK bình quân kỳ này trên 2.000 Usd/tấn.
@Tân BL : năm này hàng ra chậm nên chế biến chất lượng cao là nhiều nên giá cao hơn .
Giá cà phê thế này chắc không đủ chi phí, diện tích tái canh chắc cũng trồng tiêu hết. Với giá này chắc thu xong còn ít chặt luôn trồng tiêu luôn.