Cà phê ở xứ cà phê

Cà phê là đặc sản của cao nguyên Đắk Lắk với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng. Ở vùng đất vốn được mệnh danh là xứ sở của cây cà phê này, cà phê là một thứ đồ uống rất đỗi quen thuộc, không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của nhiều người. Cách thưởng thức cà phê ở đây cũng mang một vẻ rất riêng, bình dị, chân chất mà cũng rất lãng mạn, thi vị.

Ở những nơi quanh năm nóng bức như TP.HCM, Nha Trang… người ta thường hay uống cà phê đá. Cà phê được pha sẵn trong bình lớn, khi có khách, chủ tiệm mới rót ra ly. Cho đường vào, đánh lên cho sủi bọt rồi bỏ đá đầy ắp, cắm thêm cái ống hút, thế là xong một ly cà phê. Cà phê kiểu đó cũng có cái hay riêng, phù hợp với cuộc sống sôi động, hối hả nơi đô thị.

Ở Đắc Lắc, tất nhiên cũng có đủ cà phê đá, cà phê sữa, cà phê sữa đá… nhưng cà phê nóng được ưa chuộng hơn cả. Bởi ở đây tuy cũng chỉ có hai mùa mưa nắng nhưng dù là mùa nào buổi sáng bao giờ cũng mát mẻ, trời se se lạnh. Và người ta thường chỉ uống cà phê đen pha phin theo kiểu truyền thống “cái nồi ngồi trên cái rế”.

ca-phe-daklak

Những hôm trời lạnh, người ta còn để ly cà phê trong chén nước sôi để cà phê được ủ nóng. Cà phê đen bỏ ít đường. Có như vậy mới được tận hưởng vị cà phê nguyên chất với mùi thơm rất đặc trưng, không bị vị ngọt của đường, vị béo của sữa lấn át. Cà phê đặc sánh, uống hết rồi mà thành ly vẫn còn keo dính một lớp nâu nhạt. Đó mới là một ly cà phê đích thực ở xứ cà phê.

Những sớm mai tĩnh lặng, cái tĩnh lặng vốn có của cao nguyên, ngồi bên ly cà phê đang thánh thót nhỏ giọt, ta tự nhiên cảm thấy thư thái đến lạ. Chờ cho cà phê chảy hết, cầm cái thìa nho nhỏ xinh xinh xúc một chút đường trắng tinh trong chiếc đĩa cũng nhỏ, bỏ vào ly, thong thả khuấy đều lên. Hương cà phê thơm thơm nóng ấm, phảng phất, lan tỏa. Nhấp một chút, vị cà phê thấm vào đầu lưỡi, lưu luyến mãi ở đó. Thật sảng khoái.

Uống cà phê không thể vội vàng, uống lấy được. Phải thong thả, nhâm nhi từng chút một… Bởi cà phê không phải là thức uống để cầu no mà cốt là để có được những giây phút thư giãn, mơ mộng, bình yên trong tâm hồn.

Buôn Ma Thuột, như người ta vẫn gọi, là thành phố của cà phê và gió ngàn. Quán cà phê ở đây cũng thật lắm hình nhiều vẻ. Cà phê bình dân, cà phê nhạc, cà phê sân vườn, cà phê Internet, cà phê văn phòng… Mỗi quán một phong cách phù hợp với những đối tượng khách khác nhau: sinh viên, công chức, viên chức, giới nghệ sĩ, người làm nghề tự do… nhưng đều có không khí chung là khá tĩnh lặng, không ồn ào, xô bồ.

Tôi ghé vào một quán cà phê nhỏ trên đường N’Trang Lơng, gần Ngã Sáu (thành phố Buôn Ma Thuột). Đây là quán bình dân, bài trí đơn giản. Vài bức tranh phong cảnh treo tường, mươi bộ bàn ghế nhựa. Trời vẫn còn sớm. Đường phố thưa thớt người qua lại nhưng trong quán đã khá đông khách. Khách cũng đủ các thành phần: người chạy xe thồ, sinh viên, công chức…đủ cả. Có cả những người mới đi tập thể dục sáng về.

Họ ngồi thưởng thức cà phê trước khi bắt đầu một ngày làm việc. Người lặng lẽ trầm tư, người đọc báo, người chuyện gẫu. Nhạc trong quán mở vừa phải. Cà phê ở Buôn Ma Thuột là vậy, nhẹ nhàng yên lặng mà không gò bó, mọi người đều cảm thấy thoải mái như ở nhà mình.

Các quán cà phê ở những phố huyện, những chợ xóm chợ xã của nông thôn Đắc Lắc thì không thế. Một mái tôn vẩy ra trước hiên nhà, một gian nhà nhỏ vài ba chục mét vuông, thậm chí có khi chỉ là mấy tấm tôn che tạm dưới gốc cây đầu xóm… là thành quán cà phê. Không cầu kỳ kiểu cách, giản dị như những người dân quê chất phác. Ở đây, uống cà phê sáng là nhu cầu của nhiều người.

Chẳng nhiều nhặn gì, chỉ cần 3.000 – 5.000 đồng là đã có được một ly cà phê thơm ngon phục vụ tận bàn, kèm theo là một bình trà nóng miễn phí. Những người nông dân sáng sớm trước khi ra ruộng, rủ nhau cà phê cái đã. Anh cán bộ xã trước giờ đến trụ sở cũng ghé vào. Toàn người quen biết cả. Mọi người uống cà phê, trò chuyện với nhau chuyện nhà cửa, chuyện mùa màng thời vụ, cả những bình luận về trận bóng đá trên tivi đêm qua. Ồn ào cười nói. Người ta đi uống cà phê không phải chỉ để thỏa mãn một nhu cầu vật chất mà quan trọng hơn là còn để được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ.

Trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, cà phê được coi như một mặt hàng xa xỉ, chỉ dành cho những người khá giả. Bây giờ, không chỉ riêng Đắc Lắc, cà phê đã có mặt ở khắp nơi, trở thành một thức uống bình dân rất phổ biến. Và cà phê đã được nâng lên một tầm mới, trở thành văn hóa – văn hóa cà phê.

>> Uống cà phê theo phong cách của người Êđê

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng