Xuất khẩu ít, giá không tăng!
Trong tháng 6-2015, Tổng cục Thống kê (TCTK) ước nước ta xuất khẩu chừng 110.000 tấn cà phê. Con số này cũng chính là số bình quân xuất khẩu cà phê hàng tháng trong 9 tháng đầu niên vụ từ 1-10-2014 đến 31-05-2015.
TCTK ước cả 9 tháng đầu niên vụ nước ta xuất khẩu 985.000 tấn, như vậy bình quân hàng tháng là 109.500 tấn, hãy nói tròn số 110.000 tấn.
Hiện nay, lượng cà phê được cấp giấy chứng nhận chất lượng được đấu giá trên sàn robusta London hầu hết đều từ Brazil. Vì trong số 43.860 tấn được đấu giá tuần qua trên sàn London, cà phê Việt Nam chỉ góp mặt 210 tấn. Hy vọng lượng cà phê của VN được cấp giấy chứng nhận chất lượng sàn này sẽ nhiều hơn trong những ngày tháng tới nhờ cấu trúc vắt hiện nay.
Nếu đồng ý, ta ước trong kho khách mua nước ngoài vẫn đang giữ chừng 240.000 tấn nhập kho bán FOB nhưng chưa xuất khỏi nước. Dĩ nhiên đây chỉ là con số ước thay đổi tùy con số riêng bạn có. Nếu cao hơn, hàng xuất khỏi nước sẽ ít hơn và ngược lại.
Như vậy, khối lượng thực xuất qua lan can tàu FOB trong 9 tháng đầu niên vụ chỉ 745.000 tấn hay bình quân hàng tháng chỉ 90.000 tấn.
Nhiều người đặt câu hỏi xuất khẩu chừng ấy là vừa, nếu nhiều hơn, giá rớt thì sao? Nhưng họ không đặt câu hỏi ngược lại tại sao ta xuất khẩu ít hơn, giá vẫn không tăng?
Vì trong các mùa trước, khi ta xuất bình quân hàng tháng chừng từ 125.000-135.000 tấn/tháng giá vẫn đứng mức cao.
Vì sao?
Tồ Chức Cà phê Thế giới (International Coffee Organization – ICO) tại báo cáo định kỳ hàng tháng mới nhất cho biết xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 8 tháng đầu niên vụ này đạt arabica 44,97 triệu bao và robusta 27,34 triệu bao. Tính bình quân hàng tháng riêng robusta chừng 205.000 tấn. Nhưng cũng theo ICO, lũy kế xuất khẩu toàn cầu 12 tháng đến hết ngày 31-05-2015 ước đạt arabica 67,26 triệu bao và robusta 43,35 triệu bao tương đương với bình quân hàng tháng 217.000 tấn/tháng.
Không tính robusta mất thị phần do arabica chiếm lĩnh, cứ cho hàng tháng toàn cầu xuất khẩu chừng 210.000 tấn robusta.
Do nhiều yếu tố như giá thị trường, tin đồn thời tiết, đầu cơ, mất mùa…chúng ta xuất lượng thấp hơn trước, thay vì 125-135.000 tấn thì nay chỉ 90.000 tấn thực xuất hàng tháng.
Lượng 20.000 tấn/tháng được các nhà nhập khẩu giữ lại trong kho tại Việt Nam để khi thấy có lời thì bán ra cho bạn hàng trong nước, đúng số lượng này được Brazil trám chỗ.
Lúc giá nội địa chừng mức 39-40 triệu đồng/tấn ta không bán, nhưng có lúc nhiều doanh nghiệp phải chốt giá chặn lỗ quanh mức 35 triệu đồng/tấn. Cứ lấy số tiền lô 5 triệu đồng tấn nhân cho 240.000 tấn trong kho, số tiền thua lỗ vì trữ hàng lớn biết dường nào. Nhưng đó chỉ là số thấp nhất vì đáng ra khi thuận giá ta có thể bán với lượng nhiều hơn.
Khó khăn, vướng chỗ nào?
Thảo nào trong báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT mới nhất nói rằng xuất khẩu 6 tháng đầu năm xuất khẩu cà phê giảm 35,8% về khối lượng và giảm 35,1% về giá trị. Kim ngạch xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu 2015 chỉ đạt 1,42 tỉ USD.
Những câu hỏi được đặt ra trước làn sóng cạnh tranh ào ạt của các nước xuất khẩu cà phê cũ và mới, nên chăng phải tìm hướng cho một cách mua bán mới, trọng bạn hàng tiêu thụ hơn bạn hàng dùng hạt cà phê của ta để mua bán đầu cơ tài chính, khuyến khích xuất khẩu hàng đã mua ra khỏi nước nhanh nhất có thể thay vì giữ trong nước để tìm cách mua bán lòng vòng ăn chênh lệch, từ đó cấy tâm lý đầu cơ trữ hàng dưới dạng ăn thua, đánh bạc, gây thua lỗ lớn cho doanh nghiệp, nông dân và làm nguy hại thực sự đến kim ngạch xuất khẩu và thị phần xuất khẩu của hạt cà phê Việt Nam.
Như vậy, khó khăn nhất trong xuất khẩu cà phê là vướng ở cách làm, cách mua bán, cách nhìn nhận thị trường của doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Nguyễn Quang Bình