Giá cà phê chịu sức ép trước tin được mùa (ngày 21/05/2015)

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đẩy mạnh chương trình kích cầu, bơm  vốn sớm và mạnh hơn cho các nước sử dụng đồng euro (eurozone), nỗi lo Hy lạp vỡ nợ lại trở về, phát biểu của bà chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến vào ngày mai thứ Sáu 22-5, cộng thêm với đà tăng theo kỹ thuật, đồng USD được nước tăng lên mức cao nhất tính từ 15 ngày nay, đó là các yếu tố vĩ mô tạo nền cho giá cà phê hôm nay.

Theo chân nhiều sàn hàng hóa khác đứng trước sức mạnh giá trị đồng USD trong ngày, giá trên hai sàn kỳ hạn cà phê arabica giảm nhưng đi quá trớn.

Nhiều chuyên gia cho rằng sở dĩ giá cà phê giảm hơn các loại hàng hóa khác có thể do ảnh hưởng các dự báo sản lượng cà phê bằng hoặc lớn hơn trước của nhiều nước sản xuất cà phê trong niên vụ mới đang và sẽ ra năm nay do cấp tùy viên thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) báo cáo.

USDA cho biết  sản lượng cà phê niên vụ 2015/16 của Uganda tăng lên 3,8 triệu bao so với niên vụ 2014/15 chỉ 3,55 triệu bao. Uganda là nước chuyên xuất khẩu robusta loại tốt. Sở dĩ sản lượng lớn hơn nhờ cây cà phê hồi phục sau đợt khô hạn năm ngoái. Nước Tanzania cũng có sản lượng cà phê tăng lên mức kỷ lục là 1,2 triệu bao từ mức cũ là 970.000 bao. Còn tại Kenya, sản lượng cà phê vụ tới không đổi, chừng 900.000 bao.

Hiện nay, tâm lý thị trường hình như đang bị đè nặng bởi các ước báo được mùa của nhiều nơi trên thế giới trong năm nay do USDA phát hành. Giá cà phê từ hai ngày qua quay đầu xuống để đóng cửa, ngày 20-5 mất tiếp 25 USD chỉ còn 1725 USD/tấn trên sàn robusta và arabica cũng giảm thêm 3.85 cts chỉ còn 136 cts/lb.

Như vậy, báo cáo của USDA cho rằng nhiều nước sản xuất cà phê trên thế giới được mùa như Brazil, Colombia, Indonesia, Ấn độ và ba nước châu Phi nói trên. Cho đến giờ này, người viết chưa có trong tay dự báo của USDA về sản lượng cà phê Việt Nam, nhưng Hiệp hội Cà phê Việt Nam đã dự đoán vụ mùa hiện hành mất mùa 20% do khô hạn và vụ mùa tới cũng mất mùa nữa do hạn hán. Tháng 3-2015, Volcafe dự báo sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2015/16 tăng thêm 3,2 triệu bao lên 30,6 triệu bao, trong khi đó Vicofa mới đây nói chỉ chừng 22,2 triệu bao.

Không phải là phi lý khi đánh giá cà phê Việt Nam mất mùa. Suy cho cùng, nước ta thực hiện chương trình tái canh trễ, nên đánh mất một điểm thi đua về tái canh cây cà phê trong trào lưu chung của thế giới.

Brazil đã thực hiện chương trình này từ mươi năm nay. Họ di chuyển cây cà phê từ vùng cao dễ bị tổn thương do sương giá xuống vùng thấp hơn, di chuyển vùng trồng từ phía bắc lạnh giá về phương nam ấm hơn, nên cây vừa trẻ, vừa được năng suất vừa tránh được thiệt hại do giá lạnh mang đến. Colombia cũng thực hiện xong tái canh và thời gian này đang nhận thành quả. Tại nhiều nước Trung Mỹ, do bệnh thối lá, nhiều nước cũng đang thực hiện tại canh từ vài năm nay.

Dự báo sản lượng cà phê của USDA thường có ảnh hưởng nhất định đến giá cả thị trường.

Trong khi đó, Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) lại dự đoán do Brazil mất mùa, niên vụ 2015/16 của thế giới sẽ thiếu hụt chừng 4-5 triệu bao và vì thế tồn kho đầu kỳ của năm sau sẽ giảm. Tuy nhiên, thị trường lại cho rằng  ICO chỉ thu thập con số báo cáo của thành viên, thường họ hay nói nhỏ đi. Theo một số nhà phân tích có kinh nghiệm, “chắc ăn là dựa trên con số xuất khẩu cũ và đợi vài tháng có con số xuất khẩu mới, bấy giờ thị trường sẽ phản ánh lên giá ta sẽ có con số khá chuẩn mà khỏi phải cãi cọ chi nhiều”.

Về kỹ thuật, giá hai sàn kỳ hạn chuyển sang thế yếu khi arabica đóng cửa mất mốc 140 cts/lb và robusta chỉ còn 1725 đô la/tấn. Rất khó để nói giá robusta đừng xuống quá mức 1716 và arabica dứt khoát phải trên 134 cts/lb mới thoát khỏi sức ì.

Dự kiến sàn kỳ hạn robusta IE mở cửa chiều thứ Năm 21-5 từ giảm nhẹ đến không đổi.

Khuynh hướng chung

  • Arabica: Yếu/Trung tính
  • Robusta: Yếu/Trung tính

Nguyễn Quang Bình

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Lão Nông

    Trong giai đoạn này, diễn đàn chúng ta nên tập trung vào cùng nhau thảo luận trao đổi về kỹ thuật chăm sóc cho cây cà phê sẽ tốt hơn. Theo tôi với tập hợp nhiều khó khăn như hiện nay thì vài năm nữa cho dù giá trị: 1kg cà nhân = 1 kg tiêu cũng không có cà phê để mà bán ra!?

  2. Phan Thảo

    Chào bạn Nguyễn văn Thẳng ! Để trả lời cho câu hỏi của bạn là điều không dễ và rất cần thời gian .Nhưng nếu thật sự bạn muốn biết xin bạn chịu khó đọc vài bình luận của tôi trong các phản hồi các bài viết của anh Bình . Hy vọng bạn sẽ được giải thích và hiểu rõ tại sao ca phê lại giám giá như thế ! Chính tôi đã cảnh báo sau bài viết của anh Bình là : Giá ca phe nguy ngập lắm rồi ! Ngay từ đầu tháng cơ bạn .

  3. anhdung

    Trong nhiều bài viết Bác Bình hay nhấn mạnh cụm từ xuất khẩu cà phê của Việt nam bị “nghẽn mạch”, mà chỉ mua bán lòng vòng trong nước với thời gian kéo dài cho nên khả năng dễ bị “tai biến ” ! (có lẽ vụ mùa cà phê vừa qua chúng ta đã thực hiện tinh thần “Toàn dân kháng chiến” cao nhất từ trước đến nay là vì giá đầu vụ cao , cộng với mất mùa và thông tin hạn hán tại Brazil , đồng đô la Mỹ biến động lớn …cho nên hiện nay đều bị mắc kẹt mà không thoát ra được).

  4. nguyenquy

    Không biết 3 năm nữa Việt Nam xếp thứ bao nhiêu về xuất khẩu cà phê? Cứ cái đà này thì người trồng cà phê sẽ chết đói vì chi phí đầu vào cho cây cà phê lớn hơn đầu ra.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

76