Cà phê cháy lá giữa mùa khô khốc liệt ở Tây Nguyên

Nắng nóng kéo dài tại các tỉnh Tây Nguyên nhiều tháng qua, khiến các vùng trồng cà phê chết cháy trong cơn hạn.

Bài đăng trên báo Tuổi Trẻ, click vào đây để xem bài viết gốc.

Một vườn cà phê của người dân xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ) đang chết cháy vì khô hạn kéo dài, thiếu nước tưới – Ảnh: TẤN LỰC

Tại nhiều địa phương ở tỉnh Gia Lai, nhiều tháng qua không có một cơn mưa khiến cà phê chết cháy, đây là điều chưa từng có trong nhiều năm qua.
Ngày 24-4, PV Tuổi Trẻ Online ghi nhận tại vùng trồng cà phê xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ), nhiều rẫy cà phê cháy lá do thiếu nước.
Từ hơn một tháng qua, nguồn nước các sông suối cạn kiệt, sau đó nguồn nước giếng khoan cũng tụt dần.

Không khó bắt gặp tình cảnh cây cà phê chết cháy tại nhiều nơi ở Tây Nguyên mùa khô hạn năm nay – Ảnh: TẤN LỰC

Người trồng cà phê chỉ biết bất lực đứng nhìn những vườn cây đang dần chết khát.

Gia đình chị Kpuih H Yít (34 tuổi) – ở làng Ấp, có hai mảnh vườn với 600 gốc cà phê đang héo rũ trong nắng hạn – bảo từ khi suối khô cạn, vườn cà phê sống nhờ nước giếng khoan xin của vườn hàng xóm.

Nhưng tới nay do bơm tưới liên tục, giếng khoan cũng hụt nước. Vườn cà phê đang đợt ra hoa, bị cắt nước héo rũ rồi chết cháy, không trông mong đậu quả.

Nhiều rẫy cà phê của đồng bào tại xã Ia Kriêng đã héo lá, đang chết dần do khô hạn – Ảnh: TẤN LỰC
Khô hạn kéo dài, nguồn nước ngầm sinh hoạt của người dân huyện Đức Cơ (Gia Lai) cũng gặp khó khăn – Ảnh: TẤN LỰC

Cách nhà chị Kpuih H Yít không xa, mấy trăm gốc cà phê của hai chị em Rơ Mah H Blui (31 tuổi) cũng lâm cảnh tương tự.

Đang ngồi nói chuyện với phóng viên, chị đứng dậy với tay bật công tắc máy bơm nước giếng khoan. Sau khi “khạt” ra 3 xô nước trong chưa đầy 2 phút, chiếc máy bơm kêu o o, rồi tắt nước.

Chị bảo nguồn nước sinh hoạt, tắm giặt cho gia đình còn đang thiếu, không dám nghĩ việc tìm nước cứu cây cà phê.

Theo TẤN LỰC (báo Tuổi Trẻ)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông Dân

    Ở Đăk Nông tôi thấy nhà nào cũng kêu cháy trái non nhiều lắm. Nhiều vườn thì chết luôn cây rồi. Nắng gắt quá trái cà phê không lớn nổi, kiểu này tới mùa mưa chắc cũng rụng vãn, cuối năm thu hoạch chắc trái cũng bé với lại tỉ lệ một nhân nhiều.

  2. Liêu

    Hằng năm, năm nào cũng có bão vậy mà thà rằng mỗi năm huy động cả bộ máy bào chống bão, tại sao chúng ta kg xây dựng phương pháp, biện pháp chống bão để cho chính quyền đỡ mất thời gian, kinh phí hàng năm. Còn vấn đề nước, làm theo cách chữa cháy thì bảo giờ chúng ta mới chủ động được.

  3. Khả Đỗ Đức

    Nguyên nhân gốc rễ là do phá rừng, không còn rừng giữ nước đầu nguồn. Khoan giếng làm cho tầng nước ngầm bị tụt sâu. Tại các nương rẫy, chỉ còn độc vanh cây tròing không còn cây cao che bóng mát. Nếu không tái canh và trồng rừng để giữ nguồn nước, tạo môi trường xanh thì vài năm nữa tình trạng khô hạn sẽ rất nghiêm trọng đe dọa đời sống của người dân và phát triển kinh tế. Chưa thấy lãnh đạo nào của các tỉnh Tây Nguyên yêu thích rừng, quyết liêt chóng phá rừng, bảo vệ rừng và có chiến lược phát triển lại rừng đã bị tàn phá.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83