Trong tuần 13, giá cà phê Robusta giảm 10 USD/tấn, tương đương giảm 0,56 %, giá cà phê nhân xô giảm 100 đồng/kg, tương đương giảm 0,26 %, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tăng 2,7 cent/lb, tức tăng 1,95 %, mức tăng đáng kể.
Tổng hợp Thị trường cà phê tuần 13 (30/3 – 04/4/2015)
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm, cũng là phiên cuối tuần do phiên giao dịch ngày thứ Sáu cả hai thị trường kỳ hạn thế giới nghỉ Lễ Ngày Thứ Sáu Tốt Lành (Good Friday), giá cà phê thế giới tăng vọt.
Trên sàn kỳ hạn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta tăng liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng thêm 28 USD, tức tăng 1,57 %, lên 1.778 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 26 USD, tức tăng 1,44 %, lên 1.804 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 24 USD, tức tăng 1,32 %, lên 1.825 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, trên sàn kỳ hạn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng có phiên thứ ba tăng liên tiếp. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 6,05 cent, tức tăng 4,29 %, lên 140,9 cent/lb, kỳ hạn giao tháng 7 tăng 5,7 cent, tức tăng 3,97 %, lên 143,75 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cũng tăng 5,7 cent, tức tăng 3,89 %, lên 146,7 cent/lb, các mức tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng tiếp thêm 500 – 600 đồng lên ở mức 37.700 – 38.400 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, đứng ở mức 1.764 USD/tấn, FOB – HCM, với trừ lùi 30 – 40 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giảm 10 USD/tấn, tương đương giảm 0,56 %, giá cà phê nhân xô trong nước giảm 100 đồng/kg, tương đương giảm 0,26 %, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tăng 2,7 cent/lb, tức tăng 1,95 %, mức tăng đáng kể.
USD đột ngột đảo chiều giảm trong rổ tiền tệ trong khi đồng Euro, Reais Brasil, Yên Nhật, tăng mạnh đã giúp giá cả nhiều mặt hàng nông sản hồi phục, cho dù chỉ mới tuần trước nhà đầu cơ đã tháo chạy một cách nhanh chóng khỏi các thị trường.
Báo cáo thương mại tháng Hai của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng đã giảm tới 10,2 % so với cùng kỳ năm trước, và xuất khẩu 5 tháng đầu niên vụ cà phê 2014/2015 (tính từ tháng 10/2014 đến tháng 2/2015) giảm 2,7 % so với cùng kỳ niên vụ trước. Dữ liệu của ICO còn cho biết xuất khẩu trong tháng từ Brasil, Việt Nam, Uganda… giảm trong khi Ấn Độ, Indonesia, Honduras… tăng, còn Colombia hầu như không đổi.
Sự kiến đáng quan tâm trong tuần là Cơ quan Cung ứng và Dự báo Nông sản (Conab) trực thuộc bộ Nông nghiệp Brasil sẽ cho bán đấu giá cà phê dự trữ của Chính phủ, sau cuộc bán đấu giá thất bại tuần trước. Tuy nhiên, cuộc đấu giá tuần này đã được Nghị Sĩ Silas Brasileiro, Giám đốc Điều hành Hội đồng Cà phê Quốc gia (CNC) cùng với Liên đoàn Nông nghiệp và chăn nuôi Brazil (CNA) đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp can thiệp để Conab hũy bỏ cuộc đấu giá “vì đã gây ấn tượng rằng Brazil đang tồn kho với khối lượng lớn trong khi, trên thực tế, tồn kho của CNC được ghi nhận vào cuối tháng Ba, chắc chắn ở mức thấp nhất mọi thời đại của lịch sử cà phê Brasil”.
Được biết, sau hơn 10 năm bị khối sản xuất cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao Mỹ Latin phản đối vì chủ yếu được chế biến khô, kể từ tháng 03/2013 cà phê Arabica Brasil đã được ICE New York chấp thuận cho đưa lên sàn đấu giá với mức giá cố định trừ 9 %, trong khi cà phê các nước Mỹ Latin khác có mức giá cố định cộng khá cao, chẳng hạn Arabica Colombia cộng 12 %. Vì vậy, mức Conab đưa ra để đấu giá tuần trước 110 – 118 cent/lb tùy theo từng lô cũng không hề rẻ chút nào, huống gì cà phê đã cũ, chất lượng giảm sút vì dự trữ quá lâu, hơn 10 năm. Một nhà rang xay ở Brasilia cho biết đấu giá cà phê dự trữ của Chính phủ nhằm để bình ổn thị trường nội địa nhưng rõ ràng mục đích này đã không được hướng tới.
Một thông tin từ Trung Quốc cũng khiến thị trường quan tâm là quốc gia này có kế hoạch thành lập sàn giao dịch cà phê tầm cỡ thứ ba thế giới, (sau New York và London) tại tỉnh Vân Nam, đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm giao dịch, chứng nhận và thẩm định chất lượng cà phê cho khu vực châu Á.
Tỉnh Vân Nam hiện có gần 40.000 ha, chủ yếu trồng cà phê Arabica và dành phần lớn cho xuất khẩu.
>> Xem diễn biến giá cà phê tuần trước (tuần 12 từ 23/3 – 28/3)
Anh Văn (giacaphe.com)
Lâu rồi mới trở lại diễn đàn Y5CAFE, chúc cho BQT luôn mạnh khỏe, trang WEB ngày càng phát triển, chúc mừng cho thành công trong đợt triễn lãm hội chợ cafe vừa qua tại Dak Lak
Hôm qua cả Dak Lak đón cơn mưa vàng mừng quá, vậy là sau bao ngày nắng hạn cuối cùng một cơn mưa chờ mong cũng đã đến, bây giờ mong giá cafe nhích lên chút đỉnh nửa thì niềm vui thật tròn vẹn
Mưa đang đến gần, một số vùng đã có mưa, và có lẽ một tuần nữa mưa sẽ đều khắp, tuy vậy những ngày gần đây một số nơi ko có nước ăn, nước tưới cà phê 100 ngàn đồng/1 tiếng, và một số nơi không có nước cà phê héo nên dù có mưa vẫn ảnh hưởng năng xuất.
Tuần này mưa xuống có lẽ giá cà trên 40k. Giá cà thường không theo quy luật nào, và ko theo dự đoán nào song tôi nghĩ năm nào cũng vậy giá thấp mấy thì cũng có lúc lên trên 40k, nên nếu chua đủ 40k trở lên thì chưa nên bán.
Tôi thường góp ý kiến cho ban quản trị mạng để xây dựng trang web lớn mạnh, song ko thấy hồi âm, nên ko biết có nhận được hay không và ý kiến của tôi có được lắng nghe không.
Chào bạn Hieudkl,
Đa số ý kiến của bạn đều được đăng tải và Ban Quản trị đã lưu lại những góp ý của anh để phục vụ cho việc xây dựng và phát triển diễn đàn.
Thân chào anh.
Hy vọng tháng 4 này cà phê tăng giá cho bà con bớt khổ. Tôi thấy một số nhà trụ không nổi đã bán với giá này, đáng tiếc mất công dự trữ nhưng hết vốn đành phải chịu, nợ nần lại đổ lên vai người lao động. Mất mùa rớt giá thật xót xa.
Tham vọng mở Sàn giao dịch cafe của anh Tàu khựa cũng đáng nể thật, tôi nghĩ anh ta sẽ thành công nhờ vào cơ chế hợp lý, thông thoáng trong khi mình cứ lẩn quẩn.
Quan trọng là thiếu niềm tin vào cơ chế và trách nhiệm.
Mưa đây, mưa đó thì mưa.
Còn tui ở giữa trời chừa tui ra.
Tân lâm, Di linh trời vẩn chưa mưa. Tưới 300k /1h, khốn khổ thật.