Nông dân ta, nông dân tây

Brazil đứng đầu thế giới về sản xuất cà phê, còn Việt Nam đứng thứ hai. Tuy thế, chúng ta đã từng và có khả năng sẽ tiếp tục là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới.

Cái sự đứng đầu này không có gì để mà đáng tự hào cả, ngược lại là điều đáng lo, khi được báo chí trong nước hồ hởi loan tin lượng cà phê xuất của Việt Nam đã vượt cả Brazil kèm với niềm phấn khởi bởi sự tiến bộ của nông nghiệp nước nhà song bên cạnh đó cũng cho thấy một điều chúng ta có thói quen rất muốn tiến lên hàng đầu, mặc dù:

Hàng đầu chẳng biết đi đâu
Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi

Người viết xin dẫn ra đây 3 yếu tố khác nhau giữa hai nền công-nông nghiệp cà phê Việt Nam và Brazil. Đành rằng những yếu tố như lịch sử, tập quán, điều kiện phát triển của hai đất nước không giống nhau, tuy nhiên có nhiều điều về mặt chủ quan chúng ta có thể học được từ họ.

1 – Brazil đứng hàng thứ hai về tiêu thụ

Hàng năm, người Brazil tiêu thụ khoảng 50% sản lượng, chỉ đứng sau Mỹ. Có thể nói một cách chủ quan rằng đất nước sản xuất cà phê hàng đầu này vui vẻ xếp ở vị trí thứ hai về xuất khẩu bởi họ biết lượng tiêu thụ nội địa là một hậu phương vững chắc cho người nông dân cà phê vì người mua nước ngoài phải cạnh tranh với những nhà rang xay nội địa, điều đó giúp cho nông dân rộng đường hơn trong việc chọn ai để mà bán. Chính phủ Brazil có những chính sách thuế khá mềm dẻo để khuyến khích nền công nghiệp rang xay, cà phê hòa tan phát triển. Brazil đánh thuế nhập khẩu 10% đối với cà phê nhân hay rang xay và 16% đối với cà phê hòa tan. Điều đáng nói là mức thuế 10% đối với cà phê nhập vào Brazil cũng bằng với mức thuế 10% mà Việt Nam đang đánh vào những nhà rang xay nội địa của chính mình.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới  viết năm 2004 đã đánh giá Việt Nam có tiềm năng tiêu thụ cà phê nội địa rất lớn vì nước ta có truyền thống uống cà phê, đâu đâu cũng dễ dàng tìm thấy quán cà phê. Đáng buồn là sau 10 năm, tình hình tiêu thụ cà phê nội địa cũng không có gì thay đổi, lượng cà phê tiêu thụ nội địa chỉ chiếm khoảng 5 – 7%. Theo tính toán của người viết, nếu lượng tiêu thụ nội địa của chúng ta chỉ nằm ở khoảng 30% sản lượng, thì doanh thu hàng năm cho ngành rang xay sẽ vào khoảng 7 – 10 tỷ USD – gấp 2,5 đến 3 lần tổng giá trị xuất khẩu cà phê hàng năm.

Thực vậy, ngành sản xuất rang xay và chế biến cà phê hòa tan mang lại doanh thu khủng, lớn hơn nhiều lần giá trị ban đầu, nhưng hiện nay khi đăng ký kinh doanh ngành rang xay cà phê thì sẽ được liệt vào loại: sản xuất thực phẩm khác, chưa được phân vào đâu với mã ngành là 1079. Người trong nghề cà phê khó hiểu nổi vì sao một ngành nghề nổi tiếng hàng trăm năm trên thế giới, có tiềm năng mang lại vài chục tỷ dollar hàng năm lại bị liệt vào mục chưa biết phân vào đâu?

Minh họa giấy phép kinh doanh cà phê rang xay...
Minh họa giấy phép kinh doanh cà phê rang xay…

Tư thế của một người đến mua và người đứng bán cà phê ở đất nước chỉ có vài phần trăm tiêu thụ nội địa so với một đất nước một nửa sản lượng được các nhà rang xay nội địa chào mua là hoàn toàn khác nhau. Do đó, các chính sách hỗ trợ các nhà rang xay, chế biến sâu trong nước để bước đầu họ có thể đứng vững và có thời gian tích lũy xây dựng nền tảng nhằm phát triển công nghệ trong tương lai cũng chính là giúp cho nông dân cà phê song hành trong một cơ chế bền vững dài lâu.

2 – Brazil có hợp tác xã nông dân cà phê lớn nhất thế giới

Cooxupé là Hợp tác xã lớn nhất thế giới, được tập hợp từ những nông dân nhỏ, 80% thành viên của Cooxupé là những nông dân sở hữu diện tích không lớn. Ở Brazil,  có ít hơn 20ha thì được xem là nông dân nhỏ. Với khoảng 12.000 thành viên sở hữu 202.608ha, nắm giữ trung bình 1/10 sản lượng của toàn quốc nhưng tiếng nói của họ nhiều khi làm rung chuyển giá cà phê thế giới. Đây là một bài học về sự đoàn kết có định hướng dựa cơ chế minh bạch và luật lệ vì quyền lợi chung. Cooxupé ngày nay cũng là nhà xuất khẩu cà phê có chất lượng cao và số lượng lớn nhất thế giới với một mạng lưới các kho hàng, các chi nhánh đại diện, các trạm tiếp nhận hàng xuyên suốt ở các vùng trồng. Một trong những chức năng quan trọng của Hợp tác xã này ngoài việc dàn xếp tài chính cho nông dân, là họ còn cung cấp hỗ trợ các vấn đề của nông nghiệp, cây trồng, cung cấp dữ liệu thời tiết, phân tích đất đai từ những nhà nông học v.v…

Từ những thông tin trên, chúng ta có thể hiểu vì sao nông dân Brazil thường bán hàng ra vào những dịp giá rất tốt, phản ứng của họ nhanh nhạy và hàng loạt, chính là nhờ sự liên kết từ những thành phần thấp cổ bé họng  ấy để trở thành một tổ chức lớn có tiếng tăm trên thế giới.

Chủ trương của Cooxupé là sản xuất ra những loại cà phê có chất lượng cao để bán giá cao cho người mua, trong khi chúng ta cứ loay hoay và cô đơn tự hỏi nếu ta làm ra cà phê chất lượng cao có ai mua hay không? Họ và ta rất khác nhau về quan điểm mà không biết rằng ngày nay có nhiều khách muốn mua cà phê chất lượng cao nhưng chỉ mua từ những nhà cung cấp có uy tín cao, khách hàng không tin và cũng không có cơ hội để đàm phán với từng nhà cung cấp nhỏ lẻ. Những tổ chức chứng nhận cà phê sạch và bền vững như 4C, UTZ … cũng thích được làm việc với những Hội hợp tác như thế này để bảo đảm giá trị cộng thêm cho loại cà phê có chứng nhận được trả đúng địa chỉ người cần nhận.

nông dân Brasil sản xuất cà phê sạch.
nông dân Brasil sản xuất cà phê sạch.

3 – Sàn giao dịch cà phê Brazil

Được thành lập từ năm 1890 thoạt tiên là Sở Giao dịch chứng khoán São Paulo (São Paulo Stock Exchange) sau đó được hợp tác và phát triển thêm cho nhiều hàng hóa khác trong đó có cà phê, ngày nay Sở Giao dịch BM&F BOVESPA (Brazilian Mercantile and Futures Exchange) đã là một hệ thống giao dịch điện tử cho phép các nhà môi giới, kinh doanh hay nông dân có thể ngồi đặt lệnh giao dịch hàng hóa từ bất kỳ đâu. Thông qua sàn giao dịch, nông dân có thể quyết định bán cà phê của mình bất kỳ lúc nào khi họ cảm thấy giá tốt, thậm chí nông dân có thể bán USD kỳ hạn cho ngân hàng (tiền có được do bán cà phê) vào một tháng nhất định để có được giá tốt hơn là bán bình thường.

Sàn giao dịch BM&F của Brazil - Không phải giá lúc nào cũng theo Sàn New York
Sàn giao dịch BM&F của Brazil – Không phải giá lúc nào cũng theo sàn New York

Đây là điều chúng ta chưa có được. Sàn giao dịch hàng hóa vốn có lịch sử gần 150 năm qua nhưng vẫn còn là một điều gì đó quá xa lạ với nông dân chúng ta trong thời đại internet ngày nay, nơi đây người nông dân và nhà rang xay có thể dễ dàng gặp gỡ chốt giá với nhau theo thể thức đấu giá công khai, hạn chế tối đa việc mỗi xã mỗi đường, mỗi phường mỗi giá.

Không phải chúng ta không đủ tiền để làm những điều như họ đang có. Chúng ta đã có một kho ngoại quan với tham vọng chứa hết lượng cà phê sản xuất của tỉnh Đắk Lắk hiện đang trống trơn trong khi nông dân vẫn không có chỗ chứa sản phẩm cho ra hồn ra dáng, hệ lụy gửi kho rồi mất vẫn luôn tiếp diễn từ năm này sang năm khác. Sàn giao dịch một loại hàng hóa thực cần phải đi đôi với kho bãi thì mới đáp ứng được yêu cầu của người nông dân, nếu không, nó chỉ thuần là một sàn ảo cho những người say mê đánh bạc dưới danh nghĩa là nhà đầu tư. Vai trò của nhà kinh doanh và giao thương là vô cùng quan trọng để cho hàng hóa luân chuyển khắp năm châu, ai cũng biết điều đó, song vai trò của người nông dân có lẽ còn quan trọng hơn bởi cái gốc sản phẩm từ đó mà ra trong khi nông dân thường là thành phần thua thiệt nhất.

Xem thêm: Các nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. leminh

    “..hàng đầu chẳng biết …”. chúc anh KV cùng ban biên tập Y5 và gia quyến sang năm mới: sức khỏe, hạnh phúc và có nhiều bài viết chất lượng!

  2. Nguyễn Quang Bình

    Cám ơn bài viết đã cho cái nhìn khá đầy đủ bằng cách so sánh giữa hai đại ca cà phê thế giới.
    Thật ra, cái yếu và thiếu của nền cà phê VN chính là cách tổ chức, quản lý lưu thông phân phối, cách mua bán, từ cây cà phê phía nông dân đến hệ thống kinh doanh và quản lý.
    Diện tích nhỏ lẻ, sản lượng manh mún, giống như nhà chỉ có mấy chiếc thuyền độc mộc mà tưởng mình đi trên thuyền lớn. Từ gốc ấy, không có thuyền lớn, thuyền độc mộc không cột vào nhau, cũng sẽ vỡ tan từng chiếc, ngay như cả thông tin cũng rất nhiều chiều chứ đừng nói chi chiến lược kinh doanh, đưa hạt cà phê đi xa, có giá.
    Thiếu đồng bộ là cái bệnh của cả ngành cà phê VN, cả nền kinh tế nước ta. Trong sản xuất kinh doanh cà phê, thiếu đồng bộ cái gì, là cả vấn đề cần mổ xẻ.

  3. Nguyên Kha

    Trong bài viết tác giả phân thành 3 chuyên mục! Xin mạn phép mổ xẻ thực trạng ngành cà phê Việt theo các chuyên mục đề cập:
    1/ Sức tiêu thụ nội địa:
    – Dân số Brazil hiện hơn 200 triệu người, nếu làm phép toán định tính thì ước tính có khoảng 25% dân số “thuộc diện uống cà phê”! đây là một thị phần lớn và hấp dẫn cho kênh tiêu thụ nội địa của Brazil, bỡi vì dân Brazil uống “cà phê thật”
    – Dân số Việt Nam hiện cũng chạm ngưỡng 100 triệu người và nếu định tính thì số người “thuộc diện uống cà phê” cũng khoảng 25 triệu người! đây là một thị phần lớn và hấp dẫn cho chuyên ngành “làm hàng giả”, bỡi vì dân Việt thích uống những ly cà phê “đen thui, đặc sánh, đắng chát” từ bắp, đậu, hóa chất… kết quả là tiêu thụ nội địa của cà phê Việt gần như là con sô 0 tròn trĩnh! dành hết nguồn lực cho xuất khẩu!
    2/ Hợp tác xã cà phê
    – Brazil có HTX sản xuất cà phê lớn nhất thế giới: Chức năng, nhiệm vụ của HTX rõ ràng gắn chặt với nghĩa vụ và quyền lợi của “xã viên”
    – Việt Nam đã từng “Hợp tác hóa” trong nông nghiệp, đã từng có mô hình sản xuất tập trung “cao cấp hơn” HTX – đó là các nông trường, công ty chuyên trồng cà phê… Chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị này luôn gắn chặt với nghĩa vụ của “xã viên” và gắn rất chặt với quyền lợi của “ban chủ nhiệm”
    3/Sàn giao dịch cà phê
    – Brazil có sàn cà phê qui mô giao dịch toàn cầu, qui chế và nguyên tắc giao dịch trên sàn của họ theo “chuẩn tư bản”, mặc dù giao dịch đã vài chục năm nhưng họ vẫn “chưa đổi mới” qui chế và nguyên tắc giao dịch
    – Việt Nam cũng vừa “xây dựng từ lâu” sàn giao dịch cà phê BCEC, qui chế và nguyên tắc giao dịch của BCEC có lẽ không theo “chuẩn tư bản” vì nó có từ lâu và lạc hậu, nên BCEC muốn có bộ nguyên tắc theo “chuẩn định hướng XHCN”. Hiện tại có thể nhà đầu tư chưa hiểu hết cái mới, cái hay, cái đẹp của “chuẩn định hướng XHCN” nên tạm thời sàn BCEC vắng tanh như chùa bà đanh! Có thể trong tương lai khi các nhà đầu tư được tập huấn, phổ biến thông tin… thì họ sẽ “xếp hàng” để tham gia giao dịch dưới hình thức đấu giá công khai BĐS mặt bằng và cơ sở hạ tầng sàn BCEC!
    * Qua 3 điều trên cho thấy ngành cà phê Việt Nam “hoàn toàn thắng thế và vượt trội” anh bạn khổng lồ Brazil, suốt ngày chỉ biết đam mê và cá độ bóng đá!

    1. Canon

      Bạn phân tích tương đối đầy đủ và rõ! Tuy nhiên phần số 1 của bạn đưa ra các con số như 25%, 25 triệu, Theo mình đây là ĐỊNH LƯỢNG chứ không phải ĐỊNH TÍNH như bạn ghi!
      – Định lượng: phản ánh mức độ, tính được giá trị trung bình. Nó thể hiện bằng con số thu thập được như 25%, 25 triệu…
      – Định tính: loại dữ liệu này phản ánh tính chất, ta không tính được giá trị trung bình (ko thể đo lường bằng số lượng) như: giỏi, khá, trung bình, yếu…

  4. dzung

    Tôi thấy tiêu thụ cà phê nội địa của VN ta mạnh lắm chứ, đi đâu cũng hàng quán nhan nhản, khách uống thưởng thức rất là đông. Tầm sáng, chiều tối đông nghịt khách. Nhưng khổ nổi cà phê bột rang xay ở ta chủ yếu là đậu nành, bắp (ngô), hat keo… cộng với hương liệu cà phê. Ở đây tôi muốn nói vấn đề chất lượng, giả giả, thật thật chả biết đâu mà lần. Nếu các nhà quản lý kiểm tra thật tốt các cơ sở rang xay chế biến cà phê. Tui bảo đảm tiêu thụ cà phê ở VN phải chiếm tới 50% sản lượng cà phê sản xuất hàng năm đó chứ?

  5. Minh Nhất

    Bài viết của bác Kinh vũ + Bình luận của ( Quang Bình và Nguyên Kha ) : Nếu sàn giao dịch cầ phê Ban Mê Thuật quan tâm, suy ngẫm thực tê ngành cà phê Việt và học hỏi thêm từ sàn giao dịch của Brazil thì có thể tạo ra được sự khác biệt cho sàn GD của Việt Nam mà chúng ta đang kỳ vọng để phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam.
    Chúc mừng năm mới thành công và thắng lợi mới !

  6. Trần Ninh

    Tôi rất đồng ý với bài viết của Kinh Vu và các thảo luận của: Nguyên Kha; dzung và một số thảo luận khác. Thực tế theo tôi và như các độc giả đã bình luận. Đúng là Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển cà phê hàng đầu thế giới (dân số; điều kiện tự nhiên; kỹ thuật canh tác…), nhưng chúng ta chưa thể làm được là do nạn lợi ích nhóm, tham nhũng …làm cho tất cả những điều kiện của ta chưa thể phát triển cao lên được, mà không chỉ có cà phê còn nhiều lĩnh vực khác nữa. Thực trạng: phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan không kiểm soát được chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm luôn trong tình trạng bất an,…
    Những ngày đầu của năm mới, đọc các bài viết, thảo luận của các bạn tôi thấy ấm lòng, những người làm cà phê trên 30 năm như tôi rất cảm ơn các bạn.

Tin đã đăng