Gia Lai vốn là xứ sở của cà phê với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Thu Hà, Phiên Phương, Thanh Thủy, Gia Bảo… Thế nhưng, sự xuất hiện của cà phê vỉa hè với mật độ dày đặc khiến cho các cơ quan chức năng khá lung túng trong việc quản lý mặt hàng cà phê bột.
Từ lâu, tình trạng các cơ sở sản xuất “cà phê bẩn” sử dụng nhiều hàm lượng bột đậu nành, bắp và hóa chất đã diễn ra không chỉ ở những thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội mà xảy ra ngay tại những thủ phủ của cà phê như: Đăk Lăk, Lâm Đồng. Trước thông tin khiến người tiêu dùng e ngại này, P.V Báo Gia Lai đã tìm hiểu về vấn đề này trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Tràn lan dung dịch tạo mùi
Dạo quanh Trung tâm Thương mại Pleiku, chúng tôi liên tục dò la về một loại nước dùng để tạo mùi cho cà phê. Sau khi gặp một vài người tỏ ra khá lạ lẫm với loại nước này thì cuối cùng chúng tôi cũng đã tìm đến đúng địa chỉ. Người phụ nữ chừng 50 tuổi đang đứng “tám chuyện” ở cửa hàng đồ khô sau khi nghe chúng tôi đặt vấn đề muốn mua loại nước tạo mùi cà phê thì lập tức đon đả hỏi: “Mua nhiều không, 12 ngàn đồng/chai? Tôi trả lời: “Mua thử vài chai về dùng xem được không?”. Người phụ nữ tiếp: “Đứng đây chờ nhé, để tôi đi lấy ở đằng kia”. Thế rồi, người phụ nữ quay đi trong chốc lát đã quay lại với một hộp giấy nhỏ trên tay. Trên thân hộp không hiện một thông tin nào về sản phẩm ngoài chữ “CAFE” được viết bằng bút lông mực xanh.
Nhanh tay mở chiếc hộp ra, người phụ nữ giới thiệu rằng đây là tinh dầu cà phê. Ở trong các hộp có các lọ dung dịch màu đen quánh được chia ô khá ngăn nắp với 10 ô khác nhau tương đương với 10 chai. Mỗi chai nhỏ với dung tích 45 ml màu đen được ghi tên trên mảnh giấy quấn quanh chai đi kèm gồm thông tin tên tinh dầu trái cây; sản xuất tại cơ sở Lệ Hương, địa chỉ 396/5A Bến Hàm Tử, phường 5, quận 5, TP. Hồ Chí Minh; nhưng bỏ trống khung N.S.X (tức ngày sản xuất-P.V). Rõ ràng, chưa cần nhắc đến việc loại tinh dầu này có gây độc hại hay không nhưng việc không có ngày sản xuất và hạn sử dụng thì đó vẫn là mặt hàng khó tin tưởng được. Lấy ra một chai nhỏ, người phụ nữ hướng dẫn: “Về chỉ cần chấm một cái cỡ que tăm thôi rồi bỏ vào ly cà phê, là nó sẽ có mùi thơm lắm. Hàng này lấy ở Sài Gòn về đấy, bán chạy lắm, giờ nhiều quán cà phê họ toàn dùng loại này, xài hết cứ đến đây lấy, bao nhiêu cũng có”.
Sau khi mang về, mở hộp ra, mùi cà phê thơm lừng đã xộc thẳng vào mũi. Và khi dùng một que nhỏ nhúng vào dung dịch này rồi bỏ vào ly cà phê pha loãng thì nó bắt đầu cho thấy công hiệu “thần kỳ” của mình. Màu nước nhạt bỗng chốc trở thành màu đen quánh cùng với mùi thơm đặc trưng của cà phê khiến ly cà phê trở nên hấp dẫn hơn hẳn. Sau khi chứng kiến “màn ảo thuật” này, có lẽ nhiều người sẽ chột dạ khi hàng ngày đã uống qua những ly cà phê pha sẵn mà không rõ quy trình pha chế. Để tìm hiểu rõ hơn về loại dung dịch này, chúng tôi tìm kiếm trên mạng tinh dầu cà phê Lệ Hương thì không ra một kết quả nào. Đặc biệt, với các loại tinh dầu cà phê có xuất xứ rõ ràng được rao bán trên thị trường thì giá cả có sự chênh lệch quá lớn so với những lọ tinh dầu này. Cụ thể, trong khi tinh dầu của cơ sở Lệ Hương có giá 12 ngàn đồng/45 ml thì tinh dầu của Công ty cổ phần Tinh dầu thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam lại có giá 165 ngàn đồng/10 ml hay rẻ hơn đôi chút là Công ty cổ phần hợp tác Việt-Mỹ BBW giá 155 ngàn đồng/10 ml. Điều đó có nghĩa là 45 ml tinh dầu cà phê của Công ty cổ phần Tinh dầu sẽ có giá 742,5 ngàn đồng so với 12 ngàn đồng của cơ sở Lệ Hương. Đó là những con số quá chênh lệch và chúng tôi buộc phải đặt ra câu hỏi rằng: Đó là tinh dầu cà phê hay chỉ là hóa chất?
Khó quản lý
Theo tìm hiểu một số doanh nghiệp và cơ sở sản xuất cà phê, ngoài mặt hàng cà phê nguyên chất 100% có thị phần nhỏ thì tất cả các mặt hàng khác đều sử dụng một số chất phụ gia cho phép cũng như bột đậu nành, bắp… Anh H.V.B-chủ một thương hiệu cà phê trên địa bàn TP. Pleiku chia sẻ: “Nhiều cơ sở thường trộn thêm bột đậu, bắp vào để tạo thêm vị hấp dẫn, độ sánh cho cà phê với tỷ lệ 20-30% tùy theo công thức của từng cơ sở. Nhưng cũng có một số nơi sẵn sàng trộn nhiều bột đậu, bắp hơn cà phê để hạ giá thành nhằm đạt lợi nhuận vì bột đậu bắp giá thành rẻ hơn rất nhiều so với cà phê”. Cũng theo anh H.V.B, cà phê nguyên chất thường chỉ giữ được vị, còn mùi chỉ giữ được khoảng 15 ngày sau đó sẽ tan dần. Vậy nên, có nhiều cơ sở cũng dùng chất giữ mùi để có thể bảo quản được lâu mà không bị mất hương vị.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đang-Chi Cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm cho biết, trong thời gian qua, cơ quan này cũng đã đi kiểm tra các cơ sở sản xuất bột cà phê thì chỉ xuất hiện một vài trường hợp không đảm bảo về địa điểm và dụng cụ nhưng sau đó đã được uốn nắn, nhắc nhở. Còn theo ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm và Thủy sản thì các cơ sở được quyền sử dụng các nguyên liệu dùng làm thực phẩm để chế biến với cà phê mà bột đậu nành, bắp… là một trong những nguyên liệu đó. “Hiện nay chưa có quy chuẩn kỹ thuật về cà phê bột nên không thể nói là sản phẩm cà phê có trộn bột đậu, bắp đó đạt hay không đạt mà tùy theo gu của người dùng. Dù đã đặt ra tiêu chuẩn TCVN 5251-90 về các thông số chất lượng cà phê bột do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố nhưng chỉ là tiêu chuẩn để khuyến khích chứ không bắt buộc. Mỗi cơ sở sản xuất khi công bố hàm lượng các nguyên liệu, hóa chất nằm trong danh mục cho phép thì sẽ phải làm trong khung những gì họ đã công bố. Một số nơi căn cứ theo TCVN 5251-90 để xử lý các cơ sở là sai” – ông Toàn cho biết thêm.
Về chất lượng đáng lo ngại của cà phê vỉa hè, các cơ quan chức năng cũng cho rằng đây đang là một vấn đề khá nan giải. Bác sĩ Đặng Phước Toàn-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku: “Hiện rất khó để kiểm tra, quản lý các quán cà phê vỉa hè. Hiện Trung tâm cũng đang phối hợp để xây dựng mô hình điểm về thức ăn đường phố tại phường Hội Thương mà trong đó cà phê vỉa hè là một trong số những mặt hàng được quan tâm đảm bảo về vệ sinh, chất lượng. Từ đó, chúng tôi hy vọng sẽ nhân rộng được mô hình này”.