Tin buồn

Hơn 600 công nhân còng lưng gánh nợ

Liên quan việc các nông trường cà phê quốc doanh (thuộc Tổng Công ty Cà phê VN) quản lý yếu kém, gây bất bình khiếu nại trong công nhân, từ tháng 11/2013, báo Tiền Phong đã khởi đăng loạt bài “Nước mắt công nhân cà phê”.

Xem thêm: Nước mắt công nhân cà phê

Sau đó Bộ NN&PTNT đã vào cuộc thanh tra hàng loạt công ty, xử lý sai phạm, chấn chỉnh quản lý. Tuy nhiên, hàng trăm công nhân (CN) ở Nông trường Chư Prông (NT Chư Prông – thuộc Cty TNHH MTV Cà Phê Ia Grai – Tổng Cty CP VN) vẫn quá khổ dưới gánh nợ và lối khoán bất công.

Biết là khổ mà vẫn phải ký!

Phương án khoán sản phẩm được NT Chư Prông triển khai giao khoán cho CN đã gần 4 năm. Mức khoán cao khiến đời sống của hơn 600 CN nhận khoán ở 3 xã Ia Vê, Ia Pia và Ia Bang (huyện Chư Prông, Gia Lai) rơi vào cảnh khốn cùng. Anh L, ở đội 8 than thở: “Công ty ép CN ký vào sổ khoán, ai không ký sẽ bị thu lô. Biết ký là khổ nhưng vẫn phải nhận, vì về quê thì biết lấy gì mà sống ?”.

Theo phương án khoán, CN phải nộp sản phẩm gần 8 tấn cà phê quả tươi/vụ/ha. Công ty và người lao động cùng đầu tư. Tuy nhiên, theo phản ánh của CN, thực tế thì “công ty đã tận thu triệt để trên mồ hôi, công sức của người lao động” theo kiểu phát canh thu tô, mọi chi phí đẩy cho CN gánh.

Cụ thể, trong phương án khoán thể hiện doanh nghiệp đầu tư trên 60% chi phí, còn CN là 39% nhưng thực tế công ty chỉ ứng vốn mua phân bón, vật tư ban đầu và bắt CN trả lãi. CN đóng đủ thứ, kể cả những khoản tiền khó hiểu như: thu sử dụng vốn, lãi vay vốn lưu động… Theo hạch toán của công ty, tổng chi phí cho 1 ha cà phê trên 80 triệu đồng/vụ, trong khi doanh thu 91 triệu đồng. Như vậy, CN làm khoán phải “nhờ trời”, nếu gặp thời tiết xấu thì coi như trắng tay, âm nợ, còn công ty vẫn thu đủ.

“Riêng mức khoán phân bón cho 1 ha cà phê là hơn 16 triệu, nhưng công nhân phải mua trên 30 triệu đồng mới đủ bón thì làm gì có lãi ? Công ty không đầu tư hồ, đập đảm bảo nước tưới mà vẫn ép CN nộp sản cao!” – anh Nguyễn Văn Cường, CN đội 6, bức xúc.

Đời sống nhiều CN ngày càng khó khăn, nhiều người không trả nợ nổi đành bỏ trốn đi nơi khác. Năm 2013, CN nợ công ty hơn 63 tỷ và đầu năm 2014 còn nợ trên 19 tỷ đồng.

Còng lưng gánh nợ

Từ năm 2004-2005, Xí nghiệp Cà phê Vina (thuộc Cty XNK CP II Nha Trang – Tổng Cty CP VN) làm ăn thua lỗ, buộc phải giải thể và chuyển giao lại toàn bộ nông trường cho Cty CP Ia Grai quản lý với tên gọi là NT Chư Prông. Đồng thời Vina chuyển sang khoản nợ 114 tỷ đồng. Để trả lãi ngân hàng và đảm bảo thu chi có lời, công ty phải xây dựng phương án khoán cao.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đại Ngọc – GĐ Cty Cà phê Ia Grai cho rằng: “Mức khoán như hiện nay là không cao, đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên: doanh nghiệp, người lao động và nhà nước. Mấy năm nay đời sống của công nhân đã cải thiện rất nhiều. Việc CN khiếu nại chỉ là do hiểu nhầm…”.

Ông Ngọc cũng thừa nhận khoản nợ 114 tỷ đồng chuyển qua từ Vina đã buộc công ty phải làm mọi cách để trả nợ. “Tôi bị ngân hàng kiện ra tòa vì khoản nợ này. Hiện tại công ty hết sức khó khăn, tài chính mất cân đối nghiêm trọng. Hằng năm, phải lấy lợi nhuận của công ty để trả lãi trên dưới 10 tỷ đồng, 8 năm nay chúng tôi đã trả 58 tỷ đồng tiền lãi trong khi tiền gốc 114 tỷ vẫn còn nguyên. Trong nhiều năm NT Chư Prông không có lãi. Còn Cty Ia Grai năm 2013 chỉ lãi hơn 600 triệu, năm 2012 lãi hơn 2 tỷ đồng, riêng năm 2010 lỗ gần 6 tỷ, 2008 lỗ 3 tỷ”, ông Ngọc nói.

NT Chư Prông liên tục thua lỗ sao không đề xuất phương án giải thể, bàn giao đất cho CN? Ông Ngọc phân trần: “Mặc dù lỗ nhưng không giải thể được vì nông trường trực thuộc Cty Ia Grai. Hằng năm công ty làm vẫn có lãi nên giải thể nông trường là trái quy định. Chúng tôi đã kiến nghị Tổng Cty CP VN xử lý hết tiền gốc còn tồn đọng này để cải tổ nông trường nhưng chưa được chấp nhận. Với đà này, không những công ty gặp khó, mà đời sống CN cũng không được đảm bảo phúc lợi xã hội. Hiện quỹ phúc lợi của công ty đang bị âm”.

Gần 8 năm qua, 20 CN từng “lỡ” ký vào giấy nợ nộp sản phải nai lưng làm quần quật mãi vẫn chưa trả hết nợ. Chúng tôi đã làm đơn cầu cứu nhiều nơi nhưng chỉ nhận được sự im lặng ! Gánh nợ đó của chúng tôi có nguyên nhân từ năm 2004-2005, do Xí nghiệp Vina làm ăn thua lỗ, không đầu tư vào vườn cây, một năm chỉ tưới và bón phân 1 lần khiến sản lượng thấp, hàng trăm CN bị hụt khoán trên 3.000 tấn. Đến nay Cty Ia Grai vẫn dựa vào bản phô tô 8 năm trước để truy thu tiền nợ khoán. Trích đơn kêu cứu của 20 công nhân đội 3

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tâm Cà

    Nhà bác nào trên y5 thu được 1 tân cà khô chưa nhỉ? Nhà em hôm nay được rồi đó. Nắng ráo phơi khô luôn rồi. Công nhận năm nay cà phê rất được mùa. Quả rất to và khít cùm.

    1. phạm cao nguyên

      cà phê ở Ia Grai năm nay mất mùa. Làm gì mà đã thu được 1 tấn cà khô nhanh vậy, chỉ có hái bói thôi!

  2. nhu

    Câu chuyện trên là tinh trạng chung của tất cả các công ty, nông trường thuộc Vinacaphe. Mong sao sớm có giải pháp để công nhân đỡ khổ. Các ông ngoài Bộ Nông nghiệp hãy xuống gặp trực tiếp công nhân để nắm bắt tình hình. Chứ nghe báo cáo công nhân sẽ bỏ việc nhiều.

  3. Nguyễn Hữu Đức

    Ở chỗ tôi Dăk Hà – Kon Tum, công ty thu hơn 3 tấn cà phê quả tươi không đầu tư 1 tí nào. Bảo hiểm công nhân tự đóng. Nhiều công nhân sống dở chết dở. Chỉ mập mấy ông cán bộ thôi

  4. Nguyễn Hữu Đức

    Đọc bài viết này tôi rất cảm động và thấu hiểu nỗi khổ của người lao động. Đó cũng là tình trạng chung của các công ty. Ở chỗ tôi có nhiều người nợ đến khi về hưu phải đóng 2 đến 3 trăm triệu mới được giải quyết chế độ, khổ lắm.

  5. Nguyễn văn Dũng

    1 doanh nghiệp kinh doanh; là phải biết minh đang kinh doanh; chứ đàng này kinh doanh mà tuyển vào làm toàn cán bộ đánh bài; nói phét; chẳng làm lợi được gì cho doanh nghiệp, mà cứ nuôi bộ máy này thì có kêu lên trời rồi cũng vậy à. 1 cây, 1 héc cà cả mấy mươi cán bộ; làm gì mà ko lỗ. Cứ thử xem, nhà tớ làm có 1héc, giá cả hiện tại là thấp kỷ lục nhưng cân đối đâu có lỗ. Miệng của ông quan Doanh nghiệp nói láo. Thế mà đòi làm giám đốc. Từ chức sớm đi, cho dân đở khổ.

  6. Nguyễn văn Dũng

    Ước gì anh Cao đức Phát thực hiện giống cách làm của Anh Đinh La Thăng, có khi dân lại mừng. Doanh nghiệp nào lỗ, dân khổ, phải xuống xem thực tế Lão giám đốc cty đang làm gì…! Hay xuống nó làm cho cục lại im thim thíp, về lại khen nó tốt. Trời nắng quan có đi không, hạn hán dân đang kêu kìa. Đấy Giám đốc ngồi ở đâu.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84