Sáng nay, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng tiếp thêm 1.000 đồng, lên ở mức 39.700 – 40.900 đồng/kg.
Thị trường London:
Trên sàn LIFFE, giá cà phê Robusta tăng liên tiếp phiên thứ 4. Kỳ hạn giao tháng 11 tăng thêm 62 USD, tương đương tăng 3,11 %, lên 2.054 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2015 tăng thêm 61 USD, tương đương tăng 3,04 %, lên 2.068 USD/tấn, các mức tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch “khủng”.
Thị trường New York:
Trên sàn ICE, giá cà phê Arabica cũng cùng xu hướng. Kỳ hạn giao tháng 12 tăng thêm 7,05 cent, tức tăng 3,65 %, lên 200,4 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2015 cũng tăng thêm 7,05 cent, tức tăng 3,57 %, lên 204,5 cent/lb, các mức tăng cũng rất mạnh. Khối lượng giao dịch trên trung bình.
Giá cà phê kỳ hạn thế giới đã trở nên sôi động với khối lượng giao dịch tăng cao.
Giá cà phê Arabica phiên hôm qua tăng vọt là do CoffeeNetwork, một công ty môi giới và kinh doanh cà phê của tập đoàn tài chính INTL FCStone tại New York, dự báo sản lượng cà phê Brazil năm 2015 sẽ giảm xuống 47 triệu bao. CoffeeNetwork còn dự báo sản lượng thế giới trong niên vụ 2015/16 chỉ đạt 144,9 triệu bao, giảm so với 149,6 triệu bao trong niên vụ 2014/15. Tuy nhiên thị trường cũng cho rằng dự báo của CoffeeNetwork vẫn còn quá lạc quan.
Vào cuối tuần trước, Hãng phân tích – thống kê F.O. Licht (Đức) đưa ra dự báo mới nhất cho rằng sản lượng Brazil năm 2015 chỉ ở mức khiêm tốn khoảng 43 triệu bao, trong khi có nhiều phân tích trước lúc hạn hán xảy ra hồi đầu năm đều ước báo Brazil sẽ thu hoạch năm 2014 trên 60 triệu bao.
Nhiều báo cáo tiếp tục bày tỏ sự quan ngại về mưa bất thường ở Brazil, một số còn cho rằng nếu tháng 10 vẫn ít mưa có thể khiến sản lượng Brazil năm tới sẽ thấp hơn 40 triệu bao. Rõ ràng những báo cáo này đã hỗ trợ cho nhà đầu cơ giá lên trong thị trường.
Dữ liệu của chính quyền đảo Sumatra – Indonesia cho biết, xuất khẩu cà phê Robusta của đảo trong tháng 9 đạt 350.596 bao, giảm mạnh tới 62,08 % so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp sau năm tháng xuất khẩu cà phê Robusta ảm đạm trước đó, con số này góp phần tích lũy xuất khẩu cà phê Robusta từ Sumatra trong niên vụ 2013/2014 đạt tổng cộng 3.858.445 bao, giảm mạnh tới 34,93 % so với niên vụ trước.
Sau khi xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt 22,75 triệu bao, và xuất khẩu tính kể từ đầu niên vụ khoảng 27,3 triệu bao, giới thương nhân quốc tế đều cho rằng sản lượng vụ vừa qua của Việt Nam lên tới, thậm chí có thể hơn 28 triệu bao, tất nhiên là chưa tính tồn kho vụ cũ mang sang. Còn số này đã không khiến thị trường lạc quan mà chỉ để khẳng định nguồn cung cà phê Robusta đã cạn kiệt trước khi có hàng vụ mới.
Sáng nay, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 1.000 đồng, lên trở lại mức 38.700 – 39.900 đồng/kg.
Anh Văn (giacaphe.com)
Theo dõi giá cà phê London và trong nước một năm qua (từ ngày 02/10/2013 – 02/10/2014- tức là phiên giao dịch tối 01/10 bên London) tôi thấy rằng biến động giá không tương ứng giữa giá london và giá nội địa. Cụ thể: Ngày 02/10/2013, giá London là 1.636$/tấn; giá nội địa là 35.800đ/kg. Còn giá ngày 02/10/2014, giá London là 2054$/tấn (thực ra trên trang Inverting.com ở London là 2057$/tấn) thì giá nội địa cao nhất là 40.900đ/kg, thấp nhất là 39.700đ/kg. So với đầu niên vụ năm trước thì giá đầu niên vụ năm nay cao hơn 418$/tấn (thực ra là 421$/tấn), nếu quy theo tỉ giá hối đoái thì giá phải cao hơn năm ngoái trên 8000đ/kg, chí ít cũng phải từ 6500 -7000gđ/kg (do chi phí vận chuyển có thể tăng lên) nhưng ở đây giá nội địa chỉ cao hơn 5.100đ/kg (lấy theo giá cao nhất của các tỉnh Tây Nguyên ngày 02/10/2014). Từ phép so sánh trên ta thấy giá tăng không tương xứng, điều đó nói lên rằng các DN nội đang ép giá người sản xuất.
Xin nhắc bạn @Còi.
-Giá London không tương ứng giá nội địa vì họ giao dịch cho giá sàn kỳ hạn chứ không giao dịch cho thị trường nội địa VN.
Muốn so sánh thì tối thiểu phải xem thêm giá chênh lệch (differential) nữa.
-Xem giá trên Inverting.com thì bạn cần phải phân biệt giá giao dịch sau cùng (last price) khác với giá đóng cửa (close price), chứ không phải “thực ra…”.
Thân
Giá Cà phê đầu tháng tăng rồi, nhìn thấy sướng bà con nhỉ?
Chúc bà con sức khỏe và giá ngày càng tăng hơn nữa.
Chúc Y5 phát triển.
Giá lại xuống bây giờ liền và ngay lập tức. AE nông dân ko kịp mừng nè
Dù còn cà hay không nhưng thấy giá lên mình và bà con cũng thấy vui chứ @ Trịnh Thức Pleiku.
Thân gởi anh Nguyễn Vịnh tôi mới tham gia diễn đàn lên khi xem gia sàn ca phe giao dịch trực tuyến có chỗ tôi chưa hiểu mong anh chỉ giúp: Số lượng và HĐ mở có nghĩa là gì?
Tôi xin cám ơn sự giúp đỡ của anh
Nói giữa tháng 10 vào vụ thu hoạch, nhưng năm nay cà phê chỗ tôi (Gia Lai) quả còn rất non có khả năng đến tháng 11 cũng chưa thể thu hoạch được. Không biết những nơi khác như thế nào?
Gửi @ Nguyễn Vịnh! Nói gì thì nói nhưng theo số liệu ở trên rõ ràng DN nội đang ép giá nông dân. Ai lại có thể trả lời “Giá London không tương ứng giá nội địa vì họ giao dịch cho giá sàn kỳ hạn chứ không giao dịch cho thị trường nội địa VN”? Chả lẽ Nguyễn Vịnh không hiểu ý tôi nói? hay cố tình không hiểu?! Ý tôi nói giá nội địa tăng không tương ứng với mức tăng của giá London. Trong các bản tin hàng tuần, thỉnh thoảng @ Anh Văn cũng nói vấn đề này, rằng: tính chung cả tuần, sàn London tăng …% nhưng giá nọi địa chỉ tăng …% (ví dụ sàn London tăng 3,7%, thì sàn nội địa chỉ tăng 2,5% chẳng hạn). Nếu tôi nhớ không nhầm thì chỉ có duy nhất 1 lần tỉ lệ tăng giá trong nước cao hơn mức tăng ở sàn London
Có thể do tôi chưa hiểu hết ý của Anh Văn. Nhưng theo tôi giá không thể phiên ra tương ứng một cách đơn giản như bạn @Còi nghĩ vậy.
À, tôi thấy bạn @Còi bắt đầu hiểu khi ít nhất thấy sự không tương ứng của giá London với giá nội địa, như hôm nay London tăng +62 Usd nhưng nội địa chỉ tăng 1.000đ hay giá Lâm Đồng khác giá Gia Lai…
Anh Nguyễn Vịnh nói vậy sao tôi thấy giá sàng London giảm thì giá nội địa lập túc giảm theo.
Nói tóm lại buôn bán thì phải ăn chênh lệch chứ sao. Buôn bán mà thật quá thì chỉ có nước ăn cám. Vậy thôi thắc mắc làm gì, tự mình cứu mình thôi. Chào thân ái và quyết thắng nha bà con.(có gì ko phải mong bà con AE bỏ qua cho em)
Chuyện giá tăng không tương ứng như sáng nay thì xẩy ra thường xuyên (tuyệt đại đa số là không tăng tương ứng theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, tất nhiên thỉnh thoảng cũng có tăng theo chiều ngược lại, nghĩa là mức tăng nội địa cao hơn London). Điều đó một lần nữa cho thấy các DN nội đang ép giá người nông dân.
Mặt khác, thời điểm này năm ngoái mức giá cộng thêm là 10$/tấn; năm nay mặc dù thông tin thiếu hụt nguồn cung rất nhiều nhưng các DN nội vẫn bán với giá trừ lùi 30$/tấn. Nói thật là tôi vẫn nghi ngờ thông tin này nhưng “có kêu chẳng thấu trời” nên đành im lặng.
Giá sàn là giá giao sau và người ta đã tính mọi chi phí rồi, còn giá nội địa còn gánh bao nhiêu loại phí nữa nên DN cũng phải trừ các khoản đó ra và tất yếu là phải có lời cho DN nữa. Nhưng thị trường trong nước cũng có sự canh tranh mạnh giữa các DN nên nói ép giá là cũng chưa hợp lý trong giai đoạn hiện nay bởi chưa có DN nào đủ mạnh để thao túng thị trường trong nước, nhưng tương lai khả năng các DN có vốn FDI sẽ làm việc này. Tạm thời thì mọi chuyện vẫn chưa đi quá xa như bác @Coi nói, và theo phân tích kĩ thuật dự đoán mùa này giá sẽ ổn định ở mức cao và chưa chắc mùa này ai đầu cơ sẽ trúng vì sản lượng của Brazil vẫn là 1 ? họ thu hoạch mà sản lượng tăng, thì thôi xác định chiến lược mùa này của mình là tiền tươi thóc thật cho nó lành.
Bạn @Còi thắc mắc củng có lý. Nhưng ban nhìn xem từ Tây nguyên tới thành phố HỒ CHÍ MINH có bao nhiêu cái trạm cân xe giữa đường? Bây giờ đủ thứ cùng uống giá cà phê đó bạn!
Năm nay sản lượng nhà mình và vùng mình tăng đột biến.
Đang có sự bắt tay trên sàn để làm giá đóng cửa giảm hoặc không thay đổi.
Gửi @ ho nam! Bạn nói cứ như những thứ ấy bất ngờ mọc lên hôm qua, hôm kia không bằng nên giá không tăng tương ứng là do còn để chi phí cho những thứ ấy. Bạn nên nhớ rằng những cái đó có từ lâu rồi nhé! có chăng chỉ là biến động nhẹ do các khoản thu có tăng chút đỉnh.