Sáng nay, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 500 đồng, lên dao động ở mức 40.900 – 41.700 đồng/kg.
Thị trường London:
-Phiên ngày 01/09: Trên sàn LIFFE, giá cà phê Robusta trở lại xu hướng tăng. Kỳ hạn giao tháng 11 tăng thêm 26 USD, tương đương tăng 1,25 %, lên 2.081 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2015 tăng thêm 25 USD, tương đương tăng 1,2 %, lên 2.087 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch dưới trung bình.
-Phiên ngày 02/09: Giá cà phê Robusta tăng tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao tháng 11 tăng thêm 31 USD, tương đương tăng 1,47 %, lên 2.112 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2015 tăng thêm 30 USD, tương đương tăng 1,42 %, lên 2.117 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch rất ít.
Thị trường New York:
-Phiên ngày 01/09: Nghỉ Lễ Lao động Mỹ, không giao dịch
-Phiên ngày 02/09: Giá cà phê Arabica kéo dài chuỗi tăng lên phiên thứ sáu. Kỳ hạn giao tháng 12 tăng thêm 8,25 cent, tức tăng 3,94 %, lên 209,45 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2015 tăng thêm 8,3 cent, tức tăng 3,89 %, lên 213,4 cent/lb, các mức tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê kỳ hạn thế giới tiếp tục gia tăng do nhà đầu tư quay trở lại thị trường sau kỳ nghỉ
Báo cáo của Chính quyền Sumatra, đảo trồng cà phê chính của Indonesia, cho thấy xuất khẩu cà phê Robusta của đảo tháng Tám chỉ đạt 366.438 bao, giảm 31,85% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cà phê Robusta của đảo trong 11 tháng đầu niên vụ cà phê 2013/2014 đạt tổng cộng 3.507.853 bao, giảm mạnh tới 29,91% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Như vậy, báo cáo xuất khẩu tháng Tám giảm mạnh của hai cường quốc sản xuất Robusta hàng đầu Việt Nam và Indonesia sẽ là mối quan tâm lớn khi giới thương nhân quốc tế ở phía Bắc bán cầu trở lại thị trường sau kỳ nghỉ mùa hè.
Theo các nhà quan sát, sự tăng mua của nhà rang xay cho nhu cầu thị trường tiêu thụ mùa đông có thể tạo nên những bất ngờ trong ngắn hạn.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica tăng vọt do có sự hỗ trợ của những tin tức ảm đạm từ các nước Mỹ Latinh.
Tại Parana, bang có diện tích trồng cà phê trung bình của Brazil đã thu hoạch gần như hoàn tất, chỉ thu được 515.000 bao, giảm tới 69 % so với năm trước, các quan chức ngành nông nghiệp ở đây cho biết.
CEPEA, Trung tâm Nghiên cứu về Kinh tế Ứng dụng của Đại học Sao Paulo, vừa cảnh báo sự thiệt hại sản lượng ở một số vùng có thể lên tới 65%. CEPEA còn bày tỏ sự lo ngại vì tình hình khô hạn khi El Nino quay trở lại sẽ làm hỏng lứa hoa đã nở và gây thất thu cho vụ tới.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) báo cáo xuất khẩu cà phê toàn cầu tháng Bảy đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 9,73 triệu bao, và lũy kế xuất khẩu 10 tháng đầu của niên vụ cà phê hiện tại 2013/2014 vẫn còn thấp hơn 2% so với cùng kỳ niên vụ trước, đạt tổng cộng 92,26 triệu bao. Con số này dễ tác động tâm lý thị trường về nổi lo cung trước nhu cầu tiêu thụ mùa đông.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cho đến nay không có sự chắc chắn nào về những con số báo cáo vụ mùa Brazil sụt giảm thực tế năm nay và triển vọng thấp cho vụ mùa năm sau nên xu hướng thị trường cũng chưa thực sự rõ ràng trong trung hạn.
Sáng nay, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 500 đồng, lên dao động ở mức 40.900 – 41.700 đồng/kg.
Anh Văn (giacaphe.com)
Sao Lâm Đồng lúc nào giá cũng thấp hơn nhiều vậy nhỉ? Dù là chất lượng không bằng các tỉnh khác, nhưng sao lại có sự sai biệt lớn vậy?
Sáng thấy ở LĐ tăng lên 40.900 (+500), sao giờ lại là 40.700(+300) vậy Y5? Bài viết này vẫn để là +500 nè.
Cà fe lên lại rồi bà con ơi. Nhưng dân thì hết cà mất rồi khổ thật. Mong rằng năm tới giá sẽ tăng cao cho bà con nông dân đở khổ.
Hôm nay đại lý ở Dăk Nông mua giá bao nhiêu vậy bà con ơi?
Tháng tám Indo xuất khẩu 22 ngàn tấn Việt Nam xuất khẩu 89 ngàn tấn, thế giới cần hàng Việt Nam mỗi tháng từ 125-130 ngàn tấn. Từ nay đến hàng vụ mới sẽ thiếu hàng Việt Nam, chắc cuối tháng 11 mới có hàng xuất. Hiện tại nông dân đã hết cà rồi, giờ giá có lên xuống nông dân chúng tôi đâu cần quan tâm nữa
Mình bán được 41,500 mà ko biết khi nào có tiền đây. Ở Đăk mil đó.
Theo bà con dự doán giá cà như thế nào, còn tăng nữa ko?
Tôi nói thật giá cà phê giữa các vùng chênh lệch vậy thì cần gì bán cho người nước ngoài, cứ chở từ vùng này sang vùng khác là có lời ngon thôi, đỡ phải chở qua nước khác cho mệt. Hèn chi cà phê không có mà xuất. Nói thẳng thì hay mất lòng
Quá chuẩn, xe 10 tấn là kiếm được ~10triệu rồi…
Chẳng biết tin ai cả. Lúc tin tức tốt thì giá tụt xuống ầm ầm, lúc tin tức xấu thì giá lại lên ầm ầm. Nếu ai mà cần tiền thì cứ bán, còn ai ko cần tiền thì cứ để đó coi như của để dành và ch chờ… Thị trường cà phê bây giờ của bọn buôn hàng giấy zồi chỉ chết bà con mình thôi.
Không mấy ai nói là cả cuộc đời mình không dại. Nhưng có một hiện tượng rất lạ đã sảy ra khá phổ biến ở Tây Nguyên, kể cả những người rất khôn cũng làm là “hiện tượng bán ký gửi cà phê”. Tài sản của mình đem trao không cho người khác, tự mình đem vốn đến cho họ mà không được một lời cảm ơn. Từ ngày trao của cho họ rồi thì hàng nàgy ngóng cổ trông chờ, cầu mong, lo âu thấp thỏm. Tôi cũng chưa lí giải được hiện tượng lạ này. Tôi cũng có chút thâm niên trên 20 năm trồng cà phê với diện tích lớn, nhưng tôi chưa bao giờ bán dưới 2 đô la 1 kg, có điều là căng ra mà bán vì khổ lây với cái nạn nhiều người bán ký gửi. Tôi dám chắc tất cả mọi người trồng cà phê thu hoạch xong, trữ cà phê nhân với độ thuỷ phần 13 (độ), khi nào ở ngưỡng 2 đô la 1 kg thì bán, chừng mực nào đó để trang trải rồi lại bán tiếp…thì giá đâu có đến nỗi thấp. Thật lạ, mình làm hại mình mà cứ kêu oan.
…”cho đến nay không có sự chắc chắn nào về những con số báo cáo vụ mùa Brazil sụt giảm thực tế năm nay và triển vọng thấp cho vụ mùa năm sau nên xu hướng thị trường cũng chưa thực sự rõ ràng trong trung hạn.” Thực sự là vậy.