Từ lá thư bạn đọc – Người trẻ nghĩ gì về Cà phê?

Trong thời gian qua trên diễn đàn của chúng ta đã quá sôi nổi và căng thẳng với những cơn biến động, co giật của giá cả. Hôm nay để thay đổi không khí của diễn đàn ngày đầu tuần, BBT Y5Cafe xin giới thiệu đến bà con một chia sẻ của một bạn trẻ về vấn đề cà phê. Với lòng tin tưởng nếu chúng ta ngày càng có nhiều bạn trẻ  nhiệt huyết và quan tâm đến một ngành nghề đã và đang nuôi sống nhiều gia đình Nông dân cà phê, thì cơ hội để thay đổi nhận thức, cách làm của chúng ta ngày càng lớn.

Thật sự khi viết bài này cháu cũng không biết có nhiều bạn trẻ cùng trang lứa có suy nghĩ giống mình không? Hay những suy nghĩ của cháu chỉ là một tình cảm riêng xuất phát từ hoàn cảnh của mình. Dẫu thế nào Cháu mong là đâu đó trên những vùng đất trồng cà phê có nhiều bạn trẻ cũng có những suy nghĩ như cháu.

Cháu lớn lên trong gia đình trồng cà phê, được ba mẹ thương yêu và hạn chế cho làm vườn, vì ba mẹ muốn cháu có cuộc đời thay đổi không phải cày đất, trèo đèo như ba, như anh phải hun mình dưới cái nắng 12 giờ. Cháu được cho đi học và hiện giờ đang theo học tại Sài Gòn. Nhưng cháu nhớ nhà, nhớ những bữa được ba cho đi làm vườn, theo anh đi xách nước, đốn chè, đến mùa thì kéo bạt, tuốt-hái- và cả những việc không tên mà anh cháu hay nói “Có thằng Nghĩa sai vặt cũng đỡ” . Tất nhiên ba và anh luôn dành cho cháu việc nhẹ, vặt vãnh của vườn – những công việc đáng lẽ ra phụ nữ làm còn tốt hơn cháu nhiều.

Cháu chỉ có thể nhìn, cố gắng học, lên mạng xem giá và nêu tình hình chung của giá cà, những nhận định riêng của mình trong 3 năm nay, vì nhà cháu không biết mạng là gì, đầu cơ ra sao, giá trừ lùi là cái gì … nói như bác Lai hàng xóm của cháu “Chúng tao già rồi có biết cái gì đâu”, cháu nghe mà thấy sao xót thật…. Cũng vì họ đã quá khổ và cam chịu, cháu xin phép gọi là chấp nhận thì đúng hơn. Những nhà nông được tiếp cận mạng cháu nghĩ là số ít hơn rất nhiều, phần đông cũng chỉ truyền tai cho nhau trong sáng sớm lúc ngồi nhâm nhi li cà phê, tách trà “Nhà chú Tư còn cà thì còn chờ chứ xóm này còn ai nữa” – “Nhà bán xong rồi bác ạ, em đẩy nó hôm 40, chứ để hoài nó lo, nhà còn bao nhiêu việc cần”, “Cầu mong năm sau nhà nước cho giá ổn định chứ mình thì biết làm gì đây chị” …

Thiết nghĩ cháu không trông mong là Nhà nước có đủ thời gian và tâm trí để vực dậy sự buôn bán còn đang bỏ ngỏ của ngành giao dịch đứng hàng thứ 2 thế giới ạ. Bên cạnh nào là lúa, là đánh bắt thủy hải sản, là công nghiệp hóa, hiện đại hóa, du lịch, giao thông, có quá nhiều cái để phải lo …Và ngành cà phê cũng chỉ phục vụ cho nhu cầu uống và giải trí. Nhiều khi cháu vẫn nghĩ “Để đó họ lo chứ mình nói có ai nghe, mà biết nói ở đâu bây giờ”.

Nhìn lại chúng ta có cà phê, là nơi sản xuất và có cái chung giống nhiều ngành: xuất khẩu sang nước bạn và nhập lại với cái giá đắng chát .

Cháu xin không đề cập đến sự yếu kém thật sự trong bán buôn vì sự thật cháu không biết rõ. Cháu học ngành xây dựng và cái này thì thực tình cháu xin thua.

Sự thật chúng ta cũng chỉ có 1 sàn ở Buôn Ma Thuột, cháu xin nói cả Bảo Lộc nơi cháu ở không quá trăm người biết ứng dụng thực tiễn của cái sàn này để làm gì vì tới bản thân cháu cũng không hiểu rõ cơ chế của nó…đối với những người nông dân vùng xa thì thực sự là còn quá xa vời khi phải mang cà phê ra tới Buôn Ma Thuột mà giao hàng hay bán.

Cháu đã từng nghĩ sẽ viết một lá thư cho ai đó có trách nhiệm cao về cà phê, và nêu ra những ý kiến của người nông dân mà cháu biết, bên cạnh những bất cập cháu thấy trong ngành, những nhận định cháu thấy cần thay đổi nhận thức từ người nông dân, những thay đổi cần phải học từ nước bạn như Braxin, In-đô-ne-xi-a. Và cách mà Anh, Mỹ có thể làm đảo lộn, lũng đoạn thị trường ngành cà mặc dù họ chả có hạt nào.

Thật sự cháu cũng không biết viết văn và diễn tả như thế nào, ra làm sao …. những câu văn trên nó không thật sự nuột nà nhưng cháu mong nhận được ý kiến của các bác, các anh …. và cháu cũng mong có những bạn trẻ cũng muốn góp sức thay đổi bộ mặt ngành cà, giúp nó đi lên, tự làm chủ chính mình chứ không chỉ ngồi tại chỗ và báo giá về cho Bố rằng: hôm nay cà phê 39.9 ạ .

Rất mong Ban quản trị biên tập lại giúp cháu ạ.

Trần Trung Nghĩa

 

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. tran hòa

    Chúng ta nên thay đổi tư duy. Cafe không phải để nuôi sống nông dân,mà phải là làm giàu Cho nông dân.và thế giới họ củng đang làm chuyện đó

  2. Ca phe cao nguyen

    Bạn là người làm gì cũng để cái tâm vào đó, mình đoán vậy. Tuy nhiên, điều bạn nói không mới. Rất nhiều người trong chúng ta thấy được như bạn. Không chỉ riêng cà phê mà các mặt hàng nông sản khác cũng vậy. Mình có nghe ai đó trên diễn đàn có nói, chúng ta thực sự thiếu một nhạc trưởng. Nhưng vấn đề là ai có khả năng làm, làm như thế nào và bao giờ làm thôi !

  3. lee van tin

    Mình cũng là sinh viên như bạn, nhờ đọc Y5Cafe mà hiểu biết thêm chút ít về ngành cafe Việt Nam, tất nhiên hiện tại vẫn còn nhiều vấn đề nan giải, bất cập nhưng nếu so với trước đây 6-7 năm thì mọi thứ tốt đẹp hơn nhiều : chất lượng cafe xuất khẩu tăng lên với nhiều bộ tiêu chuẩn ban hành, thương hiệu cafe VN cũng đc quốc tế ít nhiều biết đến, mức tiêu thụ nội địa cũng đc đẩy mạnh, doanh nghiệp FDI vào thu mua nên ko còn hiện tượng bị ép giá quá đáng, 1bộ phận nông dân khá giả chủ động trữ hàng để điều tiết

    * đặc biệt với sự xuất hiện của Y5Cafe trở thành diễn đàn để bà con nông dân trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất cafe, tiêu.., và cùng với những bản tin, giá cả cập nhật mỗi ngày, ý kiến của không ít chuyên gia đã cho bà con thấy được bức tranh toàn cảnh về giá cả, tình hình thị trường trên thế giới => giải quyết được vấn đề quan trọng là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để bà con ra quyết định mua – bán, trữ lại hàng

    Bạn có thể thất vọng khi thấy hiện trạng “được mùa, mất giá” hoặc mệt mỏi khi giá xuống quá thấp và quá lâu, nhưng thực sự cafe là 1 mặt hàng giao dịch nhiều như Vàng và Dầu, nó ko chỉ là sản phẩm tiêu dùng mà còn là sản phẩm tài chính của các quỹ đầu cơ, các ngân hàng đầu tư, các quỹ đại chúng giao dịch… nên cung cầu ko là yếu tố quyết định duy nhất… đó là 1 cuộc chiến không cân sức nên sự đoàn kết của bà con để điêu tiết lượng hàng rất quan trọng.

    Về sàn BCE hiện nay không phát triển như kỳ vọng của chính phủ thì vấn đề then chốt là thanh khoản thấp => ít nhà đầu tư, nông dân, doanh nghiệp tham gia => thanh khoản thấp =>.. vòng luẩn quẩn đã nhiều năm, có lẽ vấn đề nằm ở quy định đưa ra (mình chỉ đoán thế)
    Nhưng hiện tại có nhiều ngân hàng VN đã và đang có ý định tham gia vào việc mở sàn giao dịch nông sản, thực tế các ngân hàng sẽ dần đầu tư mạnh theo hướng này, vì đây là xu thế phát triển tất yếu của giới ngân hàng. hy vọng 5-6 năm nữa chúng ta sẽ có 1 sàn giao dịch nội địa nhộn nhịp để hạn chế rủi ro cho bà con.

    Góp ý cá nhân thì mình nghĩ nếu gia đình bạn nên chuyển sang 1 phần diện tích trồng tiêu, ở trên Y5 có rất nhiều chuyên gia tư vấn và bạn là sv như mình, bạn sẽ ko gặp khó khăn gì để học hỏi những kinh nghiêm đó để giúp gia đình mình, ngoài ra dư dôi 1 chút sau vụ mùa thì gd bạn cũng đừng mua sắm thứ gì mà nên giữ lại phòng khi những lúc giá giảm sâu thì vẫn có tiền trang trải sinh hoạt để trữ lại bán lúc giá lên, còn nếu kinh tế khá và bạn phân tích thông tin tốt thì có thể mua tiêu, cafe lúc giá thấp để kiếm lời sau đó.

  4. dongcanh

    Tớ cũng có suy nghĩ như cậu đấy, nhưng ít chữ nên không viết được, nhưng tơ được biết đất nước ta đang phấn đấu cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào những năm 2020, lúc đó chắc nông nghiệp cũng được công nghiệp hóa đó bạn.

  5. Lan Nguyễn

    Mấy bữa con trai mình học trong đó cũng cứ lên mạng vào thăm sàn gd đọc phân tích goi điện về cho ba mẹ, rồi nó cũng có những nhận định riêng trên cơ sở tham khảo các thông tin. Tụi trẻ biết suy nghĩ lo lắng chia sẻ với ba mẹ như vậy là tốt nhưng cái cốt yếu là lo việc học sao cho đạt kết quả cao, ra trường xin được việc làm là cái khó nhọc làm cà của ba mẹ đã được đền đáp rồi hoặc có chí học Kinh tế thì thử đầu tư nghiên cứu xem có cách nào mà giúp được nông dân làm cà đỡ vất vả, ngoài việc nghiên cứu Thị trường? Dẫu sao cô vẫn thấy bài viết của cháu hay, xuất phát từ cảm xúc rất thật.

  6. văn minh cười

    hãy cố gắng học hỏi tư duy, bản lĩnh, ý chí những người đi trước mình và phải có tâm huyết với con đường mình đã chọn cũng như trái tim yêu thương giống như chú Lê Phước Vũ chủ tịch tập đoàn tôn hoa sen, chú Nguyễn Mạnh Hùng chủ tịch thái hà book hay về cà phê thì chú Đặng Lê Nguyên Vũ và chú Nguyễn Hòa Chính giám đốc của cà phê vina Đăk Hà và rất là nhiều doanh nhân giám hy sinh, chấp nhận mọi thử thách thì mới tạo ra được sự khác biết được. “trước khi bình minh tới phải đi qua một đêm tối dài mà” chúc các bạn đọc luôn đi đúng hướng và giữ được tư duy sáng tạo và ý nghĩ lớn của mình. Hành Động

  7. HOÀNG VĂN CÔNG

    Tôi đồng ý với ý kiến của bạn chúng ta phải có những hành động tích cực để ngành càng phát triển

  8. Sam

    Thật sự thì em cũng ko rành về cà cho lắm nhưng gần đây em đi làm cho 1 công ty chế biến cà phê chất lượng cao do 1 anh người Hà Lan phụ trách sản xuất, người dân VN mình vẫn còn chưa thật sự tận dụng cây cà phê cho tốt nhất như các bạn nước ngoài. Hầu hết mọi người dân mình tút cả quả xanh lẫn đỏ trong khi hái quả đỏ thì được giá cao hơn rất nhiều. ở Lào hay Braxin thì người nông dân hái lựa chọn rất kỹ lưỡng và họ thu được hầu như sát giá sau khi hết vụ.
    Và em thấy khi mình phải chọn từng quả xanh để riêng quả đỏ để riêng em mới biết cà phê hòa tan người ta sử dụng những quả không đạt chuẩn dành cho người Việt mình sử dụng. Em cảm thấy chạnh lòng lắm luôn vì sao quả đẹp thì mình xuất khẩu trong khi dân mình, đồng bào mình lại phải sử dụng hàng loại 2 thậm chí loại 3.
    E ko có ý nói xấu cà phê hòa tan hay cái gì tương tự. Có gì không phải mong mọi người bỏ qua.

  9. nguyễn dung

    Cần một người có tâm, tài, có trí, có tầm nhìn, làm nhạc trưởng.
    Chi phí thì tăng không có giảm, trong khi giá cà phê cứ giảm thử hỏi ai giải bài toán đó đi. Người nông dân thua thiệt đủ đường.

  10. Nguyễn Giang

    Thật là buồn tại sao ở một nước xuất khẩu cafe đứng hàng thứ 2 thế gới mà giá lại thấp và phụ thuộc vào thị trường nước khác, không chủ động được giá khi trúng mùa… Đa số người Việt lại uống cafe loại 2 hoặc loại 3 hay cafe bấp gì đó.

    Nếu kêu gọi một người có tâm, tài, có trí, có tầm nhìn, làm nhạc trưởng thì chắc còn lâu lắm. Vì vậy ngoại trừ bản thân các nông dân đoàn kết với nhau thì mình kêu gọi các tín đồ của cafe hay thay đổi thói quen dùng cafe của mình là hãy tìm đến cafe sạch, nguyên chất để uống. Thứ nhất là đảm bảo sức khỏe của chính mình, thứ hai dần dần không cho cơ hội loại cafe kém chất lượng tồn tại và khẳng định hương vị riêng cho cafe Việt Nam. Khi mà cafe kém chất lượng dường như không còn tren thị trường thì những hạt cafe nguyên chất do nông dân sản xuất ra sẽ được tiêu thụ nhiều hơn thì cuối cùng giá sẽ được cải thiện hơn và lúc đó không phải buồn hay chạnh lòng vì phải uống cafe kém chất lượng trong khi nước mình xuất khẩu chỉ đứng hàng thứ 2. Chia sẽ trên chỉ theo cách nghĩ cá nhân mình thôi nó còn vụng về lắm.

  11. Tân Nguyễn Đăk lăk

    Tản mạn cà phê cùng bạn, giá cả các mặt hàng nào cũng vậy ai cũng muốn sản phẩm mình làm ra điều bán được giá cao không kém người nông dân trồng cà phê hay ông dân làm ra các sản phẩm khác. Để được điều như trên người ta phải lệ thuộc vào thị trường cung cầu tăng giảm sản lượng hàng năm và lệ thuộc nhiều vấn đề khác …chẳng hạn như nhu cầu trao đổi hàng hóa đi kèm với nhiều luật lệ thể chế cơ chế hoạt động mà người nông dân thì không thể có cơ hội nắm bắt được và hiểu được bởi nhiều lý do khác nhau như trình độ kiến thức, ngoại ngữ, vốn và năng lực… vv . có một điều lý thú ở đây là tại sao ở nước ta sao chưa làm được sàn giao dịch tốt như nước ngoài LonDon hay New york. Vì các nước là nền kinh tế tư bản lâu đời có đầy đủ mọi thứ cơ bản và cao lót đường cho sự phát triển còn ngược lại Việt nam thì chưa thể bì được. kinh tế tư bản là nền kinh tế mà bản chất là bóc lột cho một tổ chức chủ nghĩa cá nhân phát triển nên họ mạnh tay gom gói không có sự ràng buộc về cơ chế và thoải mái làm, còn ở nước ta thì phải chờ …bởi nền kinh tế của ta là nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa cao bất cập quá nhiều thứ phải làm từ từ cần có thời gian như sự quản lý còn yếu kém lo gom vào túi riêng, phân phát, chia điều phần trăm quá nhiều nên chưa tiến lên được và đây là điều mà Đảng, nhà nước, người dân quan tâm sâu sắc cần có nhiều đội ngũ thật tâm huyết đồng bộ mới giải mã được. Thân ái!

Tin đã đăng