Xử lý nợ thuế ở Đắk Lắk: Thừa bất cập, thiếu căn cơ!

Nợ thuế, nhất là nhóm nợ khó thu liên tục tăng trong thời gian qua khiến dư luận băn khoăn, phải chăng công tác quản lý và xử lý nợ thuế đang có vấn đề (?!)

> Kinh doanh cà phê: Mua cao, bán thấp để … chiếm đoạt thuế

Nợ thuế liên tục tăng

Trước tình hình nợ thuế tăng mạnh, giữa năm 2013 Cục Thuế đã xây dựng và triển khai Phương án giảm nợ thuế với mục tiêu chính là kéo giảm và hạn chế phát sinh nợ mới.

Tuy nhiên, diễn biến trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại: theo số liệu tổng hợp của Cục Thuế, ước đến hết tháng 3-2014, tổng nợ thuế đã hơn 628,8 tỷ đồng, tăng gần 33 tỷ đồng so với cuối năm 2013; 13/16 đơn vị được giao quản lý thu có số nợ thuế tăng so với cuối năm 2013, tăng nhiều nhất là các đơn vị: Phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế) tăng hơn 12,5 tỷ đồng, Chi cục Thuế (CCT) huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) tăng hơn 5 tỷ đồng, CCT huyện Krông Pak tăng hơn 4,3 tỷ đồng, CCT huyện Krông Buk tăng hơn 3,6 tỷ đồng…

Riêng ở nhóm nợ khó thu, CCT thị xã Buôn Hồ xếp “đầu bảng” với số nợ trên 56 tỷ đồng, tăng hơn 2,8 tỷ đồng so với cuối năm 2013; tiếp đến là các đơn vị: CCT TP. Buôn Ma Thuột, Phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, CCT huyện Krông Năng…

Đối với nhóm nợ quá 90 ngày, trong khi nhiều đơn vị đã tổ chức thu kịp thời, giảm được nhiều tỷ đồng so với cuối năm 2013 thì các CCT: Ea Kar, Ea H’leo, Ea Súp, Krông Pak, Krông Ana và M’ Drak lại có nợ tăng, trong đó CCT Ea H’leo tăng hơn 1,4 tỷ đồng.

co so thu mua ca phe quang huy
Cơ sở kinh doanh của ông Nguyễn Văn Bình đã đóng cửa im ỉm (Ảnh chụp lúc 13 giờ 30 phút ngày 7-4-2014).

Theo Cục Thuế, nguyên nhân khách quan khiến nợ thuế tăng cao là do chính sách đăng ký kinh doanh thông thoáng và một phần do Nhà nước trao quyền tự in, đặt in hóa đơn cho DN đã dẫn đến tình trạng người kinh doanh thành lập DN, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, gây nợ thuế lớn rồi bỏ kinh doanh hoặc thay tên đổi chủ nhằm chiếm đoạt tiền thuế; người nộp thuế, chấp nhận nộp phạt để chiếm dụng tiền thuế; DN ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật nên cơ quan thuế chưa thu và xử lý được.

Khá nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, thi công công trình bằng vốn ngân sách nhưng chậm được chủ đầu tư thanh toán vốn nên gặp khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách; không ít trường hợp người nộp thuế không còn tài sản nên hiệu quả việc cưỡng chế, kê biên tài sản không cao.

Về chủ quan, cán bộ làm công tác quản lý nợ ở hầu hết các CCT đều chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, năng lực hạn chế; việc xác minh thông tin để thực hiện cưỡng chế chưa triệt để, chưa kịp thời; công tác phối hợp thu nợ giữa các ban, ngành liên quan chưa được nhịp nhàng, thiếu đồng bộ.

Nghiêm trọng hơn, đã có trường hợp lãnh đạo một số CCT chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, trong khi cán bộ được giao phụ trách địa bàn chưa thật sự chú trọng đến công tác thu hồi nợ của đơn vị mình được phân công phụ trách. Rất nhiều trường hợp, việc nắm bắt thông tin chỉ thông qua các đợt kiểm tra hoặc… gọi điện thoại hỏi thăm tình hình!

Trách nhiệm cán bộ thuế đến đâu?

Nợ thuế tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính là do cách quản lý, chỉ đạo, điều hành thu và xử lý nợ thuế còn nhiều bất cập.

Nhiều người cho rằng việc quản lý và thu hồi nợ thuế đang diễn ra theo kiểu được chăng hay chớ; thể hiện khá rõ ở việc đôn đốc, thu hồi nợ thuế của CCT huyện Krông Buk đối với hộ kinh doanh Nguyễn Văn Bình, chủ cơ sở kinh doanh cà phê, nông sản Quang Huy (thôn Tân Lập 3, xã Pơng Drang, huyện Krông Buk). Hiện cơ sở kinh doanh này đã đóng cửa, UBND huyện đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng trực thuộc điều tra, xác minh việc cơ sở này có dấu hiệu chiếm dụng, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước và không trả cà phê cho các hộ dân đã gửi tại đây.

Tính đến thời điểm này, cơ sở còn nợ ngân sách hơn 2,2 tỷ đồng tiền thuế và phạt nộp chậm. Rà soát lại hộ kinh doanh này cho thấy, tình trạng nợ thuế đã xảy ra từ nhiều năm nay, CCT huyện Krông Buk chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Chẳng hạn, tại thời điểm tháng 7-2010, hộ kinh doanh này nợ ngân sách hơn 1,9 tỷ đồng nên ngày 6-7-2010, CCT huyện Krông Buk có buổi làm việc với ông Bình, qua đó, ông Bình cam kết trả nợ theo lộ trình: tháng 7-2010 nộp 500 triệu đồng; tháng 8, 9, 10-2010, mỗi tháng nộp 200 triệu đồng; tháng 11-2010 nộp 500 triệu đồng và tháng 12-2010 thanh toán hết số nợ còn lại.

Để làm tin, ông Bình thế chấp cho CCT huyện Krông Buk 27 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến ngày 18-10-2011, CCT huyện Krông Buk lại có buổi làm việc với ông Bình về nội dung giải quyết nợ thuế trước khi thực hiện cưỡng chế, lúc này số nợ thuế của ông Bình đã vượt con số 3,8 tỷ đồng.

Cũng như lần làm việc trước, ông Bình tiếp tục đề nghị trả nợ theo lộ trình thỏa thuận và thế chấp cho CCT huyện Krông Buk 17 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân nợ ông Bình tiền ứng trước. Chẳng biết việc thực hiện cam kết của ông Bình đến đâu, CCT huyện Krông Buk đã tiến hành áp dụng các biện pháp thu nợ gì mà đến cuối tháng 2-2014, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Bình còn nợ hơn 2,2 tỷ đồng tiền thuế.

Cho đến ngày 27-3-2014, trước những dấu hiệu “vỡ nợ” của hộ kinh doanh này, CCT huyện Krông Buk mới có văn bản báo cáo UBND huyện, trong đó có đoạn: “Tháng 1, 2, 3-2014, CCT đã nhiều lần mời ông Bình đến làm việc, nhưng ngày 19-3-2014 ông Bình mới đến, đang lập biên bản làm việc thì ông Bình có việc riêng xin về giải quyết và xin hẹn lúc khác làm việc.

Ngày 24-3-2014, CCT tiếp tục mời ông Bình đến giải quyết việc nợ tiền thuế, nhưng ông Bình không đến và gọi điện thoại xin hoãn vì công việc… đột xuất phải giải quyết”. Cũng tại văn bản này, sau khi diễn giải nhiều điều, CCT huyện Krông Buk nhận định: “… việc thu nợ tiền thuế của ông Bình là rất khó khăn”!

Điều đáng quan tâm là trường hợp trên không phải cá biệt, tình trạng lỏng lẻo trong quản lý, thiếu kiên quyết trong xử lý nợ thuế đang diễn ra khá phổ biến. Do đó, bên cạnh việc xử lý nghiêm người nộp thuế chây ì, thậm chí mưu toan chiếm đoạt tiền thuế thì cũng cần xem lại tư cách những cán bộ được giao quản lý, thu ngân sách Nhà nước không hoàn thành nhiệm vụ, không thể để kéo dài tình trạng “dễ thu, khó bỏ” được. Nếu không làm tốt điều này, rất dễ dẫn đến tình trạng cán bộ tiếp tay cho doanh nghiệp trốn thuế.

Qua thực tế trên, dư luận có quyền đặt câu hỏi: cán bộ ngân hàng cho vay sai quy định, gây thất thoát tiền của Nhà nước sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khi cán bộ thuế không thu được nợ thuế nhiều tỷ đồng. (về mặt bản chất thì cũng là gây thất thu tiền Nhà nước) nhưng chưa thấy ai bị xử lý hình sự. Điều này liệu có công bằng? Câu hỏi xin được chuyển đến những người có trách nhiệm.

> Cà phê “nóng” chuyện gian lận thuế

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng