Thị trường cà phê: nhìn lại quý I/2014

Ba tháng đầu năm nay, giá nhiều sàn kỳ hạn nông sản tăng, mạnh nhất là cà phê. Giá cà phê còn nóng nữa không? Chưa ai dám khẳng định nhưng ngày cuối tuần hôm qua giá cà phê lại phóng lên cực mạnh.

Nhìn lại thị trường quí I/2014

Nếu như giá cà phê nội địa cuối năm 2013 chỉ còn từ 33,5 đến 34 triệu đồng/tấn, thì đến giữa tháng 3-2014 lên 42 triệu và sau đó dịu dần đến cuối quí 1 còn quanh mức 39,7 triệu đồng/tấn.

Giá tăng đã kích hàng ra thị trường. Lượng xuất khẩu trong ba tháng đầu năm nay nhờ thế mà tăng mạnh. Tuy giá xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ tính trên cơ sở chênh lệch giữa cảng TPHCM và giá niêm yết của sàn kỳ hạn Ice Liffe London giảm, có lúc xuống trừ 120 đô la Mỹ/tấn, giảm 90 đô la so với đầu niên vụ là trừ 30 đô la/tấn FOB, xuất khẩu cà phê không vì thế mà ít đi vì giá tiền tươi (outright) khá tốt.

loi nhuan cua cac nha tai chinh quy 1 2014
Biểu đồ 1: Lợi suất đầu tư của quí 1-2014 trên một số thị trường tài chính thế giới

Phải nói rằng giá cà phê nội địa vừa qua tăng là nhờ các quỹ đầu tư tài chính đặt cược vào các sàn kỳ hạn nông sản trên thế giới và tình hình hạn hán tại các vùng trồng cà phê Brazil. Chính nhờ “cú đúp” này, giá ba sàn kỳ hạn cà phê đã đạt lợi suất đầu tư cao nhất trong nhóm 4 thị trường có giá tăng mạnh nhất trong quí 1-2014.

Thật vậy, lợi suất của sàn arabica Ice New York trong kỳ tăng 60,7%, sàn arabica Brazil 48,4% và robusta Ice Liffe tăng 27,8% (xin xem biểu đồ trên – ba cột đầu tiên biểu thị 3 sàn cà phê).

Tuy nhiên, điều làm cho các nhà phân tích thị trường phải đắn đo là trong số 36 thị trường, chỉ có 5 sàn có lợi suất giảm. Số còn lại (31) đều được các quỹ đầu cơ bơm tiền vào đặt cược nên đều tăng.

Vì thế chưa ai dám quả quyết giá nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt cà phê, vừa qua nóng chủ yếu là do luồng vốn đầu tư hay do hạn hán tại Brazil. Dù sao, vẫn có quyền hy vọng yếu tố thời tiết, nếu thực sự ảnh hưởng đến sản lượng cà phê thế giới, sẽ kích thêm và kéo dài cảm hứng của các quỹ đầu cơ vào mặt hàng này để giá có điều kiện cao hơn trong thời gian sắp tới.

Giá dịu đi sau kỳ tăng nóng

Đầu năm nay, giá kỳ hạn Ice Liffe chỉ quanh mức 1.600 đô la Mỹ/tấn. Chỉ trong vòng ba tháng, có lúc đã tăng thêm 600 đô la/tấn. Trong khi đó, giá arabica New York còn tăng mạnh hơn, từ 113,70 xu/cân Anh (cts/lb) ngày giao dịch đầu năm, có lúc lên trên 210 cts/lb, tăng tương đương với 2.123 đô la/tấn.

gia dong cua ca phe robusta tuan qua
Biểu đồ 2: Diễn biến giá đóng cửa sàn robusta London trong tháng 3-2014 (tác giả cập nhật)

Đến hôm nay thứ Bảy 5-4-2014, giá có phần dịu đi dù khuya hôm qua phiên cuối tuần có giá đóng cửa tăng mạnh sau mấy ngày “ẻo lả”.

Nhiều người cho rằng đợt giá giảm bắt đầu từ nửa cuối tháng 3-2014 đến nay là tất nhiên do thị trường hàng thực (physical market) sôi động, hàng bán nhiều hơn khi giá tăng; mặt khác đầu cơ tiến hành bán thanh lý lượng hàng đã mua khống khổng lồ trên sàn kỳ hạn, đặc biệt sàn arabica.

Giá tăng, hăng bán

Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê tháng 3-2014 của Việt Nam ước đạt 220.000 tấn, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2013, thấp hơn so với ước báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra trước đây là 274.000 tấn. Như vậy, trong quí 1-2014 lượng cà phê nước ta đã xuất bán đạt 544.000 tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

bieu do xuat khau ca phe cua columbia
Biểu đồ 3: Xuất khẩu cà phê từ Colombia tăng vững

Đợt giá nội địa lên trên 40.000 đồng/kg trong hai tháng trước đây và giá xuất khẩu dựa trên chênh lệch (differential) giảm đã là dịp cho các nhà kinh doanh bung tiền mua mạnh. Nên, trong tháng 4-2014, lượng xuất khẩu có thể vẫn còn cao, ước 180-200.000 tấn, một nhà phân tích dự đoán.

Cùng thời gian ấy, Bộ Thương mại Brazil ước xuất khẩu nước này trong tháng 3-2014 cũng cao, đạt 2,56 triệu bao (60 kg x bao), tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng giảm nhẹ so với tháng 2-2014 là 2,60 triệu bao.

Hiệp hội Cà phê Colombia (Fedecafe) ước xuất khẩu tháng 3-2014 của nước này tăng 37% đạt 928.000 bao (60 kg x bao) so với 677.000 bao của tháng trước. Lũy kế xuất khẩu của Colombia 6 tháng đầu niên vụ 2013/14 ước đạt 5,82 triệu bao, tăng 37% so với cùng kỳ. Đối với Colombia, nước sản xuất và xuất khẩu lớn thứ ba của thế giới và là một trong những nước sản xuất cà phê arabica tốt nhất thế giới, đây là tháng thứ sáu liên tiếp có lượng xuất khẩu tăng. Từ năm 2010 đến nay, do thực hiện tái canh, sản lượng cà phê Colombia thất thường, nên xuất khẩu có khi chỉ đạt 7 triệu bao (xin xem biểu đồ 3).

Đến nay, chương trình tái canh Colombia đã gần hoàn thành, sản lượng ổn định và tăng dần. Nếu như trong sáu tháng đầu niên vụ, số lượng cà phê đưa ra để chế biến chừng 6 triệu bao, khả năng sản lượng năm này chừng 11,4 triệu bao là trong tầm tay, thậm chí có thể còn cao hơn.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho rằng trong tháng 2-2014, thế giới mạnh tay bán ra nhờ giá kỳ hạn tăng mạnh. Theo ICO, xuất khẩu cà phê cả thế giới trong tháng 2-2014 đạt 9,003 triệu bao, tăng 4,3% so với cùng kỳ, trong đó arabica loại thơm dịu của Colombia tăng 30%, arabica chế biến khô Brazil tăng 11% và robusta tăng 2,8%. Lũy kế năm tháng đầu niên vụ 2013/14 bắt đầu từ 1-10-2013 cả thế giới xuất khẩu 42,677 triệu bao.

Giá cà phê tăng giảm thất thường trong tuần qua

Giá cà phê nội địa tuần qua có lúc giảm xuống 38.500 đồng/kg do ảnh hưởng của đợt bán tháo trên sàn kỳ hạn đầu tuần, giảm 1.200 đồng so với cuối tuần trước. Nhưng giá kỳ hạn đã giật lên mạnh vào ngày hôm qua, thứ Sáu 4-4-2014, đóng cửa mức 2.072 đô la/tấn cơ sở giao dịch tháng 7-2014, tăng 59 đô la so với hôm trước nhưng cả tuần giảm 21 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 2). Tại sàn arabica New York, giá tăng 10,40 cts/lb đạt 187,10 cts/lb, cả tuần tăng tương đương 99 đô la/tấn. Nhờ vậy, giá nội địa sáng nay thứ Bảy 5-4 đã lên lại 39.500 đồng/kg, giảm 200 đồng so với tuần trước.

ton kho ca phe robusta liffe
Biểu đồ 4: Tồn kho robusta (certs) của Ice Liffe London đến 31-3

Thị trường cho rằng giá kỳ hạn phiên cuối tuần tăng mạnh do tồn kho robusta tại sàn Ice Liffe London giảm mạnh dù lượng xuất khẩu robusta vẫn tăng, chứng tỏ nhu cầu loại cà phê này đang phục hồi dần.

Tồn kho robusta được sàn ICE Liffe London chấp nhận chất lượng (certs) chỉ còn 18.330 tấn, giảm 5.510 tấn tính đến 31-03, dù trong kỳ báo cáo đã có thêm 1.430 tấn được tăng cường. Như vậy, tồn kho hiện tại giảm đến 85% so với cách đây 52 tuần, bấy giờ là 188.570 tấn và là mức thấp nhất tính từ tháng 11-1999 đến nay (xin xem biểu đồ 4).

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. yennguyen

    bài viết tổng hợp khá đầy đủ. hay nhất câu” giá tăng, hăng bán”. lợi suất đầu tư hàng A và R là 60 – 30% với cà Arabica thì lợi suất quả là trong mơ. nếu robusta cũng là 60% thì giá Liffe chắc phải cận 2600 usd/tấn. người cầm cà A đã được mơ rồi còn chúng ta làm cà Rô có vẻ ước mơ chưa trọn vẹn.

  2. tran hòa

    Giá trước đây quá thấp giờ giá tăng có vẽ như đang nằm ở vùng cao nhưng thật ra vẩn chưa đạt đến giá trị thật của nó

    1. yennguyen

      1 kg cà phê đổi được hơn 3kg gạo, 1 năm lúa gạo thu 3 vụ trong khi cà phê thu 1 vụ. vì thế giá trị thực của 1 kg cà phê đang tương đương 1kg gạo.

      1. tran hòa

        Yennguyen so sánh khôn ghê nhưng như vậy củng là m cách để chúng ta thấy rõ cà phe ro đang được thị trường định giá như thế nào

    2. Đắkru

      Giá trị hàng hóa tuân theo quy luật thị trường, giá thật chính là giá mà người mua, bán chấp nhận. Bất kể giá có thể dưới giá thành sản xuất.

      1. tran hòa

        Quy luật thị trường chỉ đúng khi nào thị trường đó không bị lủng đoạn, đấu cơ khống chế

  3. k.sinh

    Cảm ơn bác Bình đã đưa nhiều thông tin tốt về cà phê cho bà con chúng tôi. Tôi xin mạn phép bác bố xung mấy ý cho hoàn chỉnh.
    – Ấn Độ công bố sản lượng từ 347000 tấn xuống 311500 tấn
    – Brazil ước sản lượng 40.1 đến 43.3 triệu bao 60kg. Cộng với CP tăng lãi suất lên 10% làm đồng BRL tăng.
    – Bảng lương phi nông nghiệp Mỹ không như kỳ vọng làm đồng USD mất giá đẩy giá hàng hoá lên cao trong đó có cà phê.
    – El Nino quay trở lại.
    – Nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới tăng 5 triệu bao.
    – Giá cà Arabica cao gần gấp đôi cà Robuta.

    1. tran hòa

      Thông tin của k sinh rất lý thú nhưng cho hỏi brazil ước sản lương 40.1 đến 43.3 triệu bao thông tin đó là ở đâu xin nói rõ

      1. k.sinh

        Tôi cũng xem thông tin ở trên mạng. Tin từ Sao Paulo do Hội đông cà phe quốc gia Brazin công bố.

  4. Ca phe cao nguyen

    Nhu cầu tăng 5 triệu bao, sản lượng giảm 2 triệu (chỉ là dự đoán, theo mình nghĩ là sẽ hơn). Nên thiếu tổng cộng khoảng 7 triệu bao. Tương đương 420k tấn. Con số quả thật không nhỏ.
    Cộng với một loạt tin tốt cho việc hỗ trợ giá tăng.
    Tác nhân về cơ bản là đủ.
    Hy vọng các nhà đầu cơ bớt làm mưa làm gió chút cho bà con nông dân hưởng sái chút đỉnh ! hihi

  5. ngoalong

    sẽ còn đẩy giá nên tiếp,có thể năm sau giá hàng sẽ đạt kỉ lục do mùa này thất thu ”ý kiến cá nhân”

  6. Krông ana

    Có bác nào biết giá cà phê hôm nay không? Làm ơn chia sẻ với em đang ở Bình Dương nên không biết giá cả thế nào mà vào diễn đàn lại không thấy cập nhật giá ngày hôm nay.

  7. hoa binh

    Bạn hãy yên tâm đi , 15h30 là họ sẽ cập nhật giá cho , nhưng màu giá sẽ xanh tươi mát mẽ thôi mà , bạn lo việc xong về bán cà là vừa đấy !

Tin đã đăng