Dự án “Lọc nước bằng than hoạt tính sản xuất từ vỏ cà phê” của Lưu Quản Trọng, sinh viên ngành công nghệ sinh học của Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), giúp người nông dân giảm thiểu tối đa tỷ lệ tôm, cá bị chết khi nuôi trong môi trường ao hồ.
Trọng cho biết vỏ cà phê được nung trong điều kiện hạn chế tiếp xúc với không khí ở nhiệt độ trên 5000C, tạo điều kiện cho việc hình thành cấu trúc tinh thể tương tự cấu trúc than chì. Khi tồn tại ở dạng cấu trúc này, than hoạt tính sản xuất từ vỏ cà phê sẽ được định lượng (ở một lượng thuốc trừ sâu nhất định 0,0004 mol\lít) và định tính (thay đổi thời gian đốt khí co2, Nitơ) để kiểm tra khả năng hấp thụ các chất gây hại trong môi trường nước.
Trọng chia sẻ: “Khi thực hiện đề tài này, mình hướng tới làm giảm đáng kể những phân tử hóa sinh gây hại, đặc biệt là cypermethrin bằng sự hấp thụ của than hoạt tính từ vỏ cà phê. Giảm được các tác động gây hại đến môi trường sống của các loài sinh vật nuôi trong ao hồ; các hội chứng suy giảm chức năng sinh tồn có nguy cơ lây lan cao như hội chứng tôm, cá chết sớm”.
Không những thế, theo Trọng, dự án còn có lợi ích là tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu thải ra từ vỏ cà phê của các tỉnh Tây nguyên nhằm khai thác có hiệu quả các lợi ích kinh tế từ loại phế phẩm nông nghiệp này.
Trọng mong muốn sản phẩm than hoạt tính từ vỏ cà phê sẽ được các cấp, các ngành liên quan đặc biệt quan tâm sản xuất thành sản phẩm đại trà, giúp người nông dân dễ dàng tiếp cận để sử dụng trong việc nuôi tôm, cá đạt hiệu quả cao