Tin buồn

Đắk Nông: Bắt nữ giám đốc sản xuất phân bón giả

Công an Đắk Nông vừa có quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với bà Vũ Thị Ngọc Bích (45 tuổi), giám đốc Công ty sản xuất thương mại và dịch vụ Việt Nhật, trụ sở tại thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jút, về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

Theo kết quả điều tra, Công ty Việt Nhật do bà Bích trực tiếp quản lý điều hành đã có những sai phạm trong việc thực hiện các quy định, quy trình sản xuất phân bón, không sử dụng máy móc dây chuyền để sản xuất, không xây dựng phòng thí nghiệm, hợp đồng với đơn vị có chức năng để thực hiện kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào, chất lượng sản phẩm sản xuất ra mà vẫn bán ra thị trường, ủy quyền cho người không có trình độ chuyên môn theo quy định để trực tiếp điều hành sản xuất phân bón…

Với thủ đoạn đó, từ tháng 3 đến tháng 8-2013, Công ty Việt Nhật sản xuất và bán ra thị trường với số lượng 118,8 tấn phân bón kém chất lượng, trong đó có 31 tấn phân bón đã bán cho người dân được cơ quan điều tra xác định hoàn toàn đều là phân bón giả.

Toàn bộ số phân bón này sau khi được người dân mua về sử dụng một thời gian ngắn thì thấy hiện tượng cây vàng lá, chết dần.

Để che mắt cơ quan chức năng, Công ty Việt Nhật đã liên kết với Công ty Việt Nhật Đắk Lắk do bà Lê Thị Thúy làm giám đốc kê khai khống các hóa đơn giá trị gia tăng thể hiện việc mua nguyên liệu đầu vào để phục vụ sản xuất nhằm che giấu việc sản xuất phân bón kém chất lượng của Công ty Việt Nhật.

>> Cơ sở sản xuất phân bón vi phạm nghiêm trọng sẽ bị rút giấy phép

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tiệp Bình Phước

    Đây có fai là công ty phân bon Việt Nhật có tiếng hay là 1 cty khác nữa nhỉ? Bao bì có giống nhau không?

  2. Thu Hà

    Phải bắt bà giám đốc vô lương tâm này ra chịu tội trước dân, và đền bù thiệt hại cho vườn càfê của họ, hèn gì cafê ngày càng vàng lá khô héo, rồi chết dần tôi cũng hiểu tại làm sao, thì ra, tại mình tin dùng phân bón Việt Nhật bấy lâu nay

  3. ho nam

    Tại sao mà nhà nước lại cho nhiều công ty cùng kinh doanh một mặt hàng là phân bón cùng mang chung một cái tên là Việt – Nhật được đăng ký trùng thương hiệu?

  4. Nông dân cà phê

    Không biết phân bón Việt Nhật thật thế nào mà không thấy lên tiếng trong vụ này?
    Ngay từ đầu khi thành lập công ty mang tên Việt Nhật của bà Bích là đã có ý đồ gì đó rồi vậy mà nhà nước ta vẫn không kiểm soát vấn đề này, để khi bà ta lừa đảo dân hàng tỷ đồng rồi mới bắt. Chỉ khổ nông dân thôi, quản lý thị trường, nhân viên thuế má vẫn đầy nhan nhản ra đấy mà vẫn để cho bọn lừa đảo lộng hành.
    Vụ việc bị phanh khui khi đó kẻ lừa đảo vào tù, nông dân bị thiệt hại nhưng những người quản lý nhà nước, người hoạch định chính sách sai chẳng phải chịu trách nhiệm gì cả! đời thật bất công.

    1. Nguyễn Vịnh

      Luật pháp của mình không kín kẽ, ví dụ:
      -Công ty TNHH Việt-Nhật.
      -Công ty TNHH Phân bón Việt-Nhật.
      -Công ty Thương mại Việt-Nhật.
      -Công ty Dịch vụ – Thương mại Việt-Nhật.
      -Công ty Phân bón Việt-Nhật.
      -Công ty Sản xuất Phân bón Việt-Nhật.
      -Công ty Cổ phần Phân bón Việt-Nhật.
      -Công ty Phân bón Việt-Nhật ĐăkLăk…
      và vô số cái tên na ná… đều được coi là khác nhau, vì tên nó không giống nhau 100 %.
      Vậy nên chỉ có nông dân mới chết !

  5. Trần Ninh

    Anh Nguyễn Vịnh thân mến, về vấn đề tên gọi của một công ty trong quy định của luật kinh tế và luật doanh nghiệp: Doanh nghiệp phải có tên riêng (tên riêng không trùng và không được để dễ nhầm với tên doanh nghiệp khác). Chỉ có điều cơ quan chức năng Nhà nước thực hiện điều đó như thế nào mà thôi.
    Đơn cử một ví dụ: một cơ sở luyện thi đại học tư nhân treo bảng hiệu ” Cơ sở luyện thi đại học Tây Nguyên”, nhìn vào đây 100% ai cũng tưởng là do Đại học Tây Nguyên mở cơ sở luyện thi này, nhưng thực chất 100% không phải của ĐHTN.

  6. MUF

    Do được bôi trơn nên tên thương hiệu mới dễ dãi như vậy, còn đúng nguyên luật thì đùng hòng có các tên à uôm như nhau như vậy:

    Khoản 21 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt với các tổ chức, cá nhân khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh – tức là khu vực địa lý nơi tổ chức, cá nhân ấy có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.
    “Để tên thương mại được bảo hộ theo pháp luật Sở hữu trí tuệ (được quy định tại các Điều 76,77,78 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành) thì nhìn chung, tên thương mại phải có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Ngoài ra, tên thương mại còn phải đáp ứng một số yêu cầu khác, đó là:

    – Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi;

    – Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

    – Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.”

    1. võ cẩm phương

      Cuộc sống người nông dân cơ cực lắm rồi, được mùa thì mất giá và ngược lại làm quanh năm đầu tắt mặt tối, chi tạm đủ ăn. Những người mất nhân tính đó còn làm phân giả hại dân hư hại vườn cà phê cũng như hút máu của dân đó. Đề nghị các cấp có thẩm quyền cho họ một mức án thật nặng như tù chung thân để làm gương cho người khác.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85