Sáng nay, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tiếp tục giảm thêm 1.500 đồng, xuống còn 30.800 – 31.100 đồng/kg, mức giảm hiếm thấy trong nhiều năm.
Thị trường London:
Tại sàn NYSE Liffe, giá cà phê Robusta tiếp tục lao dốc. Kỳ hạn giao ngay tháng 11 giảm thêm 60 USD, tương đương giảm 4 %, xuống 1.499 USD/tấn trong khi kỳ hạn giao tháng 1/2014 giảm thêm 38 USD, tương đương giảm 2,53 %, còn 1.500 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3/2014 giảm thêm 37 USD, tương đương giảm 2,48 %, còn 1.491 USD/tấn, các mức giảm rất mạnh.
Thị trường New York:
Trên sàn ICE, giá cà phê Arabica kéo dài chuỗi suy giảm lên phiên thứ 10 liên tiếp. Kỳ hạn giao tháng 12 giảm thêm 1,55 cent, tức giảm 1,42 %, xuống 107,55 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2014 giảm thêm 1,65 cent, tức giảm 1,47 %, còn 110,65 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể.
Thị trường kỳ hạn New York có chuỗi suy giảm dài nhất trong 11 năm qua.
Giá cà phê Robusta London tiếp tục suy giảm do sức ép vụ mùa mới của Việt Nam bắt đầu thu hoạch và dự kiến khả năng năm sau nguồn cung cà phê Robusta tiếp tục dồi dào hơn khi các nước sản xuất hàng đầu như Indonesia, Ấn Độ và Uganda sẽ có vụ mùa mới lớn hơn. Điều này đã không ngăn cản được nhà đầu tư trên thị trường London tiếp tục bán khống làm giá giảm sâu hơn.
Thời tiết hiện nay ở Brazil được cho là rất thuận lợi để hoa cà phê nở và nông dân chăm sóc hứa hẹn sản lượng vụ tới tiếp tục gia tăng. Công ty môi giới Flavour Coffee có trụ sở tại Rio de Janeiro dự báo vụ tới sẽ đạt kỷ lục 60 triệu bao.
Kona Haque, chuyên gia phân tích của ngân hàng đầu tư Macquarie Group cho rằng khả năng này sẽ khiến giá có thể giảm xuống mức 1 USD/lb vào cuối năm. Giá đã giảm 24 % trong năm nay.
Giá cà phê nhân xô tại Tây nguyên giảm thêm 1.500 đồng/kg, mức giảm hiếm thấy, xuống ở 30.800 – 31.100 đồng/kg.
Anh Văn (giacaphe.com)
Nản nhỉ, đúng là giá rơi tự do. Với giá này người dân bán cà đâu có lời, chắc chắn không có ai ngu gì bán lúc này. Mấy ông cứ hợp đồng bán khống đi nhé mà hốt tiền. Nhà tôi có vài tấn thôi nhưng còn lâu tôi mới cho xuất các ông ạ. Nhiều người như tôi thì các ông chuẩn bị về mà trồng cà để được giá rẻ tối đa.
Vấn đề ở đây không phải ngu hay khôn mà vấn đề nằm ở chỗ sản xuất ra rồi không bán thì cũng chẳng biết để làm gì. tạm trữ cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì không trữ mãi được.
Bác tưởng tượng nếu giá không cải thiện thì càng giữ càng thiệt, các nước sản xuất cà phê đang tranh thủ giải phóng hàng tồn kho trong bối cảnh thừa cà phê còn nông dân mình thì giữ lại nhường khách hàng mua cho các nước bạn.
Giá 47 thì đợi 50, hơn 40 thì đợi 45, hơn 30 thì đợi 40 còn dưới 30 thì lại đợi 30. Năm vừa qua nhiều bác đợi giá 50 không biết liệu có bán ở mức 30.000 không nhỉ? Tình hình này bà con ta mỗi người giữ lại 1 ít để uống, hòng cải thiện nhu cầu thị trường thôi. May ra cách xử lý của tư bản trong cuộc khủng hoảng thừa là đổ hàng tồn kho xuống biển mới giải quyết được bài toán bao giờ cà phê hết giảm.
Từ đầu niên vụ đến nay giá sàn cứ rớt mạnh mấy phiên thì có một vài phiên tăng lại chút ít và sau đó lại cứ rớt thẳng. Cái đà này thì giá cà phê trong tuần sẽ lặn xuống dưới 30 ngàn đồng một kg. Những yếu tố hỗ trợ giá xuống đang chi phối đầy rẫy thị trường. Trên thế giới các nhà buôn không mặn mà với mặt hàng cà phê có lẽ họ đang chờ giá xuống nữa.Trong nước thương lái mua hôm nay thì ngày mai đã lỗ nặng nên mấy ai còn muốn mua và khi thị trường ít có khách mua thì tạo nên chuỗi tâm lý xấu liên hoàn thế là giá lại cứ xuống! Trong tình cảnh này bà con nông dân mình nếu những ai chỉ có canh tác duy nhất là cà phê thì thật là chua chát. Biết làm sao bây giờ vì đó là quy luật của cơ chế thị trường mà!
Trước tình hình giá cà phê đang bị thao túng, làm thiệt hại cho nông dân và kinh tế đất nước. Rất mong Nhà nước phát huy vai trò của mình lúc này.
Khổ lắm bà con ạ, giá lại rớt nữa rồi. Ở chỗ tôi các thuơng lái mua chưa đến ba mươi ngàn/ký, mà tiền cũng không có cho dân thế mới chết chứ, đành rằng giá cả lên xuống là chuyện của thị trường, nhưng nếu đất nước mình đủ giàu mạnh thì những đợt xuống giá chính phủ tung tiền để cứu người dân trồng caphe, nhưng tôi thấy nhiều năm rồi là khi giá rớt thì nhà nước làm ngơ, đến lúc dân phải bán cà giá thấp hết rồi thì lại bỏ tiền ra để “cứu”, lúc đó chỉ có các doanh nghiệp là no còn dân thì khổ dài dài…
nhưng giá cứ tiếp tục rớt thế này thì không có vốn để đầu tư và trang trải. cũng chỉ vì 1 chữ Tham… biết thế này đẩy hết hồi 40k
trần du nói vậy thôi chứ nhiều nhà tuy không muốn nhưng cũng phải bấm bụng bán một ít để có tiền trang trải chi phí thu hoạch
Nuôi trồng cà phê cực nhọc mà đến khi thu hoạch lại bị ép giá thì chẳng còn gì buồn hơn, bà con cố gắng găm hàng đến hết năm đi, dựa vào vụ mùa thu hoạch như báo đã nói thì đà bán khống sẽ còn tiếp tục tăng, nhưng đến kì hạn các nhà XK không đủ sản lượng để giao thì ắt giá cà phê sẽ lên trở lại.
Chết, Doanh nghiệp chết, nông dân cà phê cũng chết. Giờ chỉ biết than trời, Cầu cho Bzasil đem cà phê đổ xuống biển như năm nào, nếu không đổ xuống biển thì băm nát ra là phân vi sinh nhằm giảm bớt giá phân bón hiện nay. Thôi thì cầu trời cho nấm bệnh cà phê hoành hành các nước Nam Mỹ, dẫn đến thuốc trừ nấm sử dụng nhiều, dẫn đến độc tố cao trong cà phê Nam Mỹ, dẫn đến người uống cà phê quay sang sử dụng cà phê Rôbusta yêu quý của Việt Nam…. cầu trời cầu phật như vậy đi, Nông dân nam Mỹ có thể khổ nhưng dù sao các nước họ giàu hơn Việt Nam vậy thì chia sẻ bớt sự giàu có cho Nông dân cà phê Việt Nam đi.
Kiểu này thì bà con nông dân nghèo chết mất thôi!
Bộ Tài chính giãn nợ cho các Doanh nghiệp thu mua cà phê nhưng không hỗ trợ giá cho ngươi trồng . Tôi nghĩ không chắc rằng những ưu đãi cho các Doanh Nghiệp thu mua cà phê đó người dân sẽ được lợi chút ít. Và cơ sở nào nói người dân găm hàng hay đó là do các thương lái. Nhà Nước chưa quan tâm sâu sát đến người nông dân trông cà phê . Thiệt trăm đường vẫn là người nông dân .
Caphê xuống giá tôi nợ phải bán thật đau xót! Toi thầm nghĩ sao chính phủ và nông dân không định hướng bền vững vd như caphe chât lượng cao không tồn dư thuốc bvtv không đen vỡ trồng vùng quy hoạch v.v thay cho mua nhân xô giá rẻ như hiện nay tạo thương hiệu bằng cách các doanh nghiêp thu mua caphê đạt tiêu chuẩn giá cao gấp nhiều lần so với nhân xô thì sẽ có thương hiêu thì được chào bán với cao, đây là tôi nghĩ các bác thì sao?
Tôi có hơn một ha cà phê. Nếu giá lao dốc kiểu này chắc người nông dân sẽ có cuộc sống khổ cực thôi và có khả năng bán rẫy cà phê để đi làm thuê sướng hơn.
Bà con ta xem có cây trồng nào phù hợp canh tác thêm chứ giá cả thế này thì đói.
phải cố gắng thoát nghèo thôi bà con ơi. Đi đâu người nghèo cũng chịu tất cả thiệt thòi thôi
Với tình hình giá cả thế này thì sao mà tăng diện tích trồng cafe lên được.