Tỉnh táo giữa “mê hồn trận” phân bón

Phân bón giảLàm thế nào để mua được phân bón thật, có chất lượng cao trong “mê hồn trận” phân bón giả tràn lan, là chủ đề của cuộc tọa đàm trực tuyến diễn ra tại Hà Nội hôm qua (2.10) do Bộ Công Thương tổ chức.

Rẻ nên giả?

Ông Đặng Thanh Nhàn, ở thôn 2, xã Trường Xuân, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông kể: “Ngày 25.5.2013, tôi cùng gia đình đã đến đại lý phân bón Thư Thủy ở huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông để mua 3 tấn phân của Công ty CP Vật tư tổng hợp và Phân bón hóa sinh ở huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh để bón phân cho 3ha cà phê (thời điểm đó trái non cà phê đang phát triển).

Tuy nhiên, sau khi bón phân thì diện tích cà phê không xanh tốt mà héo rũ, lá và trái non rụng nhiều còn lượng phân đã bón thì không tan (dù đã có mưa) và đóng rêu xanh. Nông dân chúng tôi không thể phân biệt đâu là phân giả, đâu là phân thật”.

Ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng nêu một con số, chỉ 9 tháng đầu năm nay, quản lý thị trường đã xử phạt tới 350 vụ sản xuất phân bón giả. Điển hình là vụ Công ty XNK Bắc Giang kinh doanh 150 tấn NPK kém chất lượng, hay vụ cửa hàng Mười Dầu ở Tiền Giang kinh doanh phân bón không có trong danh mục…

“Chọn mặt gửi vàng”…

Ông Hoàng Văn Tại-Tổng Giám đốc Công ty Phân lân Văn Điển cho hay, để “đấu” với phân giả, ngoài nhãn mác bao bì nhận dạng tiêu biểu, bên trong mỗi bao phân của công ty này đều có phiếu ghi đầy đủ tên người sản xuất, ca trưởng sản xuất, người kiểm tra chất lượng để nông dân có thể truy xuất nguồn gốc.

Ông Tại khuyến cáo nông dân không nên ham phân bón giá rẻ, nếu khuyến mãi cao, giá rẻ thì cần cảnh giác. Nông dân cũng không nên mua phân vón, kết khối hoặc chảy nước bởi dù là hàng thật thì chất lượng cũng đã kém. Bà con cũng cần giữ lại vỏ bao phân đã dùng để so sánh thành phần dinh dưỡng khi mua phân mới.

Ông Hà Huy San-Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty Phân bón Ninh Bình cũng lưu ý rằng, làm giả mạnh nhất hiện nay là phân NPK. Thủ đoạn là lấy sản phẩm giả cho vào bao bì thật. Cụ thể phân Ninh Bình đã bị một đơn vị tại TP.HCM làm giả kiểu này đưa xuống Tây Nguyên tiêu thụ. Hoặc tại Đồng Nai, 144 tấn phân giả của phân Ninh Bình cũng bị thu giữ tại Lâm Đồng đã trộn 5 bột đá với 1 phân thật Ninh Bình để tiêu thụ”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư nông sản cho rằng, giá phân bón hiện phụ thuộc giá thành, phí bán hàng, lãi của DN nên nông dân khi mua phải “chọn mặt gửi vàng”. Tên phân bón như nhau nhưng bà con cần xem kỹ thành phần dinh dưỡng để lựa chọn.

“Nông dân bỏ tiền mua phân phải có giá trị sản phẩm tương xứng, đó là hàm lượng dinh dưỡng hiện hữu. Chỉ đơn cử phân urê 46% nitơ của ngoại chênh với giá sản phẩm cùng loại của nội tới 2 triệu đồng thì nông dân không nên “sính” ngoại mà sử dụng. Bởi sử dụng phân bón đúng cách, đúng hàm lượng dinh dưỡng, có giá phù hợp sẽ đem lại hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp”- ông Dũng khẳng định.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nam còi

    Ông Nguyến Tiến Dũng nói đúng, nhưng lấy gì để đảm bảo chất lượng phân nội có hàm lượng tương đương? Khi niềm tin vào DN nội không còn thì lời ông Dũng nói có còn ý nghĩa nữa không?
    Tại sao các bác cứ bắt nông dân phải làm người tiêu dùng thông thái? Nông dân thông thái thì các vị tồn tại có nghĩa gì đây?

  2. huy

    Phân giả hay kém chất lượng. Vấn đề này đã xảy ra rát nhiều năm nay nhưng một điều tôi thắc mắc là : Tại sao không lên danh sách những công ty sản xuất phân bón kém chất lượng sau đó dán thông báo đến từng đại lý để cho bà con nông dân biết mà tránh. Suốt ngày cứ hội thảo, đàm phán nhưng không xử lý triệt để. Mức phạt thì không ăn nhằm gì với mức lợi nhuận mà họ kiếm được……

  3. Hienle

    Làm phân bón giả cũng như làm dược phẩm giả, tác hại khôn lường. Người làm cà phê chỉ bón nhầm phân giả một đợt là mùa đó coi như tiêu, mà mùa sau cũng “đi” luôn (vì càphe không ra cành dự trữ làm sao có trái). Hệ lụy 3,4 năm sau chưa chắc giải quyết xong. Vì sao người ta bất chấp đạo đức để làm phân giả? Trước hết vì lợi nhuận khủng, chỉ cần làm trăm tấn phân giả dã thu lợi bất chính từ 700 triệu đến 1 tỷ. Quan trọng hơn nếu lở xui bị tóm thì cùng lắm là nộp phạt dăm ba chục triệu, giống như con voi rụng bớt cái lông, như bắt cóc bỏ dĩa vậy. Cứ đà này thì sự nghiệp bọn làm Phân giả còn phát triển lắm lắm.

  4. k duông

    Tôi có một kinh nghiệm để bà con ta không mua nhầm phân giả, thứ nhất chọn các thương hiệu nổi tiếng, như NPK VIỆT NHẬT, NPK PHÚ MỸ, NPK CON CÒ, HAY CÒ BAY, NPK CÒ BAY VẪN BỊ LÀM GIẢ, hình thức làm giả là bao bì thì NPK 20-20-15, nhưng bên trong có các tem của TRUNG QUỐC, thiết nghĩ do nhà máy nhập nguyên liệu của Trung quốc về trộn hay bị các kẻ xấu lợi dụng bao bì cò bay nhưng ruột là NPK của Trung quốc, cái này thi tôi bị rồi nhưng không rõ thế nào nên chưa dám có ý kiến, các thương hiệu nổi tiếng như NPK BÌNH ĐIỀN, NPK LÂM THAO, HAY NPK VĂN ĐIỂN, vì các nhà máy NPK DO NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ thì khó có khả năng làm giả, có thể chất lượng hơi kém so với ghi hàm lượng trên bao bì, nhưng ít khi giả hoàn toàn. Hai nữa là bà con trước khi mua phân, nên đến đại lý lấy mẫu về bỏ thử, nếu phân bỏ xuống gặp đất ẩm và dẻo khi có mưa tan thì ít có khả năng là phân giả, vì NPK 16-16-8 khi gặp đất ẩm thường hút nước sẽ bị dẻo ra. Đó là kinh nghiệm của tôi, có gì thiếu xót mong bà con giúp đỡ thêm. Cảm ơn bà con nhiều.

  5. Hoài Đề

    Báo động! Hiện nay trên thị trường có tình trạng các cán bộ thuộc các cơ quan quản lý phân bón đi bán phân bón. QLTT hay BVTV mà đi cùng với Công ty phân bón để bán hàng thì chất lượng các loại này như thế nào thì chắc mọi người cũng hiểu.
    Anh Nam Còi nói đúng là hiện nay nông dân chúng ta bị bắt buộc phải thông minh thôi. Đúng là: “Mua hàng giờ phải tinh anh – Thạch Sanh còn ít chứ Lý Thông đầy đường”. Nói thêm người ta chủi chết e!

  6. Gà con

    Chào bà con! Tôi không phải là nông dân (chưa làm nông bao giờ) nhưng về phân bón tôi có hiểu đôi chút, xin góp ý với hy vọng giúp ích cho bà con! Nếu không muốn dùng phân bón giả thì cứ việc mua phân đơn về tự trộn lấy để dùng như sau:
    1/ Đối với vùng chủ động được nguồn nước tưới tiêu như ĐBSCL bà con cứ mua Ure (Cà Mau, Phú Mỹ), DAP (đình vũ, trái táo của TQ…), Kali hay KCl (Nga, Israel..) trộn với nhau theo hàm lượng mong muốn (cái này bà con mình chắc ai cũng biết công thức trộn). Và như vậy chỉ bón hổn hợp như trên thì chưa đủ vì chỉ cung cấp cho cây trồng mỗi yếu tố đa lượng còn trung vi lượng thì sao? Bà con nông dân nên mua các muối sunfat như: Mangie sunfat, đồng sunfat, sắt sunfat, mangan sunfat, Borat… các muối này hầu hết tan trong nước, bà con mình chỉ việc mua về pha trong nước rồi phun qua lá
    2/ Đối với vùng cao, khó chủ động nguồn nước tưới như Miền Đông và các vùng cao thì ba con dùng các loại sau: MAP, MKP, SA, KCl dạng bột (KCl có thể làm giả, nhưng để nhận biết thật giả bà con lấy 1 cái cốc bằng thủy tinh rồi cho nước trong vào khoảng 2/3 cốc sau đó bỏ KCl vào không cần khuấy và quan sát thấy phần chiệm xuống tan ra có lợn cợn và để yên khoảng 10p các phần màu đỏ không tan sẽ tạo thành 1 lớp lơ lửng ở giữa cốc thì đó là KCl thật), NH4Cl, Ure hạt trong của Phú Mỹ… và cũng dùng các muối sunfat trên để cung cấp trung vi lượng. Tuy nhiên đối với vùng này thường bà con trồng cây lâu năm nên nếu chỉ sử dụng phân vô cơ thì không mang lại hiệu quả cao, vì vậy bà con nên cung cấp thêm cho đất phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, phân chuồng…(cách làm phân này bà con vào google tìm hiểu thêm nha, nhiều quá không viết hết ra đây được)

    Ghi chú: Các phân đơn trên ít có khả năng làm giả được (khó làm giả và nếu làm giả được thì lợi nhuận không cao nên ko ai làm giả làm gì). Bà con lưu ý khi sử dụng phân có gốc Cl- (KCl, NH4Cl… để bón cho cây thuốc lá và sầu riêng nha).

    Những góp ý nhỏ, có gì không đúng hay thiếu sót mong bà con thông cảm và bổ sung.

    Thích làm nông dân!!!

Tin đã đăng

Tin mới nhất

86