Đắk Nông: nông dân “bỏ” cao su để trồng hồ tiêu, cà phê

Thời gian gần đây, một số hộ nông dân trên địa bàn huyện Đăk R’lấp, Đắk Nông đã chặt bỏ cây cao su để trồng hồ tiêu, cà phê vì cho rằng những cây trồng này sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hơn 2,3 ha cao su của hộ ông Hà Tư Lệnh đã chặt bỏ để trồng hồ tiêu

Ông Hà Tư Lệnh ở thôn 8, xã Nhân Đạo cho biết: “Gia đình tôi vừa chặt 2,3 ha cao su, trong đó, có hơn 1 ha đã cho thu hoạch mủ được 3 mùa, số còn lại mới bước vào năm thứ 4 để trồng hồ tiêu. Gần cả chục năm bỏ bao công sức, tiền của ra chăm sóc, nay phải phá bỏ, gia đình tôi cũng tiếc lắm. Thế nhưng, nếu duy trì thì gia đình tôi sẽ “phá sản” sớm vì gần đây, vườn cao su cho lượng mủ rất kém, giá cả lại hạ thấp. Tính ra, thu nhập mà vườn cao su mang lại sẽ không đủ tiền bỏ phân và thuê công nhân cạo mủ”.

Tương tự, hộ ông Lê Sĩ Thông, ở thôn 3 cũng vừa chặt bỏ hơn 1 ha cao su 8 năm tuổi để trồng hồ tiêu. Được biết, năm 2005, khi giá cao su đang cao, thấy nhiều người dân trong vùng chặt bỏ cây cà phê để trồng cao su, gia đình ông cũng làm theo. Sau hơn 8 năm bỏ công đầu tư, chăm sóc đến khi thu hoạch thì lượng mủ rất ít, thậm chí có cây không có mủ, cộng với giá mủ đang hạ nên một lần nữa ông phá cao su để trồng hồ tiêu.

Ông Thông phân tích: “Nếu vườn cao su có chất lượng tốt, vào mùa thu hoạch, một ha cao su mỗi ngày cũng phải thu được gần 90 kg mủ tươi. Tuy nhiên, do trước đây, tôi mua giống kém chất lượng nên hiện nay năng suất chỉ đạt chưa được một phần tư. Chưa kể, giá mủ hiện tại chỉ có 7.000 đồng/kg thì trồng cao su sẽ bị lỗ vốn rất lớn”.

Theo ông Phạm Thanh Nhựt, Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo thì thời gian gần đây, tình trạng người dân chặt cao su để trồng hồ tiêu diễn ra khá phổ biến tại địa phương. Sở dĩ như vậy là do trước đây, khi giá cao su đang cao, bà con cứ đua nhau trồng cao su theo phong trào nên không kiểm soát được việc mua cây giống kém chất lượng trôi nổi trên thị trường. Hơn nữa, nhiều người dân lại không am hiểu về kỹ thuật trồng, điều kiện thổ nhưỡng, chăm sóc… nên đến khi thu hoạch, vườn cao su cho sản lượng mủ không đạt như mong muốn.

Qua tìm hiểu được biết, hiện tại, ở các xã Quảng Tín, Đăk Ru, Nghĩa Thắng, tình trạng người dân phá bỏ vườn cao su để chuyển sang trồng hồ tiêu, cà phê cũng đang diễn ra. Liên quan đến vấn đề này, ông Cao Quý Thương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đăk R’Lấp cho hay: “Từ đầu năm đến nay, tại địa phương đã có khoảng 40 ha cao su bị người dân phá bỏ để trồng hồ tiêu, cà phê. Tuy nhiên, trên thực tế, số diện tích cao su bị chặt bỏ có thể còn nhiều hơn. Hiện tại, huyện đã phối hợp với các xã tuyên truyền cho bà con bình tĩnh để xác định được loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế đích thực, bền vững, để hạn chế tình trạng “chặt, trồng” như những năm về trước”.

>> Xem giá cao su trực tuyến

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Lê thị Thúy Nga

    Cứ trồng bao vây như bác sỹ ra toa cho chắc: cà phê tầng dưới, tiêu, bơ, mít cao sản,sầu riêng… tầng trên.

  2. nguyễn thị vân

    chúng ta phai chạy đua theo nhũng cái thất thi mới mong thắng được cao su giá cao thì trồng giờ rẻ thi chặt vậy mai cà phê với tiêu rẻ thì chặt đi trồng cây gì? cứ trồng gần thu rồi lại chặt thì bao giờ mới thu hồi được vốn chứ

  3. Hoàng phúc

    Vai trò của cơ quan quản lý trong việc quy hoạch, định hướng …trong nông lâm nghiệp hầu như là con số 0, còn người nông dân thì thiếu kiến thức, chạy theo phong trào và quan trọng nhất là gặp những kẻ bất lương lừa đảo bán giống giả, phân giả nên mãi vẫn nghèo. Theo kiến thức mình học và đã đi nhiều vùng trồng cao su trên thế giới, họ chỉ cho trồng cao su ở độ cao< 700m. Nên việc chặt cao su là đương nhiên vì có giữ lại cũng không ăn thua gì, thà chấp nhận thất bại để làm lại từ đầu.

  4. Phú

    Giá cà phê năm nay nằm ở mức dưới 30.000đ thì dân trồng cà phê không đủ tiền mua phân bón.
    Rất mong các ban ngành chức năng có biện pháp cứu chữa ngành cà phê
    Người dân như chúng tôi không thể nào chống chọi được nữa.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84