Tiếp sức cho xuất khẩu

6bac6_nongnghiep-hatcafe1
Cà phê Việt Nam chiếm 5% thị phần xuất khẩu thế giới,
nhưng các doanh nghiệp không lo được chuyện giữ giá
như nhiều mặt hàng khác.

Các doanh nghiệp kiến nghị cần thêm chính sách để đẩy mạnh xuất khẩu trong 4 tháng cuối năm, trước những khó khăn từ thị trường thế giới.

Trong buổi họp giữa lãnh đạo Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng với các hiệp hội, ngành hàng ngày hôm qua (27/8) tại Hà Nội, ông Lê Văn Đạo, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, xuất khẩu dệt may năm nay sẽ không đạt mục tiêu 9,5 tỷ USD. “Trong 8 tháng, ngành dệt may mới xuất khẩu được 5,9 tỷ USD, nên để đạt được mục tiêu 9,5 tỷ USD, 4 tháng còn lại ngành phải xuất khẩu được 3,6 tỷ USD.

Thời điểm giao hàng mùa đông có giá trị cao đã qua và các doanh nghiệp (DN) đang giao hàng mùa hè sang năm có giá trị thấp hơn, nên khả năng xuất khẩu đạt 900 triệu USD/tháng là không thể. Chúng tôi dự báo, cả năm nay, ngành chỉ có thể xuất khẩu được khoảng 9,1 tỷ USD”, ông Đạo cho biết.

Xuất khẩu gạo cũng đang gặp khó khăn khi hiệu quả xuất khẩu đang có nhiều điều đáng nói. Ông Vương Đình Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận xét rằng, việc giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức thấp, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả xuất khẩu của ngành xuất khẩu gạo, cho dù lượng xuất khẩu tăng mạnh. Câu chuyện tìm kiếm thị trường, đàm phán giá đang là vấn đề căng thẳng của cả ngành xuất khẩu quan trọng này khi chưa thấy dấu hiệu giá xuất khẩu của gạo Việt Nam được đẩy lên cũng như các hợp đồng bán gạo tập trung cuối năm đã hết.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao thì đưa ra dự báo xuất khẩu cà phê của cả nước năm nay có thể đạt 1,6 tỷ USD. “8 tháng, cả nước xuất khẩu được 800.000 tấn, kim ngạch đạt 1,2 tỷ USD và 4 tháng còn lại có thể xuất khẩu thêm được 350.000 tấn. Song thời điểm hiện nay là lúc giá cà phê thấp nhất trong vòng 3 năm qua do nhiều lý do, nên gây nhiều khó khăn cho DN”, ông Tự nói.

Theo ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương, 8 tháng đầu năm cả nước xuất khẩu 37,2 tỷ USD và giảm 14,2% so với cùng kỳ. Các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều suy giảm như ngành nông sản, thuỷ sản giảm 9,4% so với cùng kỳ (đạt 8,25 tỷ USD); ngành khoáng sản, nhiên liệu giảm 43,2% so cùng kỳ (đạt 5,57 tỷ USD); ngành công nghiệp chế biến giảm 4,3% so cùng kỳ (đạt 23,4 tỷ USD)…

Sự sụt giảm xuất khẩu của 8 tháng cho thấy, năm 2009 nếu kim ngạch xuất khẩu bằng với năm 2008 đã là một thành công lớn, chứ khó có thể tăng trưởng 3% như mục tiêu. Thậm chí, kịch bản kim ngạch xuất khẩu giảm 10% so với năm 2008 cũng đã được các chuyên gia đưa ra từ sớm và cũng có thể được chấp nhận trước bối cảnh xuất khẩu khó khăn như thời gian qua.

Tuy nhiên, các ý kiến mà hiệp hội ngành hàng đóng góp với lãnh đạo Bộ Công thương trong ngày hôm qua đều thể hiện, nếu các cơ quan quản lý có chính sách kịp thời để tháo gỡ những khó khăn cho DN thì câu chuyện xuất khẩu trong những tháng cuối năm sẽ không bi quan.

Đơn cử, theo ông Lương Văn Tự, việc các bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các hiệp hội phối hợp để xây dựng cơ chế sao cho vừa đẩy mạnh xuất khẩu 4 mặt hàng mà Việt Nam có số lượng xuất khẩu lớn nhất nhì thế giới (gạo, tiêu, cà phê, điều), nhưng đảm bảo được giá trị xuất khẩu là rất cần thiết. “Chúng ta có thể nghiên cứu tới phương án dự trữ cà phê thông qua việc cho phép DN tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp để tránh tình trạng người dân bán ồ ạt khi đầu vụ với giá thấp và hết hàng khi giá cao. Điều này sẽ giúp cho lượng bán ra của Việt Nam vẫn tăng với giá cao”, ông Tự nêu giải pháp.

Còn ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Lâm sản chế biến gỗ Việt Nam thì kiến nghị cần phải điều chỉnh ngay thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng để thúc đẩy xuất khẩu. “Mức thuế 10% mà nhà nước đang áp dụng không khuyến khích được DN và người trồng rừng, trong khi chúng ta đang phải nhập khẩu nguyên liệu cho ngành gỗ tới 80%.

Hiệu quả xuất khẩu sẽ được nâng cao nếu như nhà nước giảm thuế này”, ông Quyền bình luận. Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội này, ngành sản xuất xuất khẩu gỗ sẽ “vào vụ” trong cuối năm, nên khả năng xuất khẩu sẽ tăng lên mạnh.

Nhiều ý kiến đóng góp của các ngành sản xuất xuất khẩu tập trung vào vấn đề cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho công tác xúc tiến thương mại. Đây là đòn bẩy quan trọng giúp cho DN tăng cường khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu trong thời điểm cuối năm nay cũng như thời gian tiếp theo…

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, các ý kiến của hiệp hội ngành hàng sẽ được Bộ Công thương phối hợp cùng các bộ ngành khác sớm giải quyết để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN xuất khẩu. Bộ Công thương cũng đã đưa ra một loạt giải pháp liên quan tới thị trường xuất khẩu, ngành hàng xuất khẩu để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh hơn. Về phần DN, lãnh đạo Bộ Công thương đề nghị các DN cần nghiên cứu kỹ các hiệp định kinh tế sẽ có hiệu lực trong thời gian tới để tìm hiểu những ưu đãi thuế quan mà DN được hưởng để có thể tăng xuất khẩu nhanh chóng.

Theo Đầu tư

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79