Nhiều doanh nghiệp mua hàng lúc giá cao, nay đến kỳ hạn trả nợ ngân hàng nên buộc phải xuất khẩu với giá rẻ…
Giá cà phê nội địa và xuất khẩu rớt mạnh suốt gần 3 tháng qua khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê nguy cơ thua lỗ vì trót thu gom cà phê lúc giá cao trước đó, nay sức ép đến hạn trả nợ ngân hàng buộc phải xuất khẩu với giá thấp.
Xem thêm: > 7 ngân hàng vây xiết nợ đại gia cà phê
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị giãn nợ cho vay tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên từ mức giá 46 triệu đồng/tấn trong nửa đầu tháng 3/2013 đến cuối tuần qua đã giảm xuống 39.800-40.200 đồng/kg. Giá cà phê xuất khẩu loại R2, 5% đen vỡ ở mức 1.923 USD/tấn (FOB), với mức cộng 60 USD tại London.
Trên sàn London tuần vừa qua, giá cà phê Robusta giảm 45 USD/tấn, tương đương giảm 2,38%. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng cà phê xuất khẩu tháng 5 chỉ 109 ngàn tấn, thu về 226 triệu USD.
Lũy kế xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm là 697 ngàn tấn, kim ngạch gần 1,49 tỷ USD, giảm 23,2% về khối lượng và giảm 21,7% về giá trị so cùng kỳ năm 2012.
Nông dân và các đại lý cà phê ở nước ta đang hạn chế lượng cà phê xuất bán, hầu hết đều kỳ vọng giá nội địa phải ở mức 44-45 ngàn đồng/kg thì mới bán ra và giá xuất khẩu phải đạt 2.100-2.200 USD/tấn mới mong có lãi.
Theo Volcafe, nguồn hàng tại Việt Nam hiện rất khó mua vì giá nội địa đã bất ngờ giảm sâu. Thời gian qua, Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa) đã gióng tiếng về sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2011-2012 giảm mạnh tới 25% và niên vụ thu hoạch vào tháng 10/2013 giảm tới 30-35% song giá cà phê vẫn tuột dốc. Bên cạnh đó, dù nông dân và đại lý trồng cà phê giảm lượng bán ra, nhưng vẫn rớt giá.
Theo các chuyên gia, thị trường tài chính thế giới vẫn tiếp tục đánh đu theo những đồn thổi, tung ra những đòn tâm lý làm dao động thị trường. Đang có dấu hiệu giới đầu cơ tài chính rút tiền dần khỏi 3 sàn cà phê lớn trên thế giới là Arabica Ice New York, Robusta Liffe London và BM&F của Brazil.
Giá cà phê Arabica trên sàn Ice New York mất giá liên tục suốt 2 năm liền, từ 6.800 USD/tấn đỉnh điểm năm 2011, nay chỉ còn 2.800 USD/tấn. Giá cà phê Robusta trên sàn Liffe London cũng đổ liên tục, từ mức 2.200 USD/tấn cuối quý 1/2013, đến nay chỉ còn dưới 1.850 USD/tấn.
Nhiều đại lý, doanh nghiệp trót mua nhiều cà phê lúc giá tăng mạnh lên 46 triệu đồng/tấn vào những tháng đầu năm, nay giá xuất khẩu giảm đã phải chịu thua lỗ. Vụ việc 7 ngân hàng cùng xiết nợ Công ty Trường Ngân, một doanh nghiệp cà phê lớn ở tỉnh Bình Dương tuần trước với số vay tổng cộng gần cả ngàn tỉ đồng, đã cho thấy một đợt vỡ nợ hàng loạt lại tiếp diễn trong khối các doanh nghiệp kinh doanh cà phê.
Theo lý giải của lãnh đạo Công ty Trường Ngân, doanh nghiệp này đối mặt với tình trạng này là do lãi suất cho vay quá cao trong năm ngoái.
“Có thời điểm chúng tôi phải đối mặt với lãi suất cho vay hơn 20% và 4 năm trở lại đây chúng tôi bắt đầu khốn đốn”, Giám đốc Công ty Trường Ngân chia sẻ.
Thực tế, tình trạng doanh nghiệp cà phê vỡ nợ là vấn đề không mới, hầu như năm nào cũng xảy ra. Thống kê của Vicofa, trong năm 2012 hơn 100 doanh nghiệp, đại lý, hộ kinh doanh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên đã và đang vỡ nợ hàng nghìn tỷ đồng. Thiệt hại trong những vụ vỡ nợ này vẫn luôn thuộc về người dân, bởi hầu hết khi ký gửi cà phê, cho vay tiền mặt chỉ có giấy nợ viết tay.
Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, riêng địa bàn này năm 2012 đã có 43 doanh nghiệp, đại lý kinh doanh cà phê vỡ nợ, mất khả năng thanh toán khoảng 300 tỷ đồng và nợ nông dân 3.000 tấn cà phê nhân ký gửi. Hơn một nghìn nông dân Đắk Lắk mất trắng tài sản vì đã ký gửi cà phê cho các đại lý thu mua.
Mấy ngày gần đây, cả Tây Nguyên lại rúng động về thông tin tiếp tục xảy ra nhiều vụ vỡ nợ của các đại lý thu mua cà phê. Điển hình như tại Gia Lai, vụ vỡ nợ với số tiền lên đến 69 tỷ đồng của bà Đặng Thị Hường, chủ nhà hàng Đại Phúc, thuộc doanh nghiệp Phúc Vinh.
Trước đó, đầu tháng 4/2013, 2 cơ sở thu mua nông sản khác cũng tuyên bố vỡ nợ gần 30 tỷ đồng. Làn sóng vỡ nợ vốn xuất hiện ở Đắk Lắk, Đắk Nông vài năm trước nay bắt đầu quay lại ở Gia Lai.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị giãn nợ cho vay tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/2013/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Trong đó, xem xét gia hạn thời gian vay vốn tối đa từ 12 tháng lên 36 tháng đối với khoản vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước cho các nhóm hàng xuất khẩu rau quả, thủy sản, nhưng không quy định với mặt hàng cà phê.
Trong khi hiện nay, các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu cà phê trong nước gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt về vốn nên khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp thu mua hàng lúc giá cao, nay đến kỳ hạn trả nợ ngân hàng nên buộc phải xuất khẩu với giá rẻ thì sẽ thua lỗ, dẫn đến nguy cơ vỡ nợ.
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung mặt hàng cà phê thuộc đối tượng được gia hạn thời gian vay tối đa từ 12 tháng lên 36 tháng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu. Kỳ vọng nếu được gia hạn các khoản vay, các doanh nghiệp ngành cà phê có thể đồng lòng giữ hàng chờ đến lúc giá cao sẽ xuất khẩu, tránh bị đối tác ép giá.
Với cái tình hình này chắc cafe xuống nữa quá. Hầu như các đại lý ở Di Linh đều găm hàng chờ giá lên, ai ngờ giá lại xuống như vây. Mọi người hãy cho ý kiến đóng góp hiện tại bây giờ nên bán hay găm hàng chờ giá.
Viết mấy bài báo kiểu này lên chỉ khiến cho bọn đầu cơ nước ngoài dọa cho ngành cà phê Việt vãi đái !
Đúng là khôn nhà dại chợ.
Ông nghĩ nếu không có bài báo này thì bọn đầu cơ không hiểu thị trường VN à. Nhà báo người ta phải phản ảnh thực tại khách quan để bà con nông dân biết mà tránh, nếu không để cho các ông đại lý lừa gạt nông dân à. Ở GiaLai đã có hiện tượng bể dây chuyền theo vụ này rồi, sơ bộ gần 10 tỷ ông à. Chỉ tội cho nông dân gởi hàng cho các ông là lảnh đủ thôi.
Mong sao chính phủ giải ngân thu mua tích trữ cà phê như niên vụ 2009 -2010 cà phê từ 21.000 nhảy lên trên 36.000 . Việt Nam cần một ông lớn như Vinacaphe Buôn Ma Thuột, Công ty 2 tháng 9… mạnh mẽ mới giúp được ngành cà phê VN sáng sủa hơn.
Hi vọng chính phủ cho các doanh nghiệp, nông dân vay vốn trữ lại cà phê, một đất nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu caphe R mà thua bọn đầu cơ…!
Bác nghĩ sao mà bảo nhà nước cho vay để trữ cà lại nữa hả. Nếu bác là dân chữ nghĩa thì thừa hiểu áp lực giá đang đè nặng lên vụ mùa tới đây lúc đó cà trữ lại đễ làm gì nếu Brazin cứ thả nổi đồng nội tệ , Chẳng lẽ nhà nước lại phá giá VND vì dân làm cà fe
Nhà nước chỉ cần cho vay tiền để các doanh nghiệp, nông dân điều tiết xuất bán một cách chủ động. Như vậy sẽ không bị ép giá cũng như bán non nữa. Thực tế caphe rang xay có giảm giá đâu.
Bác xem mấy ngày nay nhìn giá tham chiếu cứ thấy buồn não ruột. Không cần PTKT hay PTCB gì cả thì ta cũng nhận định được giá cà sẽ xuống do áp lực bán từ vụ mùa bội thu của Brazin. Cứ nghe họ nói và làm thì thừa hiểu. Mọi động tác của một nước có nền NN tiên tiến với xuất khẩu sản phẩm nông nghiêp lên đến trăm tỷ USD thì chuyện họ bảo hộ ngành nông nghiệp như cafe chẳng có gì phải bàn. Còn ở nước ta thì hầu như làm ngược. Các cơ quan chức năng không thể nào giúp dân hạ giá thành sản phẩm xuống mà lại làm tăng lên như tưới thu phí giao thông vào xăng dầu, phân bón thuốc trừ sâu giả thì tràn lan. Các thông tin số liệu khi phát ngôn thì thiếu chính xác đến nổi lệch nhau gần đến mổ nửa như số liệu thất nghiệp báo cáo trước QUỐC HỘI. Viêc dân trữ cà lại chờ giá tốt cũng một phần do loạn thông tin, nào là mất mùa nào là diện tich giảm nhưng nhìn sô lượng cà đã xuống tàu thì hiểu thôi.
Hãy nhìn dân INDO thì biết họ làm thị trường tốt thế nào, khi giá tốt họ bán sạch kho, giờ giá xuống thì bán lai rai. Còn mình bây giờ mà giữ cà lại thì lấy gì tiêu pha còn bán chốt lổ thì không vỡ cũng liêu xiêu.
1 thực trạng đáng buồn cho những con người bán mặt cho đất bán lưng cho trời, lại 1 màu đỏ chát đắng.
Vài năm gần đây giá cà phê luôn đạt đỉnh vào tháng 6. Giá 45,5 rơi vào tháng 3 năm nay chưa phải là cao. Xem ra lượng cà phê chưa xuất khẩu còn rất nhiều. Thế giới họ đã bắt trúng bài niềm tin hạn hán ở Việt Nam. Chính phủ có đưa ra chính sách hỗ trợ đi nữa cũng rất khó. Cà arabica hiện giá cũng đang rất thấp.
Chính phủ can thiệp vào cũng chỉ giúp cho các đại lý , doanh nghiệp thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm thôi chứ giá cả thì khó mà cải thiện lại được bởi vì giá cà Ar còn quá thấp mà….
Bà con ta vẫn nói “mạnh vì gạo ,bạo vì tiền” mãnh lực đồng tiền thật đáng sợ ,các công ty,tập đoàn kinh tế có vốn ngoại tệ lớn đang thao túng thị trường giá cả ,nay họ biết tình hình kinh doanh của các công ty trong nước như thế này thì sắp tới tương lai ngành caphe Việt Nam sẽ ra sao ,lúc đó nông dân sẽ là người chịu thiệt nhất. Mong sao chính phủ có biện pháp can thiệp kịp thời .
Giá cà phê hiện nay bà con ta cố gắng giữ hàng lại nên đi vay ngân hàng về chi phí đầu tư giảm lượng bán ra mong gia cá phê sẽ lên trở lại thì bán
Với cái giá thế này thì vỡ nợ dây chuyền chỉ còn là sớm hay muộn thôi. Hiện tại bên mình còn rất rất nhiều nhà trữ một lượng lớn cà. Cơn bão tín dụng cho vay mua cà phê năm ngoái làm mọi người đua nhau vay trữ cà. Giờ là lúc xem hậu quả thôi. Lần này sẽ kinh khủng lắm đây
Mình cũng nói luôn là ai có cà thì nên xuất ngay và luôn. Xuất càng nhanh càng tốt. Để thêm một ngày nào nữa là ăn đủ. Bán chặn lỗ bây giờ vớt vát được chút nào hay chút đó. Khi các nhà đầu tư tài chính mà rút thì chặt cà là chuyện trước mắt rồi. Nhiều vườn cà phê cũng đã già vậy hãy để 2 năm tới cho giai đoạn tái canh cà phê.
Xu hướng giảm giá vẫn chủ đạo. Bán trước mua sau vẫn là chiến lược chính !
Tôi thì tin là dân làm cà thật sự cũng ko có mấy người còn để cà trong nhà.
Sai rồi bác ah, bên em mỗi nhà còn 5 -10 tấn là bình thường, toàn vác sổ đỏ với vay mượn người thân chờ giá lên như mọi năm mà giờ giá cả như này, lãi xuất ngân hàng thì cao, mất đầu mất cả đuôi
Tôi ở thôn 5, xã Dlêyang, huyện Eahleo, tỉnh Đắk Lắk. Tôi chuẩn bị bón phân đợt 2 cho cafe nhưng thấy giá cafe rớt mạnh quá nên tôi dừng lại. Vậy thì các nhà máy phân bón khó lấy tiền được của tôi.
Nhà tôi ở eahleo – dak lak , lên mạng xem giá mà thấy chán quá, không biết khi nào giá vượt qua 40 đây , chứ giá kiểu này chi phí làm sao mà đủ.
Tôi thấy đúng là lợi ích nhóm, nhưng công ty cà phê tuy vỡ nợ nhưng họ vẫn đi xe hơi, chỉ khổ dân đen chạy xe cup cà rịch cà tàng tới đòi nợ, mà còn cà đâu mà đòi, kiểu vỡ nợ nhưng trong kho các doanh nghiệp bán sạch, kể cả số cà phê mà nông dân một nắng hai sương gửi vào, vỡ nợ gì mà kỳ quặc quá vậy, họ tuyên bố vỡ nợ nhưng lại bán cà của người dân gửi vào kho của họ. Thấy thương cho nông dân mình vất vả lại càng vất vả hơn, cắm đầu làm nắng không biết nắng mưa không biết mưa nuôi bọn ngồi mát ăn bát vàng, thật khổ cho dân Việt nam mình.