Phân bón giả đang ở mức báo động

Đây là nhận định của Bộ Công thương về thực trạng ngành sản xuất phân bón trong nước. Theo Bộ này, ở hầu hết các địa phương đều phát hiện phân bón giả, kém chất lượng với tỷ lệ rất cao. Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này cũng đang “có vấn đề”.

Xem thêm: Dự thảo nghị định mới hạn chế nạn phân bón giả

Phân bón giả tràn ngập thị trường

Bà Nguyễn Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cho biết, thời gian qua, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng đã lên đến mức báo động. Ở hầu hết các địa phương đều phát hiện phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm phân bón thiếu đến 80% hàm lượng chất dinh dưỡng.

Thống kê của Cục Hóa chất cho thấy, năm 2011, cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu ở một số đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón. Kết quả kiểm tra cho thấy, 46,7% số mẫu không đạt so với công bố áp dụng về hàm lượng hữu cơ, 46,6% mẫu không đạt về hàm lượng đạm tổng số, 33,3% mẫu không đạt về hàm lượng lân dễ tiêu… Đặc biệt, có tới 41% số mẫu được phân tích cho kết quả có vi phạm cả ba yếu tố NPK.

kinh doanh phan bon gia
Phân bón cần được quản lý chặt hơn để tránh bị làm giả, làm kém chất lượng

Ngoài ra, thời gian qua, lực lượng QLTT tại các địa phương cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng vật tư nông nghiệp, trong đó có phân bón. Qua đó phát hiện nhiều hành vi vi phạm về giá, chất lượng đo lường. Riêng phân bón giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, số lượng bị bắt giữ đã lên đến hơn 1.000 tấn. “Chúng tôi cho đây mới là phần nổi, bởi số lượng phân bón giả đã được tiêu thụ trót lọt cũng như đang trôi nổi trên thị trường còn lớn gấp nhiều lần, ở hầu khắp các tỉnh, TP”, bà Liên nhận định.

Lý giải nguyên nhân, bà Liên cho rằng, ở nước ta, phân bón được xếp vào một trong những sản phẩm quan trọng về doanh thu cũng như lợi nhuận. Vì vậy, nhiều DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tham gia sản xuất. Vả lại, phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất và kinh doanh có điều kiện, cần phải có giấy chứng nhận hoặc giấy phép, do đó, nhiều cơ sở nhỏ lẻ chưa có đủ điều kiện cần thiết vẫn tham gia sản xuất, kinh doanh. Một số không ít các nhà sản xuất không chấp hành tốt quy định của Nhà nước, cố tình đưa ra thị trường những loại phân bón giả, kém chất lượng. Số tiền nông dân bị thiệt hại, cả trực tiếp và gián tiếp, khi sử dụng phân bón giả, lên đến hàng trăm tỷ đồng/năm.

Thủ tục hành chính làm khó cả quản lý và sản xuất

Hiện nay, theo quy định, phân bón đang được quản lý theo danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam, do Bộ NN-PTNT ban hành và bổ sung hàng quý. Ông Trương Hợp Tác, Trưởng phòng Phân bón (Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT) cho biết, các loại phân bón chưa có trong danh mục phải được thực hiện khảo nghiệm để công nhận là phân bón mới, trừ các loại phân vô cơ, phân hữu cơ truyền thống và các loại phân bón do Bộ KH-CN và Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật.

Để có tên trong danh mục phân bón, ông Tác cho biết, cần phải qua 13 thủ tục hành chính khác nhau. Điều này gây khó khăn cho nhà sản xuất và cả chính cơ quan quản lý. “Việc quản lý phân bón theo danh mục như vậy rất tốn kém, vừa mất thời gian khảo nghiệm, vừa gây khó khăn cho việc tra cứu, không thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc, dẫn tới hiệu quả quản lý thấp và không còn phù hợp với thực tiễn”, ông Tác thừa nhận.

Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, hiện Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT cùng tham gia quản lý Nhà nước về phân bón. Tuy nhiên, việc phân định rõ trách nhiệm chính trước Chính phủ chưa thực sự rõ ràng. Bởi thế, chưa có cơ quan nào có đầy đủ thông tin về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, XNK phân bón. “Việc quản lý phân tán, chống chéo theo kiểu “quản lý giữa khúc” nên lỏng lẻo là đương nhiên. Ngoài ra, ở địa phương, cơ quan quản lý phân bón thiếu cán bộ, trang thiết bị phân tích… nên phân bón giả càng có cơ hội lộng hành”, bà Thoa nói.

Từ thực tiễn trên, bà Thoa cho rằng, cần thiết phải xây dựng nghị định mới về quản lý phân bón. Theo đó, Bộ Công thương sẽ chịu trách nhiệm về phân bón vô cơ, còn Bộ NN-PTNT quản lý phân bón hữu cơ và các phân bón khác. “Phải phân định rạch ròi trách nhiệm của từng cơ quan quản lý Nhà nước mới có thể đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón vào quy củ”, bà Thoa đề xuất.

Theo Bộ Công thương, với chủ trương phát triển mạnh ngành công nghiệp phân bón để chủ động phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước, hạn chế NK, sản xuất phân bón vô cơ trong nước đã không ngừng tăng trưởng. Hiện nay, năng lực sản xuất của các nhà máy đã đáp ứng được 80% nhu cầu nội địa với tổng sản lượng khoảng 8 triệu tấn các loại. Quan trọng hơn, các loại phân bón chính có ảnh hưởng lớn trên thị trường như ure, NPK, lân… đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

>> Xem giá phân bón mới nhất

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. phuhoang

    Cần truy tố hinh sự cho bọn làm giả và chế tài đủ mạnh cho bọn làm kém chất lượng. Vì thiệt hại cho bà con là rất lớn , có khi nghèo đói luôn.

  2. nguyễn Tuân

    Cần nêu rõ tên các đơn vị, nhà sản xuất phân giả trên các phương tiện thông tin đại chúng để bà con nông dân, những người kinh doanh biết được để có biện pháp phù hợp. Tôi thấy chỉ đưa ra con số các cơ sở làm phân giả như vậy càng làm cho người tiêu thụ thêm hoang mang mà thôi. Tại sao lại không dám nêu tên các cơ sở đó ra nhỉ!

  3. dentran

    Tại sao nhà nươc không làm triệt để vấn đề này nông dân chúng ta đã nghèo phải vay tiền mua phân lại bi lừa từ những người giàu thật khổ cho nông dân, đáng buồn thật.

  4. nong dan

    Vừa qua tại xã Bình Thạnh-Đức Trọng-Lâm Đồng phát hiện cơ sở phân bón Hoàn Thủy bán phân giả mà chỉ phạt 15.000.000 đ, hỏi như vậy thì ai sợ so với lợi nhuận mang lại và thiệt hại của nông dân là quá lơn. Thấy bức xúc cho nông dân mình quá.

  5. k duong

    Bà con ta chịu khó mua phân về trộn mất công một tý nhưng hạn chế phân bón giả. Năm nay tôi cũng mua phân về trộn, năm ngoái bón phân giả chết mấy chục cây cà phê. Bà con ta mua DAP sản xuất ở Hải Phòng, mua Phân URE Phú Mỹ, và kali về bón, chỉ trộn ure và kali còn DAP bón riêng. Bảo đảm chất lượng không sợ giả.

    1. đặng thanh vũ

      Bón như thế vẫn chưa ổn, vì kali kém chất lượng cũng rất nhiều trên thị trường. Với lại bón như thế thì bị thiếu trung vi lượng nên cần mua thêm trung vi lượng trộn vào thì mới ok.

  6. king

    Bà con bón phân nên nhớ: Lúc nào phân vô cơ và hữu cơ cũng phải cân bằng. Phân vô cơ cung cấp chất dinh dưỡng, hữu cơ làm cho đất tươi xốp, tăng độ mùn cho cây. Do lâu nay bà con bỏ nhiều phân hóa học nên dẫn đến hiên tượng đất bị chai, rể không phát triển. Rể không phát triển thì khả năng hút chất dinh dưỡng kém. Đất bị chai là do các gốc muối không tan tích tụ trong 1 thời gian dài dẩn đến pH giảm, nồng độ axit tăng làm cho hệ vi sinh vật không phát triển nên các cành, lá cây khó bị phân hủy để tạo thành mùn, dẩn đến hiện tượng đất bị chai.
    Để nhận diện bao phân hữu cơ bà con lưu ý, phân hữu cơ thì nhẹ nên bao phải to. còn phân hữu cơ mà bao nhỏ thì chắc chắn rất nhiều phụ gia là đất trong đó. Phân kali thì nên mua kali trắng vừa hiệu quả lại vừa an toàn. Ngoài ra cần bổ sung thêm 1 số trung vi lượng giúp chống rụng trái, lá dày tăng khả năng quang hợp, chắc cây…
    Bón phân chia làm 3 đợt chính:
    đợt 1: hàm lượng đạm gấp đôi kali
    đợt 2: đạm và kali cân bằng
    đợt 3: kali gấp đôi đạm

  7. dinh xuaneatul

    Đúng là người nông dân đang bị móc túi một cách trắng trợn, lỗi đầu tiên phải thuộc cơ quan cấp phép cho sản xuất phân bón. Các địa phương cứ thấy các DNTN đến đăng ký xây dựng cơ sở sx phân bón là cấp phép để lấy thành tích và thu ngân sách, còn sau đó thì anh muốn sản xuất thế nào mặc kệ, không bao giờ kiểm tra. Mấy anh quản lý thị trường xuống thì nhận phong bao rồi về, nếu có muốn kiểm tra làm gì đủ khả năng. Nếu các bạn không tin thì xuông Bình Dương xem họ sx phân hỗn hơp NPK theo dây chuyền cuốc xẻng, không biết tỷ lệ phối trộn sẻ ra sao nếu phụ gia đất sét là chính, thật đau lòng.

  8. k duông

    Dĩ nhiên là bón phân trộn sẽ theo trung vi lượng, ta có thể mua trung vi lượng bón riêng, đồng thời kết hợp với bón phân chuồng, 2 năm bón một lần phân chuồng nhớ đào bán cung rộng 20cm sâu 30cm nửa bán kính cây cà phê, tới đợt sau đào ngược lại đợt đầu, đồng ý là phân kali kém chất lượng có nhiều trên thì trường, nhưng để kiểm tra phân kali thật hay giả đơn giản vô cùng các bạn lên google find cách nhận biết phân kali giả và thật là biết ngay. Cám ơn sự đóng góp của mọi người.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85