“Cà phê bệt” và văn minh đô thị

“Cà phê bệt” là phong cách uống cà phê độc đáo của giới trẻ. Kiểu uống cà phê này thể hiện tính trẻ trung, giản dị và phóng khoáng của đông đảo bộ phận thanh niên.

Bạn trẻ Sài thành yêu “cà phê bệt” cũng như thanh niên Hà thành say sưa với mốt kem đứng, phở đứng. Họ chấp nhận sự bất tiện về chỗ ngồi để có được cái thoải mái, thú vị trong thưởng thức cà phê mà những quán cà phê sang trọng không có được.

Giới trẻ uống cà phê

cà phê bệt

Mỗi sáng, nhâm nhi ly cà phê cóc 5.000 đồng, lót tấm giấy báo thoải mái ngồi xem tin tức, hít thở không khí tương đối trong lành giữa công viên thoáng đãng ở cái thành phố nhiều bụi bặm này và cùng tán gẫu với bạn bè là niềm hứng khởi tuyệt vời để bắt đầu một ngày mới của nhiều bạn trẻ.

Một số người đã qua thời sinh viên hiện đang làm những công việc có thu nhập kha khá muốn tìm lại cảm giác thời sinh viên đã tìm đến với “cà phê bệt”, bởi theo họ, chính những góc phố này góp phần nuôi dưỡng tâm hồn giới trẻ và luôn nhắc để họ nhớ về một thời gian nan đã qua, trước những hối hả của cuộc sống vật chất đang cố kéo họ đi.

Đừng nghĩ “bệt” thu hút giới trẻ chỉ vì giá rẻ, nếu quan sát sẽ thấy những gương mặt quen thuộc đam mê “bệt” đa số là nam thanh nữ tú cả, vô số những đôi kiếng cận sáng láng, laptop hiện đại, xe tay ga, dế xịn… Họ tán gẫu, họp mặt, hẹn hò, bàn bạc công việc làm ăn, bình luận tình hình… Quan sát, lắng nghe và hòa mình vào không khí “cà phê bệt” sẽ giúp ta khám phá phần nào đời sống tâm tư, suy nghĩ của một bộ phận thanh niên thành phố hiện nay.

Mỗi ngày có khoảng 100 bạn trẻ đến uống cà phê tại khu vực công viên 30-4, kéo dài từ khoảng 6 giờ 30 đến 18 giờ, chủ yếu là sinh viên, nhân viên văn phòng khu vực Q1, Q3 và có cả một số nhà báo trẻ.

Buổi sáng dòng người đông đúc chầm chậm lưu thông trên các trục đường Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch, Nam Kỳ Khởi Nghĩa…, nhìn vào khuôn viên cây cối xanh ngắt, mát mẻ, các bạn trẻ người thì chăm chú bên trang báo hay chiếc máy tính, có bạn tư lự bên ly cà phê đen trông hơi… cụ non, có nhóm bạn cười sảng khoái, vô tư bên những người bạn… ai nhìn vào đều công nhận đó là nét lạ của giới trẻ thành phố, mà chỉ có ở TPHCM này mới có mà thôi.

Vui buồn cùng “cà phê bệt”

Mỗi người một cách, đang “chìm đắm” trong không gian “cà phê bệt”, bỗng nghe tiếng hét to: “Trật tự đô thị đến”, tiếp theo đó là cảnh tượng nháo nhào. Những chiếc xe máy nối đuôi nhau từ công viên ầm ầm phóng ra làm náo loạn khu phố, nhiều khách nước ngoài trông vào ngơ ngác, chẳng hiểu vì sao thanh niên VN sợ “police” đến thế. Các cô dâu đang làm dáng ở nhà thờ bị tiếng động cơ của những chiếc xe máy phóng nhanh sau lưng giật mình đánh rơi cả hoa.

Lúp xúp chạy vào sát tường nhà thờ Đức Bà. Laptop không kịp “shutdown”, túi xách, báo chí, bao thuốc, hộp quẹt…, những ly cà phê vừa mới bưng ra chưa kịp uống rơi lả tả ở sân công viên.

Đó là những “cư dân bệt” lâu đời, còn nhiều cô cậu mới gia nhập “làng bệt” rất dễ bị phạt do xe đậu sai nơi quy định. Khi được hỏi tại sao không gởi xe để yên tâm, thoải mái thưởng thức cà phê thì nhiều người đưa ra lý do rất giống nhau – Trước hết là nơi giữ xe gần công viên không có (gần nhất là Nhà Văn hóa Thanh niên) chính vì thế nên lười và “thôi thì người đâu của đó cho tiện, ngồi khoảng tiếng đồng hồ mà gởi xe thì phiền quá?!”.

Một số bạn lại cho rằng thêm một chút phiêu lưu trong khi nhâm nhi cà phê rất thú vị! Chính suy nghĩ vô tư, vô tâm của một bộ phận thế hệ trẻ đã và đang gây ra những rắc rối không đáng có cho nếp sống đô thị vốn đã tồn tại quá nhiều bất cập, vướng mắc từng ngày.

Và nơi đến của các “cư dân bệt” không may, chính là chi nhánh kho bạc trên đường Trần Hưng Đạo nộp phạt, rồi phải đến Công an phường Bến Nghé trên đường Hồ Tùng Mậu nhận giấy tờ bị giam giữ hoặc nhận xe về.

Đôi điều muốn nói

Người bán “cà phê bệt” tâm sự, họ rất muốn xin giấy phép kinh doanh để yên tâm buôn bán theo đúng luật, nhưng nhiều lần xin giấy phép, chính quyền yêu cầu phải có cơ quan chủ quản đứng ra bảo lãnh thì mới được cấp. “Cà phê bệt” là loại hình bán “hàng rong cao cấp”, mỗi chủ xe là một chủ doanh nghiệp lưu động, đã có gánh hàng rong nào có giấy phép kinh doanh đâu!

Qua tìm hiểu, chúng tôi biết được phí đậu xe một lượt là 5.000 đồng, không kể đậu trong thời gian bao lâu. Phí đậu xe này do nhân viên thu phí Đội quản lý đô thị Công an phường Bến Nghé trực tiếp thu.

Chủ “cửa hàng cà phê” cho xe đậu bên hông công viên để phục vụ từ 6 giờ đến khoảng 18 giờ. Kết thúc một ngày buôn bán, họ bán được gần 200 ly nước uống, giá bình quân 6.000 đồng/ly, tổng thu khoảng 1 triệu/ngày. Phí thuê mặt bằng như vậy quả là quá rẻ.

Một chiếc xe 15 chỗ cũ kỹ, ngoài “nhiệm vụ” chuyên chở thùng sau xe cải tạo thành “khu chế biến”, khu chứa nguyên vật liệu… Trong không gian pha chế chật hẹp, trà đá được chứa trong những bình nước suối lớn, cà phê pha sẵn từ nhà đựng trong những chai nhựa và khi có khách gọi, chủ quán chỉ đổ cà phê ra ly và bốc nắm đá vô chiếc cốc nhựa là có ngay ly cà phê, trao nước cho khách là lấy tiền ngay, phòng khi công an tới còn chạy. Khi tôi tỏ ý thắc mắc về vệ sinh thức uống thì các “tín đồ bệt” cười khà bảo, họ thích đến đây vì họ cảm thấy vui và thoải mái. Còn chất lượng cà phê ư? Họ bảo uống “cà phê bệt” thấy vị… cũng đậm đà như uống trong quán sang trọng và uống trà đá “tàu nhanh” kia chưa bao giờ bị đau bụng!

Chức năng của công viên là địa điểm vui chơi, giải trí, thể dục thể thao lành mạnh. Công viên 30-4 với cảnh quan đẹp, hệ thống cây xanh và vệ sinh tốt là môi trường lý tưởng, đáp ứng tương đối hiệu quả cho các hoạt động trên. Đó là “công viên sống”, hữu ích, là lá phổi xanh mang lại bầu khí quyển trong lành cho thành phố và là niềm yêu thích của giới trẻ.

Buổi sáng tinh mơ, giữa một không gian ồn ào xe cộ ngược xuôi, một bộ phận thanh niên im lặng ngồi nhâm nhi cà phê trên quán cóc ở lề đường bên những trang báo là một nét sinh hoạt đặc trưng của Sài Gòn bao đời và “cà phê bệt” cũng là một nét lạ và đáng yêu trong sinh hoạt của giới trẻ thành phố. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điều cần bàn. Đó là việc một nhóm thanh niên dễ gây náo loạn khi có trật tự đô thị đến, đó là xe cộ dựng ngổn ngang trên tuyến đi bộ của công viên và những vệt nước đọng trên một đoạn công viên, sau khi “quán cà phê lưu động” dọn đi. Đó là chưa kể đến việc kinh doanh trốn thuế của các xe bán cà phê lưu động tại công viên.

Cũng là hình thức kinh doanh như các quán cà phê khác, nhưng các “chủ quán” chỉ bỏ tiền thuê mặt bằng đậu xe vài ngàn đồng mỗi ngày, ngoài ra không nộp khoản thuế kinh doanh nào khác, có nghĩa là ngân sách nhà nước mất đi một khoản thu chính đáng.

Chúng ta đang chung sức vì một thành phố trong sạch, văn minh. “Cà phê bệt” có thể là nét văn hóa lạ (nhưng chưa đẹp) của bộ phận thanh niên ở một thành phố trẻ. Nếu có thể, nên có khu dành riêng cho “cà phê bệt” để nét sinh hoạt rất trẻ này tồn tại nhưng không đối lập với tính thẩm mỹ chung của văn minh đô thị thành phố.

>> Cà phê bệt thời cấm vỉa hè

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng