Tại Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, ngày 11/4, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng NNPTNT Nguyễn Tiến Đông cho rằng nguồn vốn tín dụng dành cho cây cà phê cần tập trung vào hỗ trợ người trồng áp dụng những công nghệ, phương thức canh tác hiện đại.
Xêm thêm: Ngân hàng cam kết tài trợ cho cây cà phê
Tại chi nhánh Agribank Tây Nguyên, chỉ trong 4 năm (từ 2008 – 2012), dư nợ tín dụng dành cho cây cà phê tăng gần 70% từ 4.758 tỷ đồng lên 8.025 tỷ đồng, chiếm 23% tổng dư nợ.
Với kinh nghiệm đầu tư tại khu vực Tây Nguyên, đại diện Agribank cho rằng vốn tín dụng cần ưu tiên hỗ trợ cho người trồng đầu tư thâm canh cà phê, thay vì quảng canh, qua đó tăng vụ, tăng năng suất, sản lượng trên một diện tích trồng trọt, đồng thời nguồn vốn cũng hướng vào đầu tư việc áp dụng công nghệ cao để hạn chế những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết.
Bên cạnh đó, với diện tích cà phê già cỗi cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 – 10 năm tới của nước ta khoảng 140.000 – 160.000 ha, đòi hỏi một lượng vốn rất lớn, do vậy, Agribank cũng như các ngân hàng đang nghiên cứu cho vay ân hạn trong thời gian thực hiện tái canh và thâm canh cây cà phê.
Ngoài ra, để tạo nguồn vốn kịp thời cho người trồng cà phê, Agribank đề xuất thực hiện phương thức cho vay lưu vụ cà phê, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyên canh cây cà phê chủ động về nguồn vốn, kịp thời trong đầu tư, chăm sóc cây trồng đạt sản lượng và chất lượng cao, đồng thời hướng tới đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Từ đó, tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện hiệu quả các hợp đồng liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ nông sản.