Tin buồn

Chống thất thu thuế trong kinh doanh cà phê: Lúng túng trong xử lý

Kết thúc quý I-2013, ước tổng thu thuế và phí đạt mức thấp kỷ lục so với nhiều năm trở lại đây. Ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng của kinh tế khó khăn, mất mùa cà phê, bất cập trong việc thực hiện chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế…, liệu có còn nguyên nhân nào khác?

Xem thêm chuyên đề:  Mua cao bán thấp: Hành vi chiếm đoạt thuế tinh vi

Ngân sách thất thu vì doanh nghiệp “ma”

Theo số liệu thống kê của Cục Thuế tỉnh, ước tổng thu thuế và phí quý I-2013 được 726 tỷ đồng, tương đương gần 20% dự toán HĐND tỉnh giao; so với cùng kỳ năm 2012 chỉ gần bằng 71%. Trong tổng số 18 đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ thu (15 chi cục thuế các huyện, thị xã, thành phố và 3 phòng chuyên môn thuộc Cục Thuế) thì có tới 12 đơn vị có kết quả thu quý I-2013 thấp hơn cùng kỳ năm trước, trong đó có những đơn vị được giao dự toán thu lớn như: TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Ea H’leo, Krông Năng, Krông Pak….

Điều đáng quan tâm hơn là số thu từ khu vực ngoài quốc doanh – nguồn thu chiếm tỷ trọng khoảng 55%/tổng thu thuế và phí của tỉnh – đạt rất thấp, mới thu được chừng 305 tỷ đồng, tương đương khoảng 56% so với cùng kỳ năm trước. Trong số thu từ khu vực này, chỉ có khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) có tăng trưởng so với cùng kỳ là nhờ DN đến hạn nộp số thuế đã được gia hạn trước đó. Các sắc thuế còn lại đều giảm, như: thuế GTGT chỉ bằng khoảng 50%, tức giảm gần 250 tỷ đồng; thuế tài nguyên xấp xỉ 58%, giảm 3 tỷ đồng; thuế môn bài gần 80%, giảm 4 tỷ đồng.

Doanh nghiệp làm ăn chân chính của tỉnh đang khốn khổ vì doanh nghiệp “ma” . (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp làm ăn chân chính của tỉnh đang khốn khổ vì doanh nghiệp “ma” . (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng về kết quả thu thuế và phí quý I-2013 được xác định do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế; cà phê mất mùa trên diện rộng (có địa phương mất đến vài chục phần trăm so với niên vụ trước); việc thực hiện chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế….

Tuy nhiên, có một nguyên nhân quan trọng là thị trường kinh doanh nông sản nói chung, cà phê nói riêng xuất hiện một loại tội phạm mới. Lợi dụng sự thông thoáng của chính sách pháp luật trong đăng ký kinh doanh, in và phát hành hóa đơn, bọn tội phạm sử dụng chứng minh nhân dân giả đăng ký thành lập DN và chỉ kinh doanh (thực tế là mua bán hóa đơn lòng vòng) trong khoảng thời gian rất ngắn, chừng vài ba tháng rồi bỏ trốn, ôm trọn khoản tiền thuế của Nhà nước.

Cũng vì thành lập DN chỉ để mua bán hóa đơn, các DN này mua cà phê của người trực tiếp sản xuất nhưng không lập bảng kê theo quy định mà dùng hóa đơn đầu vào của các DN trong cùng đường dây (thông thường là ở tỉnh khác). Để có thể mua đủ hàng phục vụ cho việc hợp thức hóa này, chúng đã đẩy giá mua cao hơn giá thị trường từ một đến vài nghìn đồng/kg cà phê nhân xô khiến thị trường chao đảo, DN chân chính mất dần khách hàng truyền thống.

Chính vì nguồn cà phê thực tế của tỉnh đã bị hợp thức hóa đầu vào bằng các hóa đơn bán hàng của những DN “ma” nên bộ thuế GTGT của các đơn vị nộp thuế theo phương pháp khấu trừ (chủ yếu là nông sản) phát sinh trong 3 tháng đầu năm 2013 đạt rất thấp. Chẳng hạn, TP. Buôn Ma Thuột giảm 35 tỷ đồng, thị xã Buôn Hồ giảm 35 tỷ đồng, Cư M’gar giảm 31 tỷ đồng, Ea H’leo giảm 27 tỷ đồng, Krông Buk giảm 24 tỷ đồng, Krông Năng giảm 22 tỷ đồng…

Lúng túng trong xử lý

Nhiều người có trách nhiệm đã thẳng thắn nhận xét rằng công tác xử lý tình trạng “mua cao, bán thấp”, mua bán hóa đơn lòng vòng để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước trong thời gian qua còn nhiều lúng túng, thụ động. Bởi lẽ, loại tội phạm này đã được phát hiện từ những tháng cuối năm 2012, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để xử lý, ngăn chặn.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Lê Xuân Nhân bức xúc: Biện pháp quản lý thuế thời gian qua không hiệu quả, ngành Thuế tỏ ra lúng túng trong việc xử lý loại tội phạm mới xuất hiện này. Theo ông Nhân, biện pháp quản lý thuế kém hiệu quả thể hiện ở chỗ, ngành Thuế quá chú trọng công tác kiểm soát khâu lưu thông, trong khi việc kiểm soát này không hiệu quả, thậm chí chỉ tốn thêm công sức, vì các DN đã nhanh chân hợp thức hóa chứng từ trước khi vận chuyển hàng.

Vấn đề xử lý loại tội phạm mới mặc dù đã xác định được việc DN mua hàng từ người nông dân trực tiếp sản xuất, sử dụng hóa đơn đầu vào của các DN ở tỉnh khác, nhưng ngành Thuế chưa tiến hành xác minh cho ra tận gốc vấn đề. Ông Nhân đặt vấn đề: khi DN cung cấp hóa đơn đầu vào được xuất bởi một DN ở TP. Hồ Chí Minh thì cơ quan thuế phải tiếp tục xác minh đến cùng những thông tin có liên quan, như: DN này mua nông sản từ đâu, xuất bán cho DN ở Dak Lak vào thời điểm nào? ai là người vận chuyển mặt hàng này lên tỉnh Dak Lak?… Nếu thực hiện triệt để như vậy sẽ xử lý được các DN vi phạm.

Đại diện nhiều DN kinh doanh nông sản trên địa bàn cũng đồng tình với đề xuất này, theo họ, bởi chẳng có DN nào khờ dại đến mức mua cà phê nói riêng, nông sản nói chung từ các tỉnh khác (Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước…) để vận chuyển về tỉnh Dak Lak, rồi từ đây chở đi TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai… tiêu thụ.

Hiện tại, tình trạng thành lập DN “ma” để mua bán lòng vòng, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước đang diễn biến rất phức tạp, chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngoài mặt hàng cà phê, tình trạng này đã lan sang các mặt hàng khác như: tiêu, bắp, đậu đỗ các loại và cả cao su. Nguy hiểm hơn, đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy có sự tham gia thông đồng, tiếp tay của một số DN trong tỉnh. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, đã có hàng loạt biện pháp, kiến nghị được nêu ra, trong đó có cả việc đề nghị các bộ, ngành liên quan như: Tài chính, KH&ĐT, Công an, Tổng cục Thuế… cùng vào cuộc xử lý.

Tuy nhiên, vấn đề được đông đảo người dân mong đợi nhất là ngành Thuế tỉnh phải tăng cường xác minh, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; cơ quan công an cũng phải nhanh chóng có kết luận, đưa ra xử lý những trường hợp vi phạm mà cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ sang; cơ quan đăng ký kinh doanh có biện pháp giám sát đặc biệt đối với các DN kiểu này sau khi đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. “Không thể để tình trạng lợi dụng sự thông thoáng của chính sách để đăng ký kinh doanh, hoạt động vài tháng rồi “ôm” tiền thuế của Nhà nước bỏ trốn như hiện nay” – nhiều người làm ăn chân chính đề nghị.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Văn Nhơn

    Lập luận bài viết cũng lúng túng như các cấp quản lý lúng túng trong khâu xử lý vấn nạn này. Khi nói về thu thuế, cái cần đưa lên bàn cân trước tiên là số lượng xuất khẩu đã thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu 900.000 tấn, cao hơn cùng kỳ nhiều. Giá cả (đơn giá) cũng không kém mấy so với vụ cũ.
    Mất mác do mua cao bán thấp, trốn thuế phải tính trên cơ sở ấy. Nói rằng mất mùa, này kia…nhưng xuất khẩu lớn hơn, tức lập luận hay dư luận có vấn đề. Chuyện này không ảnh hưởng gì đến giá của nông dân, nhưng ảnh hưởng đến thất thu thuế của nhà nước và làm giàu bất chính bằng cách gian lận thuế của bọn gian thương.
    Ai sẽ chịu trách nhiệm về thất thu thuế khi cuối mùa xuất khẩu (giả sử) tăng cao hơn so với năm ngoái? Vì mất mùa? Không. Vì hạn hán? Không (tất nhiên ở đây nói về vụ cũ). Giá thị trường xuống? Không…Tất cả đều “không” thì đây chính là TẮC TRÁCH của cơ quan thuế và chính quyền địa phương.

  2. Vĩnh Tâm

    Vừa qua đọc báo thấy chi cục thuế Lâm Đồng không trả thuế VAT cho doanh nghiệp mua cà phê từ các tỉnh khác, tôi có thắc mắc:
    Cà phê mua tại các tỉnh khác, cụ thể là ĐăkLak luôn cao hơn giá mua tại Lâm Đồng là 400 ngàn/tấn (giá ngày 11/4/2013) mà không hoàn thuế VAT nữa thì doanh nghiệp phá sản à?
    Ở Lâm Đồng ai cho giá thu mua bèo bọt quá nhỉ?

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79