Ngành cà phê “lùi” sau bước “tiến” ngoạn mục

Sau hai năm được mùa liên tiếp, đến niên vụ 2012- 2013, người trồng cà phê lại mất mùa. Theo tính toán sơ bộ, sản lượng cà phê niên vụ này giảm tới 30% so với vụ trước (cao hơn mức giảm 15- 20% mà Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam- VICOFA- đã dự báo trước đó) và chỉ đạt 1,2 triệu tấn. Lượng xuất khẩu mặt hàng này trong năm nay được dự báo cũng sẽ giảm mạnh.

Trăm sự tại trời

Theo VICOFA, sản lượng cà phê vụ này sụt giảm là do diện tích cây cà phê phải hứng chịu sự biến động thất thường của thời tiết. Tại khu vực Tây Nguyên, ngay từ giai đoạn cuối niên vụ 2011- 2012, cà phê đang vào mùa thu hoạch thì gặp trận mưa đầu mùa đến sớm, khiến cây cà phê đơm hoa sớm. Hầu hết hoa ra đợt này đều rụng, không có khả năng đậu quả. Việc ra hoa sớm còn khiến cho cây cà phê suy yếu, kiệt sức nên số lượng hoa ra các đợt sau không tập trung, quả nhỏ, chùm thưa. Ngay cả tại các vườn cà phê trồng theo mô hình cà phê sạch, bền vững, quả cũng nhỏ mà chùm cũng ít hơn vụ trước.

san luong ca phe viet nam
Gia tăng sản lượng và nâng cao chất lượng hạt cà phê vẫn là một bài toán khó với ngành cà phê Việt Nam.

Thời điểm đầu vụ đang là mùa mưa, độ ẩm cao… cũng đã tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh phát triển, gây hại cho cây cà phê. Theo thống kê, đầu vụ, nhiều diện tích cà phê trong vùng phải đối mặt với bệnh rệp sáp hại hoa, quả non (chiếm tỷ lệ từ 8 – 25%) và bệnh rỉ sắt, khô cành… gây hại trên diện rộng. Tháng 7- 8/2012 và những tháng đầu năm 2013, tình trạng hạn hán nặng kéo dài, không đủ nước tưới cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của quả cà phê. Đây là lý do chính khiến sản lượng cà phê vụ này sụt giảm mạnh.

Một nguyên nhân khác khiến cà phê mất mùa là do diện tích cây cà phê đã già cỗi. Số liệu thống kê của các địa phương cho thấy, diện tích cà phê có tuổi đời trên 20 năm hiện chiếm trên 30% tổng diện tích; cho năng suất thấp (dưới 1 tấn/ha).

Xuất khẩu cà phê có thể giảm 600.000 tấn

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch VICOFA, nhận định, sản lượng cà phê sụt giảm chắc chắn sẽ kéo lượng cà phê xuất khẩu trong năm 2013 giảm theo; và dự kiến sẽ chỉ ở mức 1,1 triệu tấn, giảm 600.000 tấn so với năm ngoái. “Ngành cà phê không đặt ra mục tiêu xuất khẩu hàng năm cụ thể là bao nhiêu bởi lượng xuất khẩu phụ thuộc vào sản lượng, mà sản lượng thì phụ thuộc phần nhiều vào thời tiết; trong khi thời tiết không năm nào diễn biến giống năm nào. Bởi vậy, mục tiêu xuất khẩu của ngành chỉ mang tính định hướng”, ông Tự cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Nam Hải- Tổng Giám đốc Công ty Cà phê Controll, hiện công tác thu mua cà phê của công ty gặp nhiều khó khăn vì nguồn hàng không được dồi dào như năm ngoái; chất lượng hạt cũng kém hơn. Dự kiến, lượng cà phê xuất khẩu của công ty giảm từ 25- 30% so với năm 2012. Theo ông Hải, nguồn cung không sẵn nhưng giá cà phê thô hiện ở mức ổn định, khoảng 43.000 đồng/kg, giảm so với hồi sau Tết. Lý do là bởi nguồn cung cà phê thế giới khá dồi dào. Nếu giá cà phê thô trong nước quá cao, các doanh nghiệp chế biến sẽ tính sang phương án nhập cà phê từ Lào, Inđônêxia về chế biến để giảm chi phí đầu vào. Điều này đã từng diễn ra ở một số ít doanh nghiệp.

Hiện các tỉnh Tây Nguyên, nhất là các vùng trọng điểm về cà phê đang trải qua thời kỳ hạn hán nghiêm trọng. Điển hình như tại Đắk Lắk, lượng mưa năm nay thấp hơn trung bình nhiều năm đến 30%, nhất là các huyện phía đông như Lăk, Eakar, Madrăk. Các hồ chứa khu vực này không đủ nước nên nguy cơ hạn hán nặng còn kéo dài. Theo tổng hợp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Tây Nguyên, đến nay khu vực này có 70% diện tích trong tổng số 500.000 ha cà phê thiếu nước tưới, trong đó có tới 55.000 ha bị khô hạn nặng (trong số này hiện có 95 ha bị khô héo và chết).

Theo nhận định của VICOFA, với tình hình này, sản lượng cà phê trong niên vụ tới sẽ tiếp tục giảm.

Năm 1997, Việt Nam đã vượt qua Inđônêxia để trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê nhiều thứ ba thế giới. Vào năm 2000, với 734.000 tấn cà phê xuất khẩu, Việt Nam tiếp tục vượt qua Côlômbia để đứng ở vị trí thứ hai. Và năm 2012, với lượng cà phê xuất khẩu đạt hơn 1,7 triệu tấn, Việt Nam lần đầu tiên “qua mặt” Braxin vươn lên dẫn đầu thế giới về khối lượng cà phê xuất khẩu.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng