Trong mấy ngày qua các tỉnh Tây Nguyên có một vài trận mưa, tuy nhiên, việc có mưa chỉ giúp cây cà phê không bị chết héo vì thiếu nước và nếu tình trạng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hạt cà phê thu hoạch được.
Xem thêm: >> Sản lượng cà phê vụ tới sẽ giảm 35% do hạn hán
Ghi nhận của một công ty kinh doanh cà phê nước ngoài cho biết, từ ngày 18 đến 21-3 tại hầu hết các tỉnh Tây Nguyên đã có mưa, tuy nhiên, thời gian mưa chỉ kéo dài từ khoảng vài chục phút, có hơn hơn một giờ rồi thôi. Công ty này cho biết, lượng mưa trong mấy ngày qua sẽ giúp cây cà phê có khả năng ra được lứa hoa thứ 3 và giúp một số diện tích trồng cà phê ở những nơi thiếu nước không bị chết héo (vì thiếu nước).
Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, theo thông tin từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (N&PTNT) năm tỉnh Tây Nguyên, dù đã có mưa nhưng lượng mưa không lớn để giúp cây cà phê qua được cơn hạn kéo dài lâu nay.
Số liệu của Vicofa cho biết, trong thời gian qua khoảng 70% diện tích cà phê ở Tây Nguyên luôn nằm trong tình trạng thiếu nước. Vì thể, Vicofa vẫn giữ nguyên mức dự báo vụ cà phê tới sản lượng có thể giảm 30%.
Bên cạnh đó, theo ông Vinh nếu từ nay đến tháng 6, tháng 7 các tỉnh Tây Nguyên, nơi chiếm 90% diện tích trồng cà phê cả nước không có những trận mưa lớn thì nhiều khả năng chất lượng hạt trong niên vụ tới sẽ giảm.
Tạm ngưng bán bảo hiểm hạn hán cho cây cà phê
Mặc dù Tây Nguyên đang chiếm 90% diện tích cà phê của Việt Nam nhưng ở nhiều địa phương tại các tỉnh như Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm đồng, Kon Tum cây cà phê phụ thuộc vào nước trời (nước mưa). Nhận thấy đây là cơ hội nên Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Minh đã đưa ra chương trình bảo hiểm hạn hán cho cây cà phê.
Tuy nhiên, ông Hồ Hải Đăng, Phó giám đốc phụ trách ban bảo hiểm nông nghiệp của Bảo Minh cho biết, hiện chương trình bảo hiểm hạn hán cho cây cà phê tại Đăk Lăk đã tạm dừng lại.
“Trong hai năm 2011 và 2012 gói bảo hiểm hạn hán của Bảo Minh chỉ bán được hơn 100 hợp đồng, số tiền thu về là 110 triệu đồng nhưng tiền bồi thường là 157 triệu đồng. Vì thế, qua năm 2013 chúng tôi ngưng gói bảo hiểm này vì nếu tiếp tục thì còn lỗ nhiều hơn”, ông Đăng nói.
Theo Bảo Minh, bảo hiểm nông nghiệp hay các loại hình bảo hiểm khác đều phải dựa trên tiêu chí lấy số đông để hỗ trợ số ít nhưng bảo hiểm hạn hán đã không nhận được sự quan tâm của người dân. Vì thế, để Bảo Minh tiếp tục với chương trình này, theo ông Đăng là phải chờ từ chính quyền địa phương, ở đây là UBND tỉnh Đăk Lăk, có cơ chế chính sách hỗ trợ, còn không có sự hậu thuẩn thì Bảo Minh sẽ không thể triển khai.
Đăk Lăk đang đứng đầu cả nước và trồng cà phê với diện tích hiện có hơn 200.000 héc ta cà phê.
Theo tôi thì giữ được cây sống là tốt rồi còn những thứ khác thì từ từ tính. Bà con nên quan tâm tới dịch bệnh để kịp thời sử lý, thời tiết khô hạn chỗ tôi đang bị rệp sáp, rệp xanh rất nhiều, hy vọng chỗ mọi người ko có rệp như chỗ tôi.
Ghi nhận thời tiết tại Tây nguyên VN mà “theo một công ty kinh doanh cà phê nước ngoài”… hay thật. Sao không nói là nghe dự báo thời tiết của TW hay các đài KTTV địa phương?
Chắc là báo chí, cơ quan truyền thông mình hồi này nói hổng ai tin nữa rồi!
Cái này là do tư tưởng “sính hàng ngoại”, tin tức trong nước của mình mà cũng phải theo ngoại mới linh !
Nhận thấy đây là cơ hội nên Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Minh đã đưa ra chương trình bảo hiểm hạn hán cho cây cà phê. Tuy nhiên, ông Hồ Hải Đăng, Phó giám đốc phụ trách ban bảo hiểm nông nghiệp của Bảo Minh cho biết, hiện chương trình bảo hiểm hạn hán cho cây cà phê tại Đăk Lăk đã tạm dừng lại. “Trong hai năm 2011 và 2012 gói bảo hiểm hạn hán của Bảo Minh chỉ bán được hơn 100 hợp đồng, số tiền thu về là 110 triệu đồng nhưng tiền bồi thường là 157 triệu đồng. Vì thế, qua năm 2013 chúng tôi ngưng gói bảo hiểm này vì nếu tiếp tục thì còn lỗ nhiều hơn”, ông Đăng nói.
Hay thật, nếu cứ theo cách bán bảo hiểm gói nào lỗ thì không làm, người mua bảo hiểm sẽ càng lùi xa bảo hiểm.