Sáng nay, giá cà phê nhân xô trong nước tăng thêm 200 đồng, lên xấp xỉ 42.000 đồng/kg, là mức cao trong vòng gần 5 tháng qua.
Trên sàn Liffe NYSE London, giá cà phê Robusta tiếp nối đà tăng. Kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 11 USD, tương đương tăng 0,54%, lên mức 2.051 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 12 USD, tương đương tăng 0,57 %, lên mức 2.098 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 11 USD, tương đương tăng 0,52 %, lên mức 2.109 USD/tấn, các mức tăng đáng kể.
Trái lại, trên sàn Ice New York, giá cà phê Arabica đảo chiều suy giảm. Kỳ hạn giao tháng 3 giảm 0,5 cent, tương đương giảm 0,35%, xuống mức 142,4 cent/lb trong khi kỳ hạn giao tháng 5 và giao tháng 7 cùng giảm 0,05 cent, tương đương giảm 0,03%, xuống mức 143,45 cent/lb và mức 146,15 cent/lb, mức giảm rất nhẹ.
Theo chuyên gia Sterling Smith của Citibank, thị trường London tỏ ra quan ngại khi báo cáo xuất khẩu tháng Hai của Việt Nam giảm mạnh tới 50% do kỳ nghỉ Tết âm lịch làm mọi hoạt động chậm lại. Hạn hán cũng được nói tới khi sản xuất của Đăk Lăk, tỉnh trồng cà phê chủ lực, có 20 – 30 % diện tích không có đủ thủy lợi cung cấp nước tưới.
Giá cà phê Robusta tăng còn do thông tin xuất khẩu cà phê từ Indonesia, nước sản xuất và xuất khẩu Robusta lớn thứ 3 thế giới, giảm xuống thấp nhất 2 năm do tiêu thụ nội địa gia tăng. Trong niên vụ 2012/2013, Indonesia dự kiến xuất khẩu đạt 450 ngàn tấn, giảm 7,4 % so với niên vụ trước đó. Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng vụ mùa 2012/2013 nước này có thể thu hoạch được 640 nghìn tấn, tăng 10% so với vụ mùa trước đó.
Báo cáo tháng trước của Macquarie Group Ltd cho biết mức tiêu thụ cà phê Robusta của toàn cầu tăng 11% trong khi tiêu thụ cà phê Arabica giảm 6,2% trong vòng 12 tháng tính đến tháng 9/2012.
Chuyên gia Keith FLURY, một nhà phân tích của Rabobank International tại London, cho rằng “đồng đôla cao hơn và màu đỏ trên bảng giá cũng có nghĩa là một số nhà đầu tư chốt lời”
Giá cà phê Arabica tại New York trong ngắn hạn có thể có xu hướng tăng do sự bùng phát bệnh nấm gỉ sắt lá cà phê ở Trung Mỹ và các cuộc biểu tình lớn của người trồng cà phê ở Colombia hỗ trợ thị trường. Theo đài phát thanh Caracol, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đã gặp gỡ với các thành viên Chính phủ sáng sớm thứ Tư để thảo luận về biện pháp hỗ trợ cho nông dân trồng cà phê.
Vụ mùa sắp thu hoạch và tồn kho lớn của Brazil vẫn là áp lực chính đè nặng lên giá cà phê Arabica.
Giá cà phê nhân xô trong nước tăng thêm 200 đồng, lên mức 41.700 – 41.900 đồng/kg, là mức cao kể từ đầu vụ.
Anh Văn (giacaphe.com)
Giá cà phê hôm nay ngoài thị trường được thương lái mua cao bằng mức giá của đầu vụ, đây là tín hiệu vui cho người trồng cà phê mặc dù lượng hàng còn trong tay bà con rất ít.
Năm sau còn chết nữa, nước tưới thì không có, sâu bệnh thì nhiều. Giá cà phê không tăng thì không có lời.
Ở chỗ chúng tôi cà phê chết héo nắng hạn, nước tưới cạn kiệt, chúng tôi chỉ trông chờ vào thời tiết mấy ngày trước nghe tin có áp thấp tưởng có mưa để chúng tôi và cà phê đỡ khổ, nhưng ngược lại dân nghèo khổ còn cà phê thì chết khô chết héo, đất nứt nẻ, nước ở các con suối thì cạn hết rồi, thật là thảm họạ còn hơn cả ngày tận thế nữa huhuhu!
Thông tin không rõ ở đâu, nghĩa là không đáng để tin cậy !
Nắng hạn và mất mùa thế này giá phải đạt ngữơng trên dứơi 50ngàn 1kg thì bà con chúng ta mới có lời!
Nhìn nông dân Colombia được chính quyền quan tâm hỗ trợ mà thấy tủi cho nông dân mình !
Năm nay mất mùa chắc rồi, ngoài hạn hán như đề cập thì ko nói rồi. Ngoài ra, đợt nhà mình tưới (đợt 2) mùng 6 Tết, sau mấy ngày bị ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới, bông ko thụ phấn được. Đúng là làm nông muôn điều khó đổ lên đầu người dân…
Hi vọng kỳ hạn tháng 5 sẽ đạt mức 2200$ ở tuần đầu tiên tháng 3.
Cuộc sống muôn vàn khó khăn mà!
Phá rừng nhiều để bây giờ không có nước tưới, giá cà phê thì nhích từng xu. Nông dân thì mãi mãi là nông dân, khó làm giàu quá.
Bạn cố gắng đổi chữ nông dân đi, mình tin là sẽ bạn khác.
Cà phê chết khô hết rồi bà con ơi! Cố gắng chăm được cây nào thì tốt quá, khổ rồi!