Chuyện lạ ở Đăk Lăk: Trồng cà phê trên đất rừng

Chính quyền huyện Ea H’leo vừa phát hiện một sự việc “động trời”: Gần 50ha cà phê xuất hiện trong diện tích đất mà Cty TNHH thương mại và sản xuất Lộc Phát được UBND tỉnh Đăk Lăk cho thuê để trồng rừng.

Sở NNPTNT đã cương quyết yêu cầu Cty phải chặt bỏ cà phê, nếu không sẽ đề nghị UBND Tỉnh thu hồi toàn bộ dự án. Tuy nhiên, sự việc vẫn cho thấy có nhiều bất ổn.

Diện tích cà phê của công ty Lộc Phát trên đất rừng
Cty Lộc Phát đã trồng gần 50ha càphê trên đất rừng.

Cố tình vi phạm

Năm 2008, UBND tỉnh Đăk Lăk – lúc đó ông Lữ Ngọc Cư làm chủ tịch – có quyết định cho Cty TNHH thương mại và sản xuất Lộc Phát (địa chỉ kinh doanh tại xã Phú Lộc, huyện Krông Năng) thuê 362ha đất đồi núi chưa sử dụng tại tiểu khu 106 thuộc xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo để trồng rừng.

Từ đó đến nay, các ngành chức năng như Sở NNPTNT, Sở KHĐT không nắm được tình hình thực hiện dự án của Cty Lộc Phát. Cuối năm 2012, từ thông tin cơ sở cung cấp, UBND huyện Ea H’leo đã chỉ đạo Phòng NNPTNT, Hạt Kiểm lâm huyện, UBND xã Ea Hiao tiến hành kiểm tra dự án.

Đoàn kiểm tra phát hiện trong vùng dự án của Cty Lộc Phát có 48,178ha cà phê chè, trong đó có 36ha trồng trong các năm 2008 – 2009. Tại thời điểm kiểm tra (ngày 1.11.2012), Cty Lộc Phát vẫn có 2 máy múc, khoảng 20 nhân công đang xử lý đất rừng để tiếp tục trồng cà phê.

Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Hồ Đắc Dũng – Giám đốc Cty Lộc Phát – cho rằng, Cty đầu tư trồng cà phê chè trong vùng dự án là đúng với quyết định 178/2001/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về “quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp”.

Ông Dũng cho rằng, hộ gia đình, cá nhân được thuê đất trồng rừng sản xuất thì được sử dụng không quá 20% số diện tích để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, ai cũng biết hiệu quả kinh tế của cà phê lớn gấp nhiều chục lần lợi nhuận trồng rừng. Song các tỉnh Tây Nguyên không có chính sách cho doanh nghiệp thuê đất trồng cà phê, trừ các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam hoặc doanh nghiệp ngành cà phê thuộc Tỉnh.

Không chặt bỏ sẽ thu hồi

Ngày 15.1, làm việc với các ngành chức năng của Tỉnh và UBND huyện Ea H’leo, Cty Lộc Phát mới thừa nhận việc trồng cà phê chè trên đất rừng là sai quy định. Nhưng ông Hồ Đắc Dũng xin được khắc phục bằng cách trồng xen cây rừng vào cà phê, tiếp tục thu hoạch cà phê, khi rừng khép tán mới chặt bỏ cà phê. Tại cuộc họp, các ngành chức năng kết luận, việc Cty Lộc Phát trồng hơn 48ha cà phê trên đất rừng là không đúng mục đích sử dụng đất thuê, dự án đầu tư đã được thẩm định, quy hoạch sử dụng đất của địa phương, Cty cũng không phải đối tượng thụ hưởng chính sách theo Quyết định 178/2001/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Do vậy, đại diện Chi cục Kiểm lâm đề nghị thu hồi toàn bộ dự án. Cuối cùng, cuộc họp thống nhất đề nghị UBND Tỉnh cho phép Cty Lộc Phát được tiếp tục thực hiện dự án, nhưng phải cam kết chặt bỏ diện tích cà phê và trồng lại rừng trong năm 2013. Nếu sau ngày 15.2, Cty Lộc Phát không có văn bản cam kết thực hiện nội dung trên, Sở NNPTNT sẽ báo cáo UBND Tỉnh thu hồi toàn bộ diện tích đã cho thuê và không bồi thường các chi phí đầu tư. Hiện UBND tỉnh Đăk Lăk đang xem xét các đề nghị trên. Tuy nhiên, đây là sự việc nghiêm trọng, cần được xử lý nghiêm để tránh việc biến các dự án trồng rừng thành dự án sản xuất nông nghiệp.

Việc kỷ luật ông Lữ Ngọc Cư có liên quan đến một dự án khác của Cty Lộc Phát

Trước đó, ông Lữ Ngọc Cư đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo, cho thôi chức Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk để nhận nhiệm vụ tại Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Trong các sai phạm của ông Cư, có việc cho Cty Lộc Phát thuê đất trong khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn ở huyện Krông Năng để trồng caosu, trong khi người dân tại chỗ thiếu đất sản xuất.

Trong một diễn biến khác, ông Y Manh Adrơng – Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo – cũng cho biết, Cty Lộc Phát từng chuyển nhượng dự án trồng rừng tại huyện này cho một DN khác với số tiền nhiều tỉ đồng. Đó là dự án liên kết trồng rừng giữa Cty Lộc Phát với Cty TNHH MTV lâm nghiệp Ea H’leo – DN Nhà nước thuộc tỉnh Đăk Lăk. Năm 2008, Cty Lộc Phát chuyển nhượng dự án này cho Cty TNHH nguyên liệu giấy Tân Hưng Long (Khánh Hòa), nhưng đến nay Cty Tân Hưng Long vẫn chưa được UBND Tỉnh cho thuê đất. Tân Hưng Long đang đầu tư vốn quản lý, chăm sóc diện tích rừng trồng này.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. leminh

    Giao đất rừng cho dân thì cán bộ chẳng chấm mút gì.
    Bị kỉ luật thì cũng coi như chuyển vị trí công tác khác, thậm chí còn… ngon ăn hơn cương vị cũ!

  2. long

    Bà con trên diễn đàn nên bình luận nhiều hơn, để mọi người ai có thông tin thì nói cho người khác cùng biết, cùng bàn luận và trao đổi thông tin để mọi người cùng biết nhiều hơn. Thời đại ngày nay thông tin là sức mạnh mà, nhiều người biết và trao đổi sẽ có sức mạnh rất nhiều lần.

  3. Mai

    Tại sao không được trồng cây lâu năm trên đất thuê rừng sản xuất các bác nhỉ. Tôi chưa hiểu lắm về vấn đề này và đang thắc mắc. Miễn sao dân họ làm kinh tế và không phạm pháp trồng gì chẳng được mà phải bắt chặt bỏ phí phạm công sức người dân quá. Ban QT giúp giải thích được không ạ. Xin cảm ơn.

    1. Nguyễn Vịnh

      Có gì mà bạn khó hiểu. Thuê đất trồng rừng thì phải… trồng rừng. Còn muốn trồng thứ gì thì bạn phải thuê đất chứ.
      (Nhà Nước mình không có chính sách cho thuê đất tự do)
      Trường hợp này là sử dụng không đúng mục đích khi được giao đất.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

87