Nông sản Việt tìm lại ngôi vương

Không chỉ đạt kỷ lục 27,5 tỷ USD, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm 2012 còn đón tin vui khi chứng kiến sự thăng hạng của nhiều mặt hàng nông sản trên thị trường thế giới.

Xem thêm bài: >> Nhìn lại tình hình xuất khẩu nông sản: Hy vọng năm mới khởi sắc

Ba “ông vua”

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, trong vụ cà phê 2011-2012, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,76 triệu tấn cà phê, đạt giá trị 3,74 tỷ USD, tăng 40,3% về lượng và 36% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Với sản lượng này, cà phê xuất khẩu Việt Nam vươn lên đứng đầu thế giới sau nhiều năm xếp vị trí thứ nhì. Trước đó, hai mặt hàng nông sản khác của Việt Nam là hạt tiêu và hạt điều, sau nhiều năm xác lập “ngôi vương” trên thị trường xuất khẩu thế giới, năm nay tiếp tục giữ vững ngôi vị.

Cụ thể, năm 2012, xuất khẩu điều của cả nước ước đạt 1,483 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và tiếp tục đứng đầu thế giới. Như vậy, trong vòng 7 năm liên tục, từ năm 2006 đến 2012, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới, vượt cả Ấn Độ và Brazil. Tương tự, xuất khẩu hồ tiêu năm nay thu về 818 triệu USDõ, giảm về sản lượng, nhưng lại tăng giá trị so với năm ngoái, vững vàng danh hiệu số một thế giới hàng chục năm nay.

Một mặt hàng “ngấp nghé” ngôi vương là gạo. Đầu tháng 12/2012, xuất khẩu gạo Việt Nam được dự đoán vượt qua Thái Lan, trở thành nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới. Dù vậy, hết năm 2012, xuất khẩu đạt tới 8,1 triệu tấn, giá trị 3,7 tỷ USD, song nước ta vẫn xếp sau Ấn Độ (8,7 triệu tấn).

Tuy không giành ngôi vương, nhưng cao su cũng là mặt hàng xuất khẩu có sự “thăng hạng” đáng kể trong năm 2012. Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam khẳng định, dù thấp hơn năm ngoái, song xuất khẩu cao su vẫn rất tốt. Đặc biệt, năm 2012, xuất khẩu cao su của Việt Nam đã vươn lên thứ ba thế giới – vị thế cao nhất từ trước tới nay của cao su Việt Nam.

GS. Võ Tòng Xuân, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư nghiên cứu và Xuất khẩu gạo thơm ITARICE nhận định, thời gian qua, trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp phá sản, hàng hóa ứ đọng, lạm phát tiếp diễn, ngân sách không đủ chi…, thì nông nghiệp vẫn đứng vững, sản xuất ổn định, bảo đảm cái ăn cho người dân và có dư để xuất khẩu. Khu vực nông nghiệp đã cứu vãn phần nào sự trì trệ của nền kinh tế.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp cho rằng, năm 2012, nông nghiệp vẫn được mùa, tạo ra hàng triệu việc làm, trở thành tấm đệm an toàn, giúp đất nước duy trì ổn định kinh tế, chính trị. “Đặc biệt, dù ở trong thế phòng ngự, nhưng nông nghiệp vẫn tạo được những ‘bàn thắng’ đặc sắc mà xuất khẩu nông sản là điển hình”, ông Sơn nói.

Mong manh ngai vị

Công bằng mà nói, tuy có nhiều mặt hàng nông sản xếp thứ nhất, thứ nhì thế giới về xuất khẩu, song đến giờ phút này, chỉ có hồ tiêu của Việt Nam mới có thể tự tin “vỗ ngực” làm bá chủ thị trường thế giới, có khả năng chi phối thị trường hồ tiêu thế giới.

Bằng chứng là, năm 2012, ngoại trừ hồ tiêu xuất khẩu giảm 8,9% về sản lượng, nhưng vẫn tăng hơn 6% về giá trị, còn lại hầu hết các mặt hàng đều tăng mạnh về số lượng, nhưng giá trị lại tăng rất thấp, không tương xứng với sản lượng. Điều này cho thấy thực tế là, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của nước ta đang chạy đua với thế giới về lượng, còn chất thì vẫn chưa được cải thiện.

Cụ thể, năm 2012, xuất khẩu hạt điều tăng gần 26% về lượng, nhưng chỉ tăng hơn 0,7% về giá trị. Xuất khẩu gạo cũng tăng 14% về lượng, nhưng chỉ tăng 2% về giá trị do giá xuất khẩu gạo thấp hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự với cà phê, dù vượt Brazil về sản lượng, song giá trị xuất khẩu cà phê của nước ta mới chỉ bằng non nửa nước này.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, ngôi vương cà phê đạt được trong năm 2012 một phần do Brazil mất mùa. Dự báo, năm 2013, sản lượng cà phê của Brazil đạt mức kỷ lục, thì cà phê nước ta sẽ bị soán ngôi.

Điều đáng nói là, trước khi vươn lên vị trí dẫn đầu, cà phê Việt Nam đã nhiều năm là á quân của thị trường cà phê xuất khẩu thế giới. Song dù đứng thứ nhất hay thứ nhì, ngành cà phê không tránh khỏi thực tế là chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô, không có thương hiệu, giá trị gia tăng thấp, kinh doanh kém hiệu quả.

Với lúa gạo, ngôi vị thứ nhì thế giới cũng rất mong manh. Năm ngoái, Thái Lan mất vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới vì chính sách mua gạo giá cao, còn năm nay, xuất khẩu gạo của Thái Lan chắc chắn sẽ tăng tốc trở lại, nhất là ở thị trường gạo chất lượng cao. Còn ở thị trường gạo phẩm cấp thấp, Ấn Độ, với chính sách bán gạo giá rẻ và lợi thế gần châu Phi, đang vượt qua cả Thái Lan lẫn Việt Nam.

Do đó, xuất khẩu gạo năm 2013 của nước ta được dự báo là rất khó khăn. Ông Phạm Văn Bảy, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, đến thời điểm này, vẫn chưa có hợp đồng xuất khẩu lớn nào được chuyển qua năm 2013.

“Việc chạy đua xuất khẩu gạo về lượng, cạnh tranh với các nước về phân khúc gạo phẩm cấp thấp cuối cùng chỉ thiệt hại cho nông dân. Chúng ta cần phải đưa ra chiến lược xuất khẩu gạo khôn ngoan bằng cách nâng cao chất lượng, giá trị gạo xuất khẩu”, GS. Võ Tòng Xuân nhận xét.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét, “nông nghiệp là hồng phúc của Việt Nam”. Không chỉ giúp ổn định kinh tế, chính trị trong nước, nông nghiệp còn giúp Việt Nam xây dựng được hình ảnh, vị thế trên thương trường quốc tế. Tuy nhiên, để duy trì, nâng cao vị trí thống lĩnh thị trường nông sản thế giới, mang lại lợi ích xứng đáng cho nông dân, đòi hỏi ngành công nghiệp chế biến phải tăng tốc để nông sản Việt Nam thoát cảnh xuất thô cho các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới hái tiền.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

77