Xuất khẩu cà phê: Đạt kỷ lục nhờ dự báo

Xuất khẩu cà phê năm 2012Xuất khẩu cà phê trong năm 2012 đạt kỷ lục. Tuy nhiên, với dự báo sản lượng cà phê năm tới sẽ giảm 30%, việc giữ ngôi vị xuất khẩu của ngành cà phê sẽ trở nên khó khăn hơn.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu cà phê trong năm 2012 ước đạt 1,76 triệu tấn với trị giá 3,74 tỷ USD, tăng 40% về lượng và 36% về giá trị so cùng kỳ năm trước. Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 2.137 USD/tấn. Hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ (chiếm 12% thị phần) và Đức (chiếm gần 12% thị phần) vẫn tăng trưởng khá cả về lượng và giá trị. Đáng chú ý, thị trường Indonesia có mức tăng trưởng đột biến, gấp 5,6 lần về lượng và giá trị so với năm trước.

Đánh giá về kết quả này, ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, vào thời điểm đầu năm, điều kiện thời tiết không thuận lợi, cà phê bung hoa sớm ảnh hưởng đến việc đậu quả. Tuy nhiên, đến tháng 8, có vài đợt mưa tạo điều kiện cho cây cà phê phát triển. Với yếu tố thuận lợi này, xuất khẩu cà phê Việt Nam đã đạt mức kỷ lục. Bên cạnh đó, cơ chế thương mại và tạm trữ cũng là điều kiện thuận lợi cho ngành cà phê đạt cao.

Theo ông Vinh, tình hình thị trường năm 2012 không còn như trước và DN trong nước tạo được áp lực khá mạnh. Sự yếu thế của các DN FDI một phần là do sai lầm trong chính sách thu mua. Khối DN này nhận định rằng, nông dân sẽ bán ra ồ ạt như những năm trước, khi đó, họ mua vào rồi lại chờ bán lại hưởng lợi nhuận mà không cần xuất khẩu như trước đây. Thế nhưng, người dân đã dự trữ cà phê tại nhà thay vì ký gửi ở kho tư nhân và giảm lượng bán ra. Việc tăng cường thông tin thị trường tốt đã giúp người dân nắm rõ diễn biến giá cả, từ đó chủ động bán ra để có lợi nhuận cao nhất. Do làm thương mại tốt hơn nên giá cà phê xuất khẩu đã được nâng lên. Năm 2012, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam chỉ còn trừ lùi 30 USD mỗi tấn so với giá trên sàn giao dịch London và New York. Trước đây, cà phê xuất khẩu của Việt Nam thường bán theo giá trừ lùi hơn 100 USD một tấn. Ngoài ra, chất lượng cà phê được cải thiện nhiều nhờ tăng tỷ lệ hái chín, chuyển sang chế biến ướt và lượng cà phê chứng chỉ gia tăng cũng đã góp phần nâng giá xuất khẩu.

Dự báo, sản lượng cà phê năm tới sẽ giảm 30% do biến động thất thường của thời tiết. Cùng với đó, hoạt động sản xuất và xuất khẩu cà phê luôn tiềm ẩn nhiều bất ổn cả về chất lượng, sản lượng và giá cả. Một thực tế là 80% diện tích cà phê ở Việt Nam nằm ở các nông hộ, nên rất khó để hình thành một nền sản xuất tập trung, bền vững. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta hàng đầu thế giới nhưng giá trị xuất khẩu lại không đi cùng với thứ hạng này. Nếu vẫn duy trì những nhược điểm cố hữu đó thì việc giữ ngôi vị cho cà phê Việt Nam sẽ rất khó khăn.

Để cà phê phát triển bền vững, ông Vinh cho rằng, giải pháp cốt yếu là phải đẩy mạnh sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của cà phê. Hai mục tiêu hàng đầu của ngành cà phê là xây dựng chuỗi giá trị và xây dựng quỹ bảo hiểm sản xuất, trồng mới cây cà phê. Hiện diện tích cà phê già đã chiếm tới 25% tổng diện tích, đến năm 2020, diện tích cà phê già của Việt Nam sẽ lên tới 50%. Nếu chỉ tập trung vào thu hái mà không đầu tư trồng lớp cà phê mới, chất lượng cao để thay thế lớp cà phê già thì sẽ đến lúc ngành cà phê Việt Nam tàn lụi. Kinh nghiệm từ niên vụ trước, ông Vinh đề xuất thêm, Nhà nước cho phép các DN Việt Nam kinh doanh cà phê được vay ngoại tệ, tạm trữ hàng khi giá xuống thấp để tạo cung – cầu và đẩy giá lên.

Nắm trong tay lợi thế là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể tác động lớn tới thị trường cà phê thế giới. Các chuyên gia nhận định, trong năm 2013, các DN Việt Nam cần tiếp tục làm tốt công tác dự báo, liên kết chặt chẽ với nhau để giữ được giá cà phê, đồng thời giữ ngôi vị mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2012.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông Cà

    Với danh hiệu “Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta hàng đầu thế giới” nhưng VN không có sách lược nào hiệu quả để quyết định giá cả có lợi cho chính nông dân VN, thì đứng hàng đầu mà làm cái gì! Không nên chạy theo thành tích ảo!

  2. honam

    Trong năm 2012 không biết Indonesia đã nhập khẩu bao nhiêu tấn cà phê của Việt Nam? Trong lúc giá cà phê Việt Nam trên sàn London có mức trừ lùi cao thì cà phê Indonesia lại có mức cộng ở ba con số, một mức chênh lệch rất lớn. Nếu Indonesia nhập của Việt Nam với lượng cà phê như vậy rồi đem xuất khẩu với mức giá cà phê của họ thì giá trị gia tăng mà họ được hưởng không hề nhỏ. Xuất khẩu đứng đầu về số lượng là điều đáng mừng nhưng có lẽ vẫn chưa đủ!

    1. Cafe Vối

      Năm 2012 Indonesia nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 46.000 tấn cafe, chủ yếu về để bổ sung nguồn rang xay cho tiêu thụ nội địa.

    2. nongdancafe

      Đồng ý với Hồ Nam
      Như vậy mới thấy nông dân đã làm hết mình, còn doanh nghiệp và hiệp hội chả làm gì mà các Chính sách toàn hỗ trợ cho DN và HIỆP HỘI (vốn vay ưu đải, phí xuất khẩu…)

    3. Cafe con

      @honam có biết cà phê Indo có mức cộng 3 con số là cà phê gì không? Nếu tương đương như cà phê R2 của ta thì không nhà rang xay nào dại gì mà đi mua với giá đó.
      Bạn không biết thì nên hỏi rõ trước khi phát biểu thì mới là biết !

  3. Lê Đức Phú Cam

    Đúng vậy Cafe con. Làm như chỉ có @honam mới biết còn rang xay thế giới đều ngu xuẩn và mù cả nên phải ăn hàng Indo trên cả hàng trăm USD!

  4. Tìm sự thật

    @Lê Đức Phú Cam: Trong quá khứ cà phê Indo có lúc được cộng tới 500$, cà phê Việt Nam ta có lúc bị trừ tới 350$, như vậy theo bạn là do thế giới thông minh và sáng mắt chăng?

    1. Lê Đức Phú Cam

      Đúng thế. Không chỉ thế mà còn tham đến điên loạn, không biết đâu là sự thật, đâu là bốc phét.

  5. Tìm sự thật

    Y5 có biết trong quá khứ cà phê Indo được cộng nhiều nhất là bao nhiêu và cà phê Việt Nam bị trừ nhiều nhất là bao nhiêu không, tương ứng lúc đó giá cà phê trên sàn Liffe là bao nhiêu, liệu cách cộng, trừ như thế đã hợp lý chưa, nguyên nhân có phải do chất lượng hay còn lý do nào khác? Tôi tự nghĩ nếu trong tương lai cà phê Việt Nam được cộng hai con số chưa hẳn đã là vô lý, được như thế chắc hẳn nông dân Việt Nam chúng ta sẽ có thêm nhiều niềm vui.

    1. Cafe sáng

      Muốn cộng hai ba con số thì phải có lý chứ không chỉ muốn là được. Nếu không thay đổi tập quán sản xuất, sử dụng phân thuốc quá nhiều để đẩy năng suất lên thì… không thể !

  6. ham rong

    Nói đâu xa các bạn, ngay cà phê của Lào cũng được cộng tới 3 con số kìa. Nhưng phải tìm hiểu vì sao họ được cộng còn VN thì chưa tới mức đó. Rang xay chả dại ngu gì mà đi mua cao hơn để bán và căn bản tại sao người tiêu dùng lại chấp nhận giá đó. Nói phải hiểu thì thiên hạ mới nể phục chứ đừng như các vị VICOFA … phải không anh LÂM HÀ

  7. honam

    Ở Việt Nam công ty cà phê Thắng Lợi- Đắc Lắc năm 2012 cà phê nhân xuất khẩu của công ty này đã có lúc giá được khách hàng nước ngoài mua cộng tới ba con số. Có lẽ Uy tín- Chất lượng-Dịch vụ đã làm nên thành công này chăng?

  8. Cafe vỉa hè

    Cà phê Thắng Lợi được chế biến ướt, qui trình khác hoàn toàn nên không thể so sánh được.
    Tuy bán giá cao nhưng lợi nhuận cho nông dân sản xuất rất thấp, không bằng chế biến khô thông thường.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82